Đội hình Phalanx là cách bố trí quân của Hy Lạp xưa kia. Đội hình này không chỉ giúp Hy Lạp đánh bại Đế quốc Ba Tư, mà còn chinh phục 5 triệu km2 đất đai trải khắp 3 châu lục.

Đội hình Phalanx huyền thoại chinh phục khắp thế giới
Tranh mô tả đội hình Phalanx của người Hy Lạp đánh bại quân của Đế quốc Achaemenes. (Tranh: NYPL Digital collections, Wikipedia, Public Domain)

Bắt đầu từ đội quân Hoplite

Đội hình Phalanx được sử dụng đầu tiên bởi đội quân Hoplite của người Hy Lạp. Đây là đội quân nổi tiếng thời xưa, có ảnh hưởng lớn trong lịch sử thế giới. “Hoplite” có nghĩa là “Người mang áo giáp”, dùng để mô tả bộ áo giáp và khiên của họ. Đội quân này xuất hiện vào thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên.

Vào thế kỷ thứ 8 TCN, Hy Lạp bao gồm hàng chục thành thị độc lập có văn hóa riêng. Giữa các thành thị này luôn diễn ra các cuộc chiến tranh giành quyền lực, nhằm nắm quyền gây ảnh hưởng lên vùng đất. Để thống nhất lại Hy Lạp, đội quân Hoplite đã được thành lập với mục đích ban đầu là để ổn định bờ cõi trong nước.

Thế nhưng theo dòng lịch sử, đội quân này đã không còn chỉ gói gọn trong mục đích ban đầu. Đội hình Phalanx của họ đã nổi tiếng khắp thế giới, ban đầu là trong những trận đánh với Đế quốc Ba Tư, sau đó là khi Alexander Đại Đế đi chinh phục khắp nơi, tạo thành một đế chế rộng 5 triệu km2 khắp 3 châu lục.

Đội hình Phalanx

Đội hình Phalanx (phương trận) là đội hình xếp theo hình chữ nhật. Nguyên thủy của chữ Phalanx là “phalangos”, trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “ngón tay”.

Với đội hình này, binh sĩ được trang bị áo giáp đứng sát cạnh nhau, tấm khiên tròn được đưa lên che bên ngực trái để bảo vệ trái tim mình và phần ngực bên phải của người bên cạnh. Điều này giúp toàn bộ binh sĩ được bảo vệ khi bị tấn công trực diện từ phía trước. Nếu bị phóng lao hay bắn tên thì những tấm khiên này sẽ bảo vệ rất chắc chắn, thậm chí chúng còn hình thành một khối, ngăn được kỵ binh tấn công.

Ngoài khiên, người lính trong Phalanx còn được trang bị giáo dài, bốn hàng quân đầu thường chĩa giáo về phía trước, các hàng sau thì chĩa giáo chếch lên trên tạo thành hàng rào bảo vệ kiểu lông nhím. Đồng thời khi tấn công, những ngọn giáo dài có thể đâm xuyên đội hình đối phương.

Ngoài giáo, binh sĩ Hoplite được trang bị cả đoản kiếm để sử dụng khi cần thiết.

Đội hình Phalanx rất tốt để chống lại các cuộc tấn công trực diện, nhưng điểm yếu chính là khó xoay sở nếu bị tấn công ở hai bên sườn, chính vì thế mà tùy vào địa hình cần có các bố trí khác nhau.

Đội hình Phalanx huyền thoại chinh phục khắp thế giới
Tranh khắc đá mô tả đội hình kiểu Phalanx của người Sumer 2400 năm TCN. (Ảnh: Ernest de Sarzec – Choquin de Sarzec, Ernest, Wikipedia, Public Domain)

Trận đánh khai sinh môn chạy Marathon

Trận đánh đầu tiên khiến đội hình Phalanx này nổi tiếng khắp thế giới là trận Marathon. Đây chính là trận đánh khai sinh môn chạy nổi tiếng Marathon ngày nay. Ở trận này 11.000 quân Hy Lạp phải chống lại 72.000 quân chinh phục của đế chế Ba Tư nổi tiếng.

Tướng Hy Lạp là Miltiades đã cho bố trí quân theo đội hình Phalanx do hai bên đội quân Hy Lạp là đồng lầy, khiến quân Ba Tư chỉ tấn công chính diện, chứ không thể tấn công vào sườn. Đồng thời Miltiades cũng cho quân tập trung quân nhiều hơn ở hai cánh và ít quân hơn phía giữa.

Quân Ba Tư tấn công chính diện. Do ở giữa có số quân ít hơn nên quân Ba Tư chọc thủng phòng tuyến chính giữa và tiến vào. Đợi quân Ba Tư vào sâu, một hồi kèn báo hiệu vang lên, quân Hy Lạp từ hai bên cánh bấy ngờ xoay lại vào trong tấn công vào hai bên sườn quân Ba Tư. Đây là đòn đánh hiểm khiến quân Ba Tư đại bại.

Phalanx chinh phục khắp thế giới

Đến khi vua của người Macedonia là Philippos II lên ngôi, ông đã xây dựng và huấn luyện đội quân Hoplite ngày càng hùng mạnh, cùng với đội hình Phalanx nhiều biến hóa và giành những chiến thắng vang dội, khiến Hoplite trở thành đội quân bất bại.

Sau khi vua Philippos II bị ám sát, Alexander Đại Đế lên thay. Được thừa hưởng đội quân tinh nhuệ do cha mình để lại, ông đã thống nhất các thành bang Hy Lạp, rồi đem quân tấn công Đế quốc Ba Tư nhằm báo thù sự xâm phạm của người Ba Tư vào Hy Lạp trước đây. Alexander Đại Đế cũng cho rằng vua Ba Tư là người âm mưu giết cha mình.

Năm 334 TCN, Alexander Đại Đế cùng 42 nghìn quân vượt qua eo biển Hellespont đến châu Á, tấn công Ba Tư. Trong số 42 nghìn quân Hy Lạp có 22 nghìn là bộ binh được huấn luyện theo đội hình Phalanx của Hoplite, 20 nghìn kỵ binh là đội kỵ binh Companion (tiếng Hy Lạp là Hetairoi). Dưới sự chỉ huy của Alexander Đại Đế, đội kỵ binh thiện chiến này trở nên nổi tiếng bậc nhất lịch sử. Đội kỵ binh này có khả năng cơ động tấn công nhanh, giúp bổ sung cho đội hình Phalanx.

Doi hinh Phanlanx huyen thoai 03
Đội hình Phalanx của Macedonia trong một trận chiến nổi tiếng của Alexander Đại Đế. (Tranh: Ellis, Edward Sylvester, 1840-1916; Horne, Charles F., 1870-1942, Wikipedia, Public Domain)

Mỗi khi tấn công, kỵ binh Companion xếp thành hình tam giác, hướng đầu nhọn về hướng đối thủ rồi tấn công, người đi đầu tiên tức phần đỉnh nhọn của tam giác này là người dũng cảm nhất, và người đấy không ai khác ngoài Alexander Đại Đế. Alexander Đại Đế thường dẫn đầu đội kỵ binh đánh xuyên qua mọi hàng ngũ vững chắc nhất của kẻ địch.

Nhiều nhà sử học cũng ngạc nhiên khi Alexander Đại Đế luôn ở vị trí dẫn đầu, thường đánh với đội quân đông hơn mình rất nhiều lần, nhưng lại không tử trận. Alexander Đại Đế có rất nhiều vết thương trên người, trong đó có một vết thương suýt lấy mạng ông ở Ấn Độ.

Với kỵ binh Companion cùng đội hình Phalanx của Hoplite, Alexander Đại Đế đã biến tiểu quốc Hy Lạp trở thành Đế Quốc rộng đến 5 triệu km2. Điều này cũng đưa Alexander Đại Đế trở thành một một trong những người chinh phục vĩ đại nhất lịch sử thế giới.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: