Kinh Dịch viết: “Cấn kỳ chỉ, vô cữu, lợi vĩnh trinh”, ý tứ là biết dừng, khống chế được bản thân thì không lầm lỗi, vì vậy mà có được cái lợi về lâu về dài. Kinh Dịch lại hướng dẫn rằng: “Cấn kỳ chỉ, vị thất chính dã”, nghĩa là giữ chính đạo từ trước thì sẽ không có lỗi lầm. Cũng tiếp tục nói rằng: “Cấn kỳ phụ, dĩ trung chính dã”, ý là người ta có thể làm được vậy đến cuối cùng thì không dễ, thật đáng mừng, như thế là trung chính vậy. Nói cách khác người ta trong cuộc đời cần phải giữ vững chính đạo, chỉ có như vậy mới không dẫn tới sai lầm, không gặp phải tai họa.

Kinh Dịch nói về việc "biết dừng" để giữ đạo "trung chính"
(Ảnh minh họa: SantiPhotoSS, Shutterstock)

Kinh Dịch nhiều lần nhắc tới “trung” “chính”. Vạn vật phải đạt được “trung chính” mới có thể tồn tại và phát triển. “Trung” được hiểu là không thiên lệch, không quá khích, đạt được độ vừa phải thích hợp. “Chính” tức là đứng đắn, thỏa đáng, hợp với đạo nghĩa, ngay thẳng công bằng.

Cụ thể, người làm quan phải tu thân lập đức, thanh chính liêm khiết, công chính liêm minh, toàn tâm toàn ý làm việc vì dân chúng. Thương nhân phải dựa theo quy tắc kinh doanh để làm việc, thành tín, giao dịch công bằng, hòa khí. Kẻ sĩ không thể giả dối, giả danh, lấy thành quả của người khác làm thành quả của mình. Người dân bình thường phải tuân thủ pháp luật, cần cù thật thà, thành thực làm người. Đó là đạo trung chính.

Một người chỉ có thủ vững “trung chính”, mới có thể đi được cao và xa hơn mà không bị lên xuống bấp bênh. Một người nếu có thể “biết dừng”, thấy con đường bất nghĩa mà không đi lên, thì sẽ không gặp nguy hiểm. Còn một người bước lên con đường bất chính thì cho dù nhất thời được thuận lợi, là thăng quan tiến chức hay là của cải tiền bạc, thì cuối cùng cũng rơi vào kết cục thân bại danh liệt.

Lục Cửu Uyên triều Nam Tống viết: “Người có thể không biết một chữ nhưng xác thực phải đường đường chính chính làm người”.

Trong lịch sử xác thực có người không biết chữ mà làm đến chức vị “dưới một người, trên vạn người”. Tuy nhiên cũng chính vì không có đạo mà ông ta rơi vào cảnh “hối hận không kịp”.

Ngụy Trung Hiền là hoạn quan, gian thần vào cuối triều nhà Minh. Thời trẻ, ông ta là một kẻ vô lại, ham mê đánh bạc, ăn chơi trác táng. Vì thua tiền, bị đòi nợ, Ngụy Trung Hiền trốn chui trốn lủi, cuối cùng phải tự thiến để vào cung, làm một hoạn quan. Tuy nhiên ông ta lại rất giỏi thủ đoạn, càng giỏi nịnh hót, được lòng nhũ mẫu của Minh Hy Tông. Sau khi Minh Hy Tông lên ngôi, tuổi còn quá trẻ, Ngụy Trung Hiền bắt đầu “một bước lên mây”, nắm quyền triều chính.

Ngụy Trung Hiền bắt đầu lập “Đảng”, kéo bè kết phái, bài trừ những người đối lập. Ông ta kiêm luôn việc trông coi Đông xưởng, một cơ quan cực kỳ có quyền lực của triều đình nhà Minh, ngày nay có thể được gọi là cơ quan mật vụ, mật thám. Cũng từ đó, rất nhiều quan lại trong triều đình đều trở thành tay chân của Ngụy Trung Hiền, tranh nhau gọi ông ta là cha, là ông nội, tự xưng mình là con nuôi, cháu nuôi. Một nhóm lớn những người đối lập với Ngụy Trung Hiền đã bị chết thảm trong nhà ngục.

Vì để thể hiện hết lòng vì Ngụy Trung Hiền, có quan lại còn đề xướng xây “sinh từ” để thờ sống Ngụy Trung Hiền ở khắp nơi, tiêu tốn vô vàn của cải.

Ngụy Trung Hiền lộng quyền triều chính, giết hại người đến nỗi mà người ta chỉ biết đến Ngụy Trung Hiền chứ không biết đến Hoàng đế là ai. Tuy nhiên ông ta không vui vẻ được lâu. Minh Hy Tông lên ngôi được 7 năm thì mất. Minh Tư Tông (Sùng Trinh Đế) lên ngôi đã khép Ngụy Trung Hiền phạm 10 đại tội. Ngụy Trung Hiền cuối cùng treo cổ tự vẫn mà chết.

Sau khi Ngụy Trung Hiền chết, Sùng Trinh sai người đến bắt giết hết gia quyến họ Ngụy (của Ngụy Trung Hiền) và họ Khách (nhũ mẫu của Minh Hy Tông). Những người hùa theo Ngụy Trung Hiền cũng bị xử tội. Bản thân Ngụy Trung Hiền đã chết vẫn bị mang phanh thây xé xác.

Trong dòng sông dài lịch sử, nịnh thần hầu hết đều không có kết cục tốt đẹp. Bởi vì kiểu người này đều không thể giữ được đạo trung chính, chỉ dùng thủ đoạn bất chính để đạt được thứ mình mong muốn. Làm người chỉ có dựa vào thực lực mà bản thân cần cù có được, dựa vào đạo đức mà bản thân cẩn thận tu dưỡng được, đi con đường ngay chính, biết dừng chân trước điều bất nghĩa, như vậy mới có được kết cục tốt đẹp cuối cùng.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: