Năm đời vua Trần từ Thái Tông cho đến Minh Tông được xem là thời thịnh trị, không cần hô hào chống tham nhũng mà quan lại vẫn rất mực thanh liêm. Điều gì giúp nhà Trần đạt được kỳ tích này?

Điều gì giúp nhà Trần thời thịnh trị không có tham nhũng?
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Nhiều vị quan thanh liêm ngay thẳng

Quan thanh liêm thời bấy giờ rất nhiều, có nhiều câu chuyện được ghi lại trong sử Việt. Chẳng hạn như chuyện về Nguyễn Bính như sau:

Năm 1316, vua sai Nhân Huệ Vương Khánh Dư đi Diễn Châu xét duyệt sổ lính, sổ dân, lấy Nguyễn Bính làm phó. Xong việc về triều, Bính đem tiền bổng dâng nộp. Vua sai hữu ty nhận lấy. Có người hỏi: “Bính nộp tiền bổng mà bệ hạ nhận, thần chưa hiểu là cớ làm sao?”.

Vua đáp: “Bính nộp tiền bổng là thành thực, nếu trẫm không nhận, thì hãm Bính vào tội dối trá, cho nên nhận lấy để tỏ rõ Bính không gian dối”.

Nguyễn Bính tính người trong sạch thẳng thắn, khi sang sứ nước Nguyên, trở về không mua thứ gì, khác hẳn các sứ thần khác.

Một vị quan khác là Mạc Đĩnh Chi cũng nổi tiếng thanh liêm, cuộc sống rất giản dị. Vua Trần Minh Tông thương Mạc Đĩnh Chi, muốn giúp nhưng không biết dùng cách gì.

Có người hiến kế cho Vua là cho người bỏ tiền vào nhà Mạc Đĩnh Chi mà không để ai biết. Mạc Đĩnh Chi có muốn trả lại thì cũng không biết tiền của ai mà trả. Vua liền cho người thực hiện theo cách ấy.

Thế nhưng Mạc Đĩnh Chi lại mang số tiền trên vào Triều, bẩm báo nhà Vua rằng: “Tâu hoàng thượng. Đêm qua ai đã bỏ vào nhà thần gói tiền này. Thần ngờ rằng đó là tiền của một người muốn đút lót thần để nhờ vả việc gì đó. Vậy thần đem tới, xin Hoàng Thượng cho nộp tiền này vào công quỹ.”

Vua Minh Tông thấy thế liền nói: “Khanh có khó nhọc giúp người ta mới cho. Cứ coi đó là tiền của mình cũng được chứ sao?” Mạc Đĩnh Chi đáp lại rằng: “Phàm của cải không do tay mình làm ra thì không được tơ hào đến”.

Chống tham nhũng phải như quét cầu thang

Ngày nay người ta hay lấp liếm việc tham nhũng bằng câu nói: “Tham nhũng thì thời nào chẳng có”. Nhưng kỳ thực vào thời thịnh trị thì vua quan đạo đức ngay thẳng lắm. Nhà Trần không có tham nhũng nhờ vua và các quan trong triều đều thanh liêm, các quan địa phương nhìn lên mà noi theo. Diệt tham nhũng cũng như quét cầu thang vậy, là phải quét từ trên xuống chứ không thể quét từ dưới lên.

Thời nhà Trần, nhà vua là người tu luyện, mộ Đạo và kính ngưỡng Phật Pháp. Các quan lớn nhỏ đều thông tỏ Nho giáo. Từ vua đến quan đều có niềm tin tín ngưỡng, giáo hóa muôn dân.

Nhà Trần không cần hô hào chống tham nhũng, nhưng một xã hội được xây dựng trên cơ sở niềm tin tín ngưỡng thì tự nó đã khiến cho tham nhũng không thể tồn tại, giúp 3 lần đánh bại đội quân Mông Cổ hùng mạnh nhất.

Người có quyền lực lớn nhất thời vua Thái Tông là Trần Thủ Độ, dù thế ông vẫn giữ nghiêm phép tắc.

Thời đó có người muốn đàn hặc ông, vào gặp Thái Tông khóc mà nói rằng: “Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ quyền át cả vua, Xã Tắc rồi sẽ ra sao?”

Thái Tông lập tức lệnh xe ngự đến dinh Thủ Độ, bắt cả người đàn hặc ấy đem theo và nói hết những lời người ấy nói cho Thủ Độ biết. Thủ Độ trả lời: “Đúng như những lời hắn nói “. Rồi lấy ngay tiền lụa thưởng cho người ấy.

Linh từ quốc mẫu có lần ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại, về dinh khóc bảo Thủ Độ: “Mụ này làm vợ ông, mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế “.

Thủ Độ tức giận, sai đi bắt. Người quân hiệu ấy nghĩ rằng mình chắc phải chết. Khi đến nơi, Thủ Độ vặn hỏi trước mặt, người quân hiệu ấy cứ theo sự thực trả lời. Thủ Độ nói: “Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì nữa”. Lấy vàng lụa thưởng cho rồi cho về.

Công chúa có lần xin riêng với Trần Thủ Độ cho một người làm câu đương (chức dịch trong xã, giữ việc bắt bớ, giải tống). Thủ Độ gật đầu, rồi ghi họ tên quê quán của người đó. Khi xét duyệt đến xã ấy, gọi người kia lên, nói: “Ngươi vì có công chúa xin cho được làm câu đương, không thể như những câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác”. Người đó kêu van xin thôi mãi mới tha cho.

Thái Tông có lần muốn cho người anh của Thủ Độ là An Quốc làm tể tướng. Thủ Độ tâu: “An Quốc là anh thần, nếu cho giỏi hơn thần thì thần xin trí sĩ, nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử An Quốc. Nếu anh em đều làm tể tướng cả thì việc triều đình sẽ ra làm sao?” Vua bèn thôi.

Quan lại thời bấy giờ cũng có đạo đức cao, biết xấu hổ sửa mình. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: Năm 1292, Phí Mạnh làm An phủ Diễn Châu, giữ chức chưa bao lâu, có tiếng đồn là tham ô, vua triệu về, đánh trượng.

Phí Mạnh rất xấu hổ vì điều này nhưng sau vua vẫn cho Phí Mạnh vào chức vụ cũ, tiếp tục làm An phủ Diễn Châu. Lần này Phí Mạnh làm quan nổi tiếng thanh liêm, người dân Diễn Châu nơi ông nhậm chức ca ngợi rằng “Diễn Châu an phủ thanh như thủy” (An Phủ Diễn Châu trong tựa nước).

Nhà Trần suy vi

Sau thời vua Minh Tông. Các vua Trần không còn chú trọng giáo hóa dân chúng, lấy tín ngưỡng làm nền tảng, khiến xã tắc suy vi.

Đến đời Dụ Tông, vua ăn chơi, tửu sắc, dân tình đói khổ. Chu Văn An khuyên can vua nhiều lần không được liền dâng sớ xin xử trảm 7 tên gian thần nịnh tặc. Vua không nghe, Chu Văn An liền từ quan rời bỏ triều đình về quê dạy học.

Đến đời Nghệ Tông, “Việt sử Cương mục Tiết yếu” có chép câu chuyện An phủ sứ Hồ Tông Thốc lấy của dân, việc bị phát hiện. Vua hỏi thì ông ta đáp rằng: “Một con chịu ơn vua, cả nhà ăn lộc trời”. Hồ Tông Thốc tham nhũng nhưng vì được lòng vua nên vua chẳng trách gì, sau còn phong cho làm Hàm lâm học sĩ phụng và kiêm coi Thẩm hình viện.

Cái họa của nhà Trần từ những việc nhỏ này mà có thể nhìn ra được.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: