Đinh Nga là một vị tướng tài, giúp Đinh Bộ Lĩnh thu phục các Sứ quân, đồng thời cũng có công lớn trong việc ổn định cuộc sống người dân quê nhà, được dân gian ghi nhớ và truyền tụng.

Đinh Nga: Vị tướng quân giúp Đinh Bộ Lĩnh thu phục các Sứ quân
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, báo Bình Phước Online)

Theo Ngọc phả đền Ba Dân, tại trang Quang Thừa, phủ Lý Nhân, đạo Sơn Nam (nay là xã Tượng Lĩnh, Kim Bảng, Hà Nam) vào thời nhà Ngô có vợ chồng ông Đinh Điện và bà Trần Thị Ngùy hiền lành chất phác, chăm chỉ làm lụng, lại hay giúp đỡ bà con lối xóm, song lại hiếm muộn con cái, nên thường hay đi cầu tự ở ngôi chùa trên núi Bát Cảnh.

Khi đã ngoài 40 tuổi, một lần lên chùa cầu tự, bà Ngụy được Thần báo mộng, sau đó thì sinh được người con trai khôi ngô tuấn tú, liền đặt tên cho con là Đinh Nga.

Đinh Nga lớn lên thì chăm chỉ giúp cha mẹ, lại rất thông minh. Hai vợ chồng tìm thầy giỏi về dạy cho con, nhờ thế mà Đinh Nga học thông các sách Thánh hiền, binh pháp.

Khi Đinh Nga được 22 tuổi thì cha mẹ lần lượt qua đời do tuổi cao sức yếu. Lúc này đất nước ở vào thời kỳ loạn 12 Sứ quân, Triều đình nhà Ngô đang thời kỳ suy yếu.

Khi Đinh Bộ Lĩnh dựng cờ nghĩa ở Hoa Lư, Đinh Nga liền tụ tập trai tráng rồi đến Hoa Lư gia nhập nghĩa quân. Ông được Đinh Bộ Lĩnh trọng dụng, phong cho chức Chỉ huy sứ rồi đến xã Thụy Lôi (thuộc huyện Kim Bảng) nơi quê nhà lập đồn trại, chiêu tập binh mã, tạo phên dậu cho Hoa Lư.

Đinh Nga vâng lệnh trở về quê nhà, tới 3 giáp Thượng, Trung, Hạ chiêu tập quân sĩ, rồi chọn nơi có thế đất cao dựa vào núi Ngùy bên dòng sông Đáy lập đồn trại. Nơi đây có thể đi lại bằng đường thủy, có con đường tắt đến động Hoa Lư, lại gần rừng núi có thể rút lui khi cần.

Đinh Nga rèn quân, tích trữ lương thảo, trai tráng các nơi tụ nghĩa ngày càng đông. Ngọc phả và dân gian ở trang Quang Thừa đều kể về thời kỳ đầu tụ nghĩa này.

Khi đã có đủ binh mạnh, Đinh Nga đưa quân đến Hoa Lư hợp quân cùng Đinh Bộ Lĩnh tiến đánh thu phục các Sứ quân. Quân của Đinh Nga rất thiện chiến, đánh đâu thắng đấy lập nhiều công lớn.

Trong khi tiến đánh các Sứ quân thì cuộc chiến khó khăn và lâu dài nhất là với Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc ở Đỗ Động giang.

Đỗ Cảnh Thạc là người trí dũng có thành chắc chắn, hào sâu vây quanh, khiến quân Hoa Lư đánh mãi không thắng được. Theo Ngọc Phả đền Ba Dân thì Đinh Bộ Lĩnh đưa quân tiến đánh nhưng bị Đỗ Cảnh Thạc dùng mưu kế vây khốn, Đinh Nga đưa quân đến kịp thời, viện binh từ Hoa Lư cũng tới, nhờ đó mới giải được nguy.

Sau hơn 1 năm giao chiến, Đinh Bộ Lĩnh mới thắng được Đỗ Cảnh Thạc.

Sau khi dẹp hết 12 Sứ quân, năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Vua, phong cho Đinh Nga làm Tướng quân chỉ huy Sứ, trấn thủ ở quê nhà là Kim Bảng.

Đinh Nga trở về cai quản ba giáp trang Thụy Lôi, giúp dân khai khẩn lập được 3 trang ấp mới là Thụy Lôi Hạ, Hồi Trung và Trung Hoà (nay là 3 xã Tân Sơn, Hồi Trung, Trung Hoà). Dân gian lưu truyền rằng những cánh đồng do ông khai khẩn như cánh đồng Bảng, rộng hàng trăm mẫu, “đầu giáp núi Rộc thôn Vãn Sơn, cuối giáp sông Cổ, đất có thế như tù và, dải phướn”.

Có năm giặc cướp nổi lên, Vua mời Đinh Nga đến giúp, ông cầm quân đánh tan giặc, được Vua và dân khen ngợi.

Cuối năm 979 xảy ra vụ án giết hại Đinh Tiên Hoàng, hai cha con Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn mất. Định Quốc Công Nguyễn Bặc, Ngoại Giáp Đinh Điền, cùng Thập đạo tướng quân Lê Hoàn đưa Vệ Vương Đinh Toàn lên ngôi Vua, phong Dương Vân Nga làm Hoàng thái hậu.

Vì Vua mới 6 tuổi còn nhỏ nên Lê Hoàn nhiếp chính, phong là Phó Vương. Nhưng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú đều nghi ngờ cho rằng Lê Hoàn sẽ gây điều bất lợi cho vua nhỏ, thậm chí có thể cướp ngôi, nên nổi binh chống lại Lê Hoàn. (Xem bài: Cuộc nội chiến bi hùng năm 979 ảnh hưởng lớn đến vận mệnh dân tộc)

Đinh Nga không chọn con đường chống Lê Hoàn, nhưng ông cũng không theo Lê Hoàn mà từ bỏ chức vị, giải tán quân đội của mình, ở quê sống cuộc sống dân giã.

Sau khi Đinh Nga mất, dân chúng lập đền thờ ông ngay tại hành cung xưa, sát chân núi Nguỳ trong dẫy núi Cửu Trùng, tôn là “Duệ Hiệu Nga Sơn Hiển Linh Đại Vương Thượng Đẳng Thần”. Dân chúng 3 trang Thụy Lôi đều ghi nhớ công đức của ông, cùng tới nơi đây để thờ phụng, từ đó đền này được gọi là đền Ba Dân. Để tỏ lòng tôn kính bà Trần Thị Ngùy, thân mẫu của Tướng quân Đinh Nga, nhân dân kiêng tên húy của bà, nên gọi chệch núi Nguỳ thành Nguỳa.

Lý Công Uẩn một lần nghỉ chân ở đền Ba Dân, được Đinh Nga báo mộng giúp đỡ. Sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi Vua và lập ra nhà Lý, nhớ chuyện xưa, đã sắc phong cho ông là “Nga Công Hiển Linh Đại Vương Thượng Đẳng thần” cùng hai câu đối vẫn còn đến tận ngày nay:

“Bát cảnh giang thần, dan mã phù Đinh công bất hủ”.

“Tam trang hiển thánh, hoàng y phụng Lý mộng do truyền”.

Nghĩa là:

“Giáng thần ở nơi có tám cảnh đẹp, một ngựa phù nhà Đinh công lao không thể mất”.

“Hiển thánh nơi ba trang, mặc áo vàng phù nhà Lý qua giấc mộng còn lưu truyền mãi”.

Hiện nay đền Ba Dân còn lưu giữ được Ngọc phả và 25 đạo sắc phong Thần (gồm 10 đạo sắc phong của triều đại Hậu Lê, 15 đạo sắc phong của triều đại nhà Nguyễn).

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: