“Gửi Asuka và đứa con chưa chào đời của bố” là cuốn sách mỏng của cố bác sĩ Kazukiyo Imura.

Cuốn sách ban đầu là bản thảo để lại cho gia đình, phát hành nội bộ với tên gọi là “Cảm ơn tất cả mọi người”. Năm 1980, nó được nhà xuất bản in ra với tên như hiện tại.

Cuốn sách là những lời cuối cùng của bác sĩ Imura dành cho vợ, con (một còn rất nhỏ, một trong bụng mẹ), bố mẹ đẻ, ba người em (hai trai, một gái) và bạn bè, đồng nghiệp.

Bác sĩ Imura bị ung thư ở xương đầu gối, phải cắt cụt chân phải rồi ung thư tiếp tục di căn vào phổi.

Sau một chuỗi ngày chịu đau đớn tột cùng, bác sĩ Imura qua đời ở độ tuổi 31.

Trong xã hội hiện đại, 31 là độ tuổi thanh xuân. Với nghề y, đây là độ tuổi bước vào sự chuyên nghiệp và có thể làm được vô cùng nhiều việc quan trọng.

Dù đã cắt chân, bác sĩ Imura vẫn luyện tập phục hồi chức năng để sau đó đến bệnh viện làm việc chăm sóc, điều trị các bệnh nhân ung thu. Khi phát hiện ung thư đã di căn vào phổi và đau đớn vô cùng, bác sĩ Imura vẫn tiếp tục làm việc đến khi kiệt sức. Là bác sĩ, lại cũng chính là một người bệnh nặng, hơn ai hết ông hiểu rõ nỗi khổ đau và hi vọng của bệnh nhân. Trong cuốn sách ở phần viết cho con và viết cho đồng nghiệp, bác sĩ Imura viết “…đối với bệnh nhân, có ba điều đau đớn nhất. Thứ nhất là không có hy vọng chữa được bệnh. Thứ hai là không có tiền. Và thứ ba, là chẳng có ai lo lắng cho bệnh tình của họ”

Theo bác sĩ Imura, mối quan hệ, sợi dây kết nối trái tim giữa bác sĩ và bệnh nhân còn có tác dụng tốt hơn cả thuốc và nó có ảnh hưởng lớn đến kết quả điều trị hay giảm nhẹ khổ đau cho bệnh nhân.

Bản thân bác sĩ Imura ngay từ khi mới vào nghề đã nhận được một bài học lớn từ người thầy hướng dẫn ở bệnh viện là bác sĩ McLean, người Canada sống ở Nhật. Khi đó, quãng thời gian mới làm việc như là bác sĩ ở bệnh viện, ông cùng một bác sĩ khác điều trị cho một bệnh nhân bị ung thư. Anh ta luôn phàn nàn đủ thứ từ thức ăn đến cách điều trị, luôn nói ghét y tá này ghét y tá kia. Ông đã nói với bác sĩ MacLean, người Canada làm việc ở Nhật rằng ông muốn tống khứ bệnh nhân này đi. Bác sĩ MacLean gật đầu tỏ vẻ đồng cảm nhưng rồi tối đó khi rủ hai bác sĩ học trò đi ăn, trong lúc giới thiệu món ăn, ông nói với hai bác sĩ trẻ về bệnh nhân kia “He is sick, you are not sick” (Anh ta bị bệnh, nhưng các cậu thì không).

Và ông chợt hiểu ra lời thầy mình “Đừng lấy tiêu chuẩn của người khỏe mạnh để đo lường tâm tư người bệnh”.

Ngoài phần ông viết cho vợ, con, đồng nghiệp, bố mẹ còn có phần những người thân viết về ông.

Trang nào đọc cũng cảm động.

Làm người bình thường có trái tim yêu thương đã đáng trọng, là người mắc bệnh nan y khi mới 30 và biết mình sẽ chết sau vài tháng mà vẫn có trái tim yêu thương đến phút cuối cùng còn đáng kính trọng hơn nữa.

Không phải ai khi lâm vào hoàn cảnh không may mắn cũng có thể giữ được tình yêu thương và sự thanh thản trong tâm hồn.

Tôi nghĩ cuốn sách này hoàn toàn có thể trở thành tài liệu phục vụ giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho các sinh viên ngành y dược cũng như giáo tài phục vụ giáo dục sinh mệnh cho học sinh, sinh viên.

Và một khi đang sống trong thời đại của bụi mịn, ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm thực phẩm này, việc đọc nó trong suy ngẫm càng có thêm ý nghĩa.

Sách cũng sẽ có ích cho những người đang phải chống chọi chiến đấu với bệnh tật, những người cần sức mạnh từ bên trong để vượt qua nghịch cảnh.

Những ai vì một sự thất bại, rủi ro nào đó đang nguyền rủa số phận và cảm thấy chán chường cũng nên đọc cuốn sách này.

Nếu bạn muốn tặng một người bạn mới trở thành y tá, bác sĩ, điều dưỡng viên, dược sĩ, bạn hãy tặng cuốn sách này. Nó sẽ là một món quà hữu ích.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ bài viết “Đọc và suy ngẫm: Cái gì quý nhất?”
Đăng trên Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tìm mua sách tại Nhà sách Vương gia

Xem thêm:

Mời xem video: