Sử Việt cho rằng Đỗ Anh Hàn chỉ là người ra kế sách giúp Phùng Hưng đánh bại quân nhà Đường, nhưng sử nhà Đường lại cho rằng Đỗ Anh Hàn mới chính là thủ lĩnh của nghĩa quân Đường Lâm.

Đỗ Anh Hàn hay Phùng Hưng là thủ lĩnh khởi nghĩa Đường Lâm?
Đền Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng ở Gia Viễn, Ninh Bình. (Ảnh: Kien1980v, Wikipedia, Public Domain)

Một sự kiện ở An Nam thời thuộc Đường

Vào thời thuộc Đường, An Nam là vùng đất xa xôi nên nhà Đường không tiện đặt bộ máy cai quản trực tiếp mà đặt các châu gọi là ki mi giao cho các Hào trưởng của các vùng cai quản, hình thành cơ chế cống nộp.

Tuy nhiên đến năm 767 quân Côn Lôn và Chà Bà đến cướp phá An Nam, dẫn đến sự thay đổi. “Đại Việt Sử ký Toàn thư” có ghi chép rằng:

“Đinh Mùi [767], (Đường Đại Tông Dự, Đại Lịch thứ 2). [Người] Côn Lôn, Chà Bà đến cướp, đánh lấy châu thành. Kinh lược sứ Trương Bá Nghi cầu cứu với Đô úy châu Vũ Định là Cao Chính Bình. Quân cứu viện đến, đánh tan quân Côn Lôn, Chà Bà ở Chu Diên. Bá Nghi đắp lại La Thành.”

Sau đó Cao Chính Bình được ở lại An Nam. An Nam bỗng bị cai trị chặt và hà khắc hơn chứ không còn lỏng lẻo như trước, khiến các Hào trưởng có quan hệ căng thẳng với Cao Chính Bình.

Các Hào trưởng lãnh đạo dân chúng nổi lên chống lại chính quyền đô hộ, nổi bật ở Đường Lâm có Phùng Hưng và Đỗ Anh Hàn. Nghĩa quân tiến đánh phủ đô hộ khiến Cao Chính Bình lo lắng mà chết.

Ghi chép trong sử Việt

Về cuộc khởi nghĩa ở Đường Lâm, sử Việt đều viết rằng Phùng Hưng là thủ lĩnh. “Đại Việt Sử ký Toàn thư” có ghi chép rằng:

“Khoảng niên hiệu Đại Lịch [766-779] đời Đường Đại Tông, nhân Giao Châu có loạn, cùng với em là Hãi hàng phục được các ấp bên cạnh, Hưng xưng là Đô Quân, Hãi xưng là Đô Bảo, đánh nhau với Chính Bình, lâu ngày không thắng được. Đến đây dùng kế của người làng là Đỗ Anh Hàn, đem quân vây phủ. Chính Bình lo sợ phẫn uất thành bệnh ở lưng mà chết. Hưng nhân đó vào đóng ở phủ trị, chưa được bao lâu thì chết. Con là An tôn xưng làm Bố Cái Đại Vương”.

Còn cuốn “Khâm định việt sử thông giám cương mục” chép rằng:

“Năm Tân Mùi (791). (Đường, Đức Tông, năm Trinh Nguyên thứ 7). Tháng 4, mùa hạ. Người Đường Lâm thuộc Phong Châu là Phùng Hưng khởi binh, đánh phủ đô hộ và chiếm giữ phủ lỵ.

Trước kia Phùng Hưng người Đường Lâm thuộc Phong Châu, vốn là nhà hào phú, lại có sức khỏe, có thể vật nổi trâu, đánh được hổ. Khoảng năm Đại Lịch (766-779) nhà Đường, nhân thời buổi loạn lạc, Phùng Hưng cùng với em là Phùng Hải đem quân uy phục được các ấp láng giềng, tự xưng là đô quân; Phùng Hải xưng là đô bảo. Khi bấy giờ chính sách của đô hộ là Cao Chính Bình, đánh thuế nặng lắm. Phùng Hưng đánh Chính Bình mãi không được, mới dùng kế của người làng là Đỗ Anh Hàn, đem quân đến vây phủ: Chính Bình vì lo sợ mà chết. Phùng Hưng vào ở trong phủ lạy, được ít lâu thì mất. Dân chúng lập con là An lên làm đô phủ quân, tôn Hưng làm Bố Cái đại vương”.

Ghi chép trong sử nhà Đường

Trong khi đó sử nhà Đường thì cho rằng Đỗ Anh Hàn mới là thủ lĩnh và không hề nhắc đến Phùng Hưng.

Cựu Đường thư là cuốn sử được soạn từ năm 941 đến năm 945, tức rất gần với thời điểm khởi nghĩa chép rằng:

“Mùa hạ, tháng 4… Kỷ Mùi, An Nam thủ lĩnh Đỗ Anh Hàn phản, tấn công đô hộ phủ. Đô hộ Cao Chính Bình lo lắng mà chết”.

Còn Tân Đường thư do Âu Dương Tu soạn từ năm 1044 đến năm 1054 cũng chép rằng: “Tháng 4, An Nam thủ lĩnh Đỗ Anh Hàn phản”.

Sau này khi Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn cuốn “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” đã tham khảo rất nhiều các nguồn khác nhau và chép rằng:

“Xét Đường thư, bản kỷ, đời Đức Tông, năm Trinh Nguyên thứ 7 (năm 791), chỉ chép rằng tù trưởng An Nam là Đỗ Anh Hàn làm phản, chứ không chép việc Phùng Hưng.”

Nhà Đường ở xa An Nam, vì vậy khi một cuộc khởi nghĩa nổ ra, nhà Đường chỉ quan tâm đến người thủ lĩnh. Đứng từ quan điểm này, sử nhà Đường cho rằng Đỗ Anh Hàn là thủ lĩnh, và không có viết gì về Phùng Hưng.

Sách sử thất lạc mất mát

Năm 1407, nhà Hồ không thể chống được quân Minh. Bấy giờ tướng nhà Minh là Trương Phụ cho đốt nhiều nguồn sử liệu, các sách quý bị lấy hết chở về thành Nam Kinh.

Cuốn “Đại Việt Sử ký Toàn thư” cùng các cuốn sử khác phải dựa vào các tài liệu lưu lạc trong dân gian, huyền sử, lại ghép với sử Trung Hoa, vì thế mà nhiều chi tiết cũng như nhân vật lịch sử của những thời kỳ trước được chép rất sơ sài.

Đỗ Anh Hàn được sử nhà Đường xem là thủ lĩnh, còn sử Việt chỉ có một chi tiết rất nhỏ nói ông là người hiến kế cho Phùng Hưng.

Một giả thuyết khả dĩ là Đỗ Anh Hàn là Hào trưởng, nổi dậy cùng với Phùng Hưng. Vì sử cả hai nước đều không nói rõ về ông, nên có thể ông đã mất trong trận đánh với nhà Đường. Bởi vậy Phùng Hưng và con trở thành người dẫn dắt khởi nghĩ. Với giả thuyết này thì cũng có thể hiểu vì sao trong sử Việt chỉ còn nhắc đến Phùng Hưng.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: