Người phương Đông cổ xưa có quan niệm về âm đức và nghiệp báo như vậy. Kẻ làm điều thiện tích lũy được nhiều âm đức, bù đắp cho những gì mình lỡ tạo ra trong quá khứ, mà phần thừa ra là để cho bản thân và nếu có là con cháu hưởng. Còn những kẻ làm điều ác thì không chỉ nhanh chóng tiêu hao đi phần âm đức ấy, mà khi tổn thất hết rồi thì nghiệp báo nhanh chóng hiển hiện.

Sử gia nổi tiếng Tư Mã Quang từng viết trong gia huấn rằng: “Dồn vàng dành cho con cháu, chưa chắc con cháu giữ nổi, dồn sách dành cho con cháu, chưa chắc con cháu đọc nổi, không bằng dồn âm đức trong cõi mờ mịt để làm kế hoạch lâu dài cho con cháu.” Ngày nay, nhiều người phủ nhận thuyết âm đức và nghiệp báo này với nhiều lý do thực dụng, hay do chưa tích lũy đủ kinh nghiệm sống để thừa nhận tính quy nạp, tính mặc khải rất đặc biệt của nền khoa học phương Ðông. Kỳ thực kinh nghiệm cuộc sống đôi lúc cho ta thấy sự ứng nghiệm của chân lý này, tuy rất khó giải thích cặn kẽ. Các triều đại ngắn ngủi trong lịch sử có lẽ là minh chứng hùng hồn nhất cho cho sự tác động của âm đức.

Dưới đây là câu chuyện Tống Thái Tông hành ác, nghiệp báo truyền 6 đời.

Tống Thái Tông (939-997) tên thật là Triệu Quang Nghĩa, là vị Hoàng đế thứ hai của vương triều Bắc Tống trong lịch sử Trung Hoa. Mặc dù khi lên ngôi, Tống Thái Tông đã nhiều lần cải biến sử sách, nhưng rất nhiều sự thật lịch sử vẫn không thể bị chôn vùi.

Cùng suy nghĩ về nghiệp báo qua một câu chuyện lịch sử
(Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Triệu Quang Nghĩa vốn là em trai của vị Hoàng đế khai quốc Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận, được chỉ định làm người kế vị, nhưng để thỏa mãn tham vọng chiếm đoạt ngai vị ngay, Tống Thái Tông đã bí mật giết chết anh trai mình.

Vì muốn bản thân mình là người duy nhất có được ngai vàng, Tống Thái Tông còn giết chết con trai của anh cả và người em trai là Thái tử Triệu Đình Mỹ. Không những thế, ông ta còn sát hại cả Hoa Nhị phu nhân, đầu độc Nam Đường Hậu Chủ Lý Dục, hãm hại hoàng hậu Tiểu Chu và đầu độc Ngô Việt Quốc Chủ Tiền Thục…

Tống Thái Tông tưởng rằng làm như thế thì bản thân có thể nắm giữ giang sơn mãi mãi, nhưng không ngờ báo ứng cho những việc ác ấy đã giống như một tấm lưới trời liên tục chụp lên gia tộc của ông bắt đầu từ đời thứ hai.

Trong những người con của ông có con trai cả bị điên, con trai thứ làm người kế vị nhưng kết quả là bị bệnh chết. Người con trai thứ ba đăng cơ chính là Tống Chân Tông.

Nhưng đến đời Tống Chân Tông, con cái của ông (tức cháu nội của Tống Thái Tông) lần lượt bị chết yểu, chỉ còn lại một người con trai duy nhất sống đến tuổi trưởng thành chính là Tống Nhân Tông đăng cơ sau này. Tống Nhân Tông không có con, dòng dõi chính bị tuyệt hậu.

Vì không có con nối dõi nên Tống Nhân Tông đã truyền ngôi cho một người con thừa tự trong dòng họ. Ngai vị lại được truyền tiếp đến đời thứ hai, đời thứ ba thì xảy ra nỗi nhục Tịnh Khang: Quân Kim xâm lược, Bắc Tống diệt vong.

Hậu duệ của Tống Thái Tông trong Kinh thành Hoàng thất đều bị bắt làm nô lệ ở nước Kim. Nữ giới trong gia quyến đều bị ép làm kỹ nữ (trong đó có cả mẹ đẻ và vợ của Triệu Cấu, Hoàng đế thứ 10 của nhà Tống), chỉ có Triệu Cấu trốn thoát và sau này đã lập ra Nam Tống.

Con cái đều chết hết, Triệu Cấu lại bị quân nước Kim dọa cho sợ đến mức không gượng dậy nổi, từ đó gia tộc tuyệt hậu. Sử sách ghi chép rằng, được Mẫu Nguyên Hựu thái hậu báo mộng, Triệu Cấu không đi tìm người thừa kế còn lại của Tống Thái Tông mà đi tìm hậu duệ của Tống Thái Tổ phong làm hoàng tử. Cuối cùng sau 6 đời, ngai vàng lại trả lại cho con cháu của Tống Thái Tổ.

Kỳ thực nhìn rất nhiều câu chuyện lịch sử từ thuyết âm đức và nghiệp báo này, người ta có thể phán đoán được rất nhiều điều, từ đó mà hiểu ra sự luân chuyển của bánh xe lịch sử.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: