Con người tại thời khắc mấu chốt có sự lựa chọn khác nhau sẽ đem đến tương lai khác nhau cho bản thân mình. Người xưa tin rằng, vận mệnh của một người là đã sớm được an bài một cách chi tiết và tinh tế. Nếu không đã không thể đoán được vận mệnh của một người. Nhưng họ cũng cho rằng, vận mệnh của một người không phải là vĩnh viễn không thể thay đổi được và sự lựa chọn thiện hay ác của một người là vô cùng quan trọng.

Tào Bân là một vị đại tướng triều nhà Tống. Ông có công trợ giúp Tống Thái Tổ bình định thiên hạ và rất nhiều công lao chinh chiến hiển hách khác.

Có một lần, Tào Bân gặp được Trần Đoàn tiên sinh. Trần Đoàn là một người có học vấn uyên bác, rất giỏi về xem tướng thuật, ông là học giả đạo sĩ, dịch học gia và nội đan gia nổi tiếng thời Tống với hai tác phẩm “Quy giám” “Tâm tướng học”.

Chuyện xưa ngẫm lại: Lựa chọn thiện hay ác là vô cùng quan trọng
(Tranh minh họa: Họa sĩ Thạch Duệ thời Minh, Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Loan, Wikipedia, Public Domain)

Trần Đoàn xem qua tướng mạo của Tào Bân rồi nói: “Ông thời niên thiếu được giàu sang phú quý, nhưng về già lại không có phúc. Vậy nên, mỗi lần xuất binh chinh chiến ông hãy đối xử khoan hồng độ lượng, để cho đối phương một lối thoát, coi như gieo trồng một chút phúc đức cho tuổi già”. Tào Bân nghe xong lời của Trần Đoàn thì cho là đúng và tin theo.

Sau đó không lâu, Tào Bân dẫn quân đánh nước Thục, chiếm lĩnh đất Toại Ninh. Toàn bộ tướng sĩ thuộc cấp của ông, ai nấy đều cho rằng phải giết sạch người dân ở trong thành. Nhưng Tào Bân ra lệnh nghiêm cấm, không được giết hại tàn sát dân chúng. Ông cũng hạ lệnh cho bính lính phải bảo vệ thỏa đáng, tuyệt đối không được có hành vi gian dâm, vô lễ với đàn bà, con gái là người thân của kẻ địch bị binh lính bắt giữ. Sau khi chiến trận kết thúc, đối với những người có nhà để về thì cấp cho họ chút tiền để họ trở về, những cô gái không còn nhà để về thì tìm gia đình xứng đáng gả chồng cho họ. Bởi vậy mà dân chúng trong thành đều cảm tạ đức hạnh của Tào Bân.

Về sau, Tào Bân nhận lệnh dẫn quân chinh phạt Giang Nam, bởi vì không đành lòng nhìn cảnh dân chúng lầm than nên ông giả bộ bị bệnh để tạm thời không nhận lệnh. Bạn bè và tướng sĩ trong triều đều dồn dập đến hỏi thăm bệnh tình của ông, Tào Bân trả lời các tướng sĩ hỏi thăm về bệnh tình của mình rằng: “Bệnh của ta uống thuốc không thể khỏi được, nhưng chỉ cần mọi người thành tâm thành ý thề nguyện rằng khi tiến đánh Giang Nam, quyết không được giết hại một người dân thường nào, như vậy thì bệnh của ta tự nhiên có thể khỏi hẳn”.

Các tướng sĩ khi nghe xong lời nói của Tào Bân, tất cả mọi người đều phát lời thề. Nào ngờ lời này của Tào Bân lại được lòng người dân Giang Nam, dân chúng cùng rủ nhau mang lương thực nghênh đón quân sĩ triều đình. Nhờ đó trận chiến này, không dùng võ lực mà giành được Giang Nam, bảo toàn được hàng ngàn hàng vạn sinh mệnh.

Ít ngày sau khi giành chiến thắng trở về, Tào Bân gặp lại Trần Đoàn. Trần Đoàn nói với ông: “Thật kỳ lạ! Mấy năm trước ta nhìn tướng mạo của ông nhất định là ông không có phúc khi về già. Nhưng bây giờ tướng mạo của ông đã thay đổi rồi, ánh kim quang hiện đầy trên khuôn mặt, nhất định có thể tăng thêm bổng lộc và kéo dài thọ mệnh, hậu phúc vô lượng.

Tảo Bân hỏi: “Ông nói kim quang là có ý tứ gì?”.

Trần Đoàn đáp: “Kim quang chính là ánh sáng hiển hiện của đức. Người tích được đại đức mới có kim quang này, không chỉ tăng thêm tuổi thọ, mà còn để lại phúc đức cho đời con cháu”.

Tào Bân quả nhiên ứng với lời tiên đoán của Trần Đoàn, về già được hưởng phúc, sống an nhàn, khỏe mạnh đến 69 tuổi. Ông được phong là Tế dương quận vương. Ông sinh được cả thảy 9 người con, trong đó ba người con là trưởng nhi Vĩ, thứ nhi Tông, tam nhi Xán, đều là những danh tướng, con cháu đời sau cũng đều vinh hiển vô cùng.

Người xưa tin rằng, trong lúc Thần an bài số mệnh của một người nào đó thì cũng an bài những lựa chọn khác nhau tại những thời khắc mấu chốt của cuộc đời người đó, để từ đó sẽ đem lại cho bản thân họ những tương lai khác nhau. Và, họ cũng cho rằng lựa chọn theo thiện lương là sự lựa chọn tốt nhất.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: