Thành ngữ cổ có câu: “Tam nhân thành hổ”, nghĩa là ba người nói có hổ, tất sẽ có người tin là có hổ. Lời đồn cứ lặp đi lặp lại thì có thể khiến người ta tin là thật. Trong cuộc sống có rất nhiều sự tình ứng nghiệm với câu thành ngữ này. Trong “Hàn Phi Tử. Nội trữ thuyết tả thượng” có ghi lại điển cố như sau.

Trí tuệ cổ nhân: Lời đồn lặp lại dễ khiến người ta tin là thật
(Tranh minh họa qua Aboluowang.com)

Thời Chiến Quốc, vì để giao hảo với nước Triệu, vua của nước Ngụy quyết định đưa Thái tử sang đô thành Hàm Đan của nước Triệu để làm con tin. Đồng thời, Ngụy Vương cũng phái Bàng Thông đi cùng.

Bàng Thông là người nước Ngụy, là sủng thần của Nguỵ Vương rất được Ngụy Vương trọng dụng. Ông lo sợ rằng sau khi rời khỏi nước Nguỵ, người khác sẽ nói xấu mình, Nguỵ Vương sẽ vì vậy mà không tín nhiệm nữa. Vì thế, trước khi đi ông hỏi Nguỵ Vương: “Thưa bệ hạ, nếu giờ có người nói với bệ hạ rằng ở chợ xuất hiện hổ ăn thịt người, bệ hạ có tin không?”

Nguỵ Vương ngay lập tức bảo rằng: “Ta đương nhiên là không tin rồi, chợ làm sao có hổ được?”

Bàng Thông hỏi tiếp: “Nếu lại có người nói với bệ hạ, ở chợ xuất hiện hổ, bệ hạ tin không?”

Nguỵ Vương chần chừ một lúc rồi nói: “Đối với chuyện đó, ta nửa tin nửa ngờ.”

Bàng Thông lại hỏi tiếp: “Nếu có người thứ ba đến nói với bệ hạ rằng ở chợ xuất hiện hổ, bệ hạ tin không?”

Nguỵ Vương gật gật đầu, bảo rằng: “Mọi người đều nói như vậy, đương nhiên là ta tin rồi.”

Bàng Thông nói rằng: “Chợ không hề có hổ, đó là điều rõ ràng. Nhưng liên tiếp có ba người đều nói ở chợ có hổ, bệ hạ liền cho là có hổ. Nay, thần đưa Thái tử sang Hàm Đan, đô thành đó cách đô thành Đại Lương của ta còn xa hơn nhiều so với cung điện cách chợ. Những nghị luận sau lưng thần, nói xấu về thần e rằng không chỉ có ba người. Thần mong bệ hạ từ nay về sau đối với những nghị luận về thần thì nên thẩm tra kỹ càng, nắm rõ sự thật, đừng để bị lời đồn dẫn dụ, che lấp chân tướng.”

Nguỵ Vương đáp ứng với lời đề nghị của Bàng Thông và nói rằng: “Quả nhân tự biết điều đó, khanh cứ yên tâm đi!”

Tuy vậy, khi Bàng Thông đi đến Hàm Đan chẳng bao lâu thì đã có người nói xấu ông trước mặt Nguỵ Vương. Ban đầu Nguỵ Vương không tin, về sau người nói xấu Bàng Thông càng nhiều lên, rốt cuộc Nguỵ Vương cũng tin. Đợi đến khi Bàng Thông cùng Thái tử từ Hàm Đan quay về, Nguỵ Vương thật sự đã xa lánh ông và không triệu kiến ông nữa.

Lời đồn đại lặp lại nhiều lần có thể che giấu được chân tướng, khiến người ta mê mờ. Bởi vậy lời đồn đại còn đáng sợ hơn đao kiếm, có thể làm sát thương người khác một cách vô hình. Do vậy trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cần thận trọng từ lời nói đến việc làm. Đối với những người có tầm ảnh hưởng lớn, lời nói cần phải thận trọng, nếu không hậu quả mà nó đem lại sẽ rất to lớn, làm hại nhiều người.

Người đồn đại những điều không có thật chẳng khác nào đang vui vẻ trên nỗi thống khổ của người khác. Lời nói ra không chỉ phản ánh trí tuệ mà còn tích phúc báo hay làm tổn hại phúc báo của một người, cho nên trong cuộc sống hàng ngày chúng ta cần thận trọng từ lời nói đến việc làm.

Một người khi nói ra điều gì, cần suy nghĩ 3 câu hỏi: Chuyện mà mình muốn nói cho người khác có đúng sự thật không? Chuyện mà mình muốn kể là có thiện ý không? Chuyện mà mình muốn nói có phải là việc quan trọng không? Một việc không quan trọng mà lại không xuất ra từ thiện ý, hơn nữa lại còn không biết có phải là sự thật không, thế thì cần gì phải nói ra? Nói ra cũng chỉ tạo thành phức tạp cho mọi người mà thôi.

Ở một phương diện khác, người ta đứng trước mỗi thông tin, mỗi sự việc, cần phải tìm hiểu kỹ càng, suy xét thấu đáo, cần phải nhìn vào bản chất con người, sự việc, không nên nghe thụ động, không nên thuận theo đám đông. Hơn nữa đối với những điều thị phi thì không nên nghe, nếu đã nghe rồi thì nhất định cần cân nhắc thật kỹ trước khi đi đến kết luận, lại càng phải cân nhắc kỹ hơn khi lan truyền.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: