Sài Gòn, vùng chợ phố xưa ba trăm năm (lấy con số tròn), nay nằm trong địa bàn quận 1, quận 3 của thành phố được xem như một quê hương. Người Việt Nam nhớ nằm lòng câu: “Chốn quê hương đẹp hơn cả”. Ở miền đồng ruộng, quê hương là bóng dáng lũy tre, con rạch với vườn tược, chiếc cầu nhỏ và đình, chùa. Ở Sài Gòn, là bến cảng, với nhà kho, tàu biển, cũng là giang cảng, có đường ăn lên Biên Hòa theo sông Đồng Nai và có đường sông ăn vào con sông Cửu Long tươi đẹp của Đông Nam Á. Là quê hương thì phải có ký ức, có hồn, hồn của đất nước. Người Pháp đã đến chỉnh trang, mở mang Sài Gòn trong khoảng non thế kỷ, từ năm 1917, đã tặng Sài Gòn cái mỹ hiệu là Hòn Ngọc Viễn Đông, là bao lơn của Thái Bình Dương (Le balcon du Pacifique).

Hồn của Sài Gòn lắng đọng qua thời gian, từ những hình tượng cụ thể. Nhớ Sài Gòn, yêu Sài Gòn là yêu con sông thoáng rộng chảy ra biển, là yêu cây xanh bóng mát, yêu đường phố, và nhất là yêu tính hiếu khách của người Sài Gòn. Không hiếu khách thì làm sao phát triển “kinh tế thị trường”. Đó là hơi thở của Sài Gòn, là cái đòn bẩy của Sài Gòn từ khi lập nước. Pháp đến, thêm kho hàng, cửa khẩu, dịch vụ cho tàu thuyền, dịch vụ cho khách vãng lai.

Người Việt thường gọi một cụm bốn tiếng: “Nhà cửa phố xá”. Ở đây tạm đóng khung trong chuyện nhà cửa bên đường phố.

Trước khi Pháp đến, Sài Gòn đã có vài đường phố với qui hoạch mà người Pháp đã tôn trọng: đường nay Hai Bà Trưng ăn lên phía ngoại ô Gò Vấp (nguồn rau xanh, cây trái), đường xuống phía đồng bằng, qua Chợ Lớn, nay Nguyễn Trãi, lên Tây Ninh, đến Campuchia (Cambodge), nay đường Cách Mạng Tháng Tám, thêm trục lộ chính từ đông sang tây, đường Nguyễn Thị Minh Khai, về phía bắc, nối ra Huế lại có đường dọc theo mé sông. Người Pháp đến, đem vài sự ngạc nhiên cho người dân bình thường: chiếc xáng đào kinh (tàu cuốc), đường xe lửa, đặc biệt là kiểu thức nhà cửa, dinh thự…

Người Việt Nam theo truyền thống xưa là không xây nhà có tầng lầu; làm như vậy, người tầng trên sẽ đi ngang trên đầu người ở tầng trệt, lắm khi có bàn thờ ông bà. Nếu xây lầu và có gác thì bên dưới phải bỏ trống với người qua nhưng chẳng phải là nơi cư ngụ hoặc làm việc: thử quan sát cung điện Huế và cửa Ngọ Môn.

Không đắp nền quá cao sợ phạm thượng; nền cao và rộng dành cho đàn (tertre) để tế trời đất.

Nhà không cửa sổ để tránh người ngoài nhìn vào, vừa giữ vẻ tôn nghiêm. Nhà để cư ngụ nhưng còn là một kiểu đền nhỏ, dành để thờ ông bà nơi trang trọng nhất, ngay giữa nhà. Vì vậy, không gian thu hẹp, không quá sáng sủa. Nhà của quan to sâu và rộng, nhưng thấp, nên lắm khi phải đốt nến lúc ban ngày. Không có trần nhà để che bụi, gọi (plafond).

Không có bồn chứa nước, không cầu vệ sinh tươm tất, không có máng xối với hệ thống hoàn chỉnh. Thêm tường rào quanh sân để giữ sự kín đáo.

Không đắp hình tượng trang trí lòe loẹt bên ngoài, làm như thế thì không phải nhà ở, nhưng là đền, miếu.

Người Pháp đến, bày ra kiểu nhà tường cao ráo, quét nước vôi trắng, phải chăng rút kinh nghiệm từ các thuộc địa ở vùng Bắc châu Phi. Dinh thự của Pháp xây trên nền cao ráo, lắm khi bên dưới lại có hầm bỏ trống cho thoáng.

Nhiều cửa sổ thoáng gió, dân gian gọi đó là cửa sổ lá sách, trần nhà quét vôi, che bụi bặm, mạng nhện giăng dễ bị phát hiện, nền lót gạch bông (gạch hoa), láng bóng, sáng sủa.

Nơi dành thờ Chúa hoặc thánh Maria trong nhà cũng vừa phải, không trang trí rườm rà.

Phòng tiếp khách, nơi ăn cơm, nơi uống rượu, nhà bếp đâu đó riêng biệt; cha mẹ, vợ con đều có phòng riêng chứng tỏ sự tôn trọng tự do cá nhân.

Vòng rào lắm khi chỉ là những song sắt, tôn trọng cây cổ thụ sẵn có, mặt sân dành cho bãi cỏ, cắt bằng phẳng, thêm nước phun lên từ những vòi xem ngộ nghĩnh, đôi khi có hình tượng của thiếu nữ gần như khỏa thân.

Nhà hát của Pháp xây cất ở Sài Gòn đắp tượng thiếu nữ, các hình tượng trước tòa Đô chính với thằng bé, con cọp, bà đầm, nói chi đến trước dinh Gia Long có những khung nhỏ, đắp hình con sấu, con chim ít được chú ý.

Khách quan mà nói, những dinh thự lớn của Sài Gòn do Pháp xây cất đều nằm trong khu vực sang trọng, cao ráo, thoáng mát mà thời trước các quan nhà Nguyễn đã chọn để trấn đóng. Người Pháp gọi nơi đây là khu vực cao ráo, một kiểu “cao nguyên”. Khu vực tuy không nói ra nhưng rõ ràng là dành cho người Âu cư ngụ, làm việc và giải trí với gió mát từ sông Sài Gòn và không xa, từ sông Đồng Nai thổi vào.

Phần còn lại, phía con rạch Bến Nghé ăn vào Chợ Lớn thì ẩm thấp, bùn lầy, thiếu vệ sinh. Đường Catinat (Đồng Khởi), đường Nguyễn Huệ gần như dành cho người Tây học, làm công chức, biết tiếng Pháp thông dụng.

Ảnh hưởng của những dinh thự, công sở cao ráo kiểu Tây này với những con đường tráng nhựa đầy cây to gây được âm vang tận các tỉnh xa xôi…

Ta không quên rằng Nam kỳ thời xưa chia ra 20 tỉnh, mỗi tỉnh đều có cơ ngơi dành cho công sở, quan chức. Tòa hành chánh tỉnh và dinh của chủ tỉnh cũng là nhà lầu, nền cao ráo; tỉnh lỵ có đường sá ngay thẳng, trồng cây xanh, thêm nhà chợ. Sở Công chính, trường học, bệnh viện… toàn là kiến trúc kiểu Pháp với qui mô khiêm tốn hơn.

Giới điền chủ lớn, thương gia ở các tỉnh bắt chước kiểu nhà Tây ở Sài Gòn nhưng cải tiến lại, để giữ phong cách Việt Nam.

Nhà ngói 3 gian, 2 chái theo kiểu Tây với nền đúc cao ráo, cửa sổ lá sách, có trần để che bụi, giảm hơi nóng, lót gạch bông, với bậc (tam cấp) đi lên nhà.

Giữa nhà, bố trí “xa-lông”, tức là bàn ghế theo Tây với mặt bằng khá rộng dành cho khách. Nhưng vẫn giữ nơi trang trọng giữa nhà làm nơi thờ ông bà với cái lư, chân đèn, lư cắm nhang.

Bàn ghế dành tiếp khách mô phỏng theo kiểu của trường dạy nghề mộc mà người Pháp thành lập rất sớm từ đầu thế kỷ XX, ở Thủ Dầu Một (Sông Bé, nay là Bình Dương). Chuyên viên về ngành đóng bàn ghế, tủ, từ Pháp qua đã tận dụng sự khéo léo sẵn có của thợ mộc người Việt, dạy cho họ đóng bàn ghế, tủ, theo kiểu Louis XVI bên Pháp, cẩn xà cừ, chạm trổ hoa cúc dây, bông mẫu đơn, bông hồng.

Bàn thờ ông bà thời xưa được cải tiến theo kiểu tủ của Pháp, cao ráo cẩn xà cừ.

Nét Việt Nam vẫn còn giữ được qua bộ ván cải tiến có chân quì, gọi là đi-văng.

Phía trước nhà, nơi mái hiên, vẫn dành chỗ để treo vào cái lồng nuôi chim hót, hoặc giăng cái võng để nằm nghĩ buổi trưa oi bức.

Ngoài sân, vẫn giữ kiểu trang trí thời xưa của Việt Nam, với cây cảnh, hòn giả sơn, chậu to để trồng sen, góc sân đổi khi dành chỗ cho bụi trúc.

Bộ ván hoặc cái đi-văng bên cạnh bộ xa-lông kiểu Tây là nơi dành cho các bà ngồi ăn trầu.

Ngôi nhà xây cất kiểu Tây, sau này lợp kiểu ngói bằng phẳng, gọi ngói móc (hoặc ngói Tây); cơ bản vẫn là để thờ tổ tiên, nếu khá giả, chủ nhân vẫn treo những câu đối chúc mừng dòng họ, nhắc nhở đạo lý.

Tuy xây cất ở Sài Gòn nhưng dấu ấn của kiến trúc Pháp vẫn tạo ảnh hưởng lớn để dấu ấn sâu đậm, được chấp nhận, tận các tỉnh quận ly xa xôi.

Là thiếu sót lớn, nếu không nói đến trường học ở làng mạc, với sân rộng, với bàn học: chuyện mà thời xưa các thầy đồ dạy chữ Nho không biết đến.

Trường học vẫn dùng cái trống khá to đánh lên báo hiệu giờ vào lớp, tan học, phỏng theo trường ở tỉnh hoặc ở Sài Gòn.

Sân trường cần bóng mát, từ cuối thế kỷ XIX và mãi đến nay vẫn là cây điệp Tây flamboyant (phượng vĩ) mà người Pháp đã du nhập từ Madagascar, cũng như loại bông giấy (bougainvillée) từ đảo Réunion, thuộc địa Pháp. Ngày nay, đến dịp nghỉ hè, vẫn nhắc đến mùa hoa phượng nở, tháng 5 Dương lịch.

Sài Gòn 300 năm, trăm năm đầu là sự dò dẫm, trưởng thành và có thể nói hai trăm năm sau là tuổi thanh xuân và sự trưởng thành về thương mại, kinh tế để cho hải cảng thành hình. Kỷ niệm của tuổi thanh xuân ấy không thể xóa được.

Có hồn của Sài Gòn thì phải có xác của Sài Gòn. Sau ngày 1975, vài người bạn ở chiến khu về, gốc nông dân ở đồng bằng, chưa từng đến Sài Gòn lần nào đã yêu cầu tôi dắt đến xem cột cờ Thủ Ngữ và bến Nhà Rồng mà bạn đã từng nghe nói, lúc ở chiến khu. Hai hiện vật vẫn còn đó vì là biểu tượng của cảng Sài Gòn giữ vài di tích xưa tiêu biểu, gọi là di sản, theo tôi, nên bảo quản một mảng rộng, có sẵn và còn đó, thí dụ như ở vùng đất cao hình chữ nhật, bắt đầu từ đường Cách Mạng Tháng Tám với vườn Tao Đàn, tiếp đến Hội trường Thống Nhất, khu vực trồng cây sao đường Lê Duẩn, Nhà thờ Đức Bà, ăn đến Thảo Cầm Viên phía bờ sông với sạp bán báo, quán giải khát.

Không giữ được di dản của thế hệ trước, ta sẽ mang chứng bệnh “bức xúc” (stress) mà căn do không phải vì buồn phiền chuyện riêng tư về tình ái, thất bại dịch vụ mua bán nhà đất mà vì lý do sâu thẳm hơn, tận trong tiềm thức, trong vô thức. Đó là sự hụt hẫng về lịch sử, đôi chân sẽ không đứng vững trên mặt đất vì chẳng hiểu rằng Tổ quốc là sự gắn bó liên tục qua những ký ức tập thể, buồn vui. Một nhà văn của nước Daguestan có diện tích nhỏ, trong Liên bang Nga, ven bờ biển Caspienne đã viết: “Nếu anh bắn vào quá khứ với súng lục thì tương lai sẽ bắn trả lại anh bằng súng đại bác”.

Nhà văn Sơn Nam

Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách
Mời độc giả ghé thăm

Xem thêm:

Mời xem video: