Trong sự sụp đổ của liên minh cộng sản ở Đông Âu thì cuộc cách mạng Nhung của người dân Tiệp Khắc là rất đáng chú ý.

Bối cảnh

Đảng Cộng sản Tiệp Khắc lên nắm quyền vào năm 1948 và trở thành đảng chính trị duy nhất ở quốc gia này. Tuy nhiên cũng giống như các nước Đông Âu khác đi theo con đường cộng sản, Tiệp Khắc càng ngày càng kém phát triển so với các nước Tây Âu. Sự khác biệt Đông Tây khiến người dân hiểu rõ sự thật về chế độ cộng sản, và những người bất đồng chính kiến xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên những tiếng nói này đã bị chính quyền cộng sản Tiệp Khắc đàn áp dập tắt.

Đến thời điểm những năm 1980 thì ngày càng có nhiều làn sóng bất đồng chính kiến. Đảng Cộng sản Tiệp Khắc lo sợ, thẳng tay trừng trị, đuổi việc những người phản đối, đuổi học sinh viên.

Để ngăn ngừa ảnh hưởng của các nước khối tự do, chế độ Tiệp Khắc đã cấm người dân đi du lịch sang các nước không thuộc phe cộng sản, cấm âm nhạc đến từ nước ngoài.

Chính sách cấm đoán của chế độ khiến dân chúng ngày càng bị chèn ép và bức bối. Đến năm 1985 thì chính quyền Tiệp Khắc buộc phải nới lỏng hơn, tuy nhiên cũng không tránh khỏi những cuộc biểu tình của dân chúng.

Các cuộc biểu tình quy mô lớn đầu tiên xuất hiện vào năm 1988, điển hình là cuộc biểu tình Nến.

Năm 1989, những bất mãn về cuộc sống, kinh tế đã lên đến cao độ, dân chúng đòi hỏi phải có thay đổi trong hệ thống chính trị. Mùa hè năm 1989, nhiều cá nhân đã ký tên vào bản kiến nghị chấm dứt kiểm duyệt và cải cách chính trị cơ bản. (Theo “Cuộc cách mạng Nhung của Tiệp Khắc” Sharon L, Wolchik).

Vào tháng 8/1989, các cuộc cách mạng nổ ra khắp khối cộng sản Đông Âu. Tháng 11/1989, bức tường Berlin sụp đổ, nhiều nước Đông Âu thoát khỏi ách thống trị của cộng sản. Những sự kiện này trở thành niềm cổ vũ lớn cho người Tiệp Khắc.

Ngày 16/11/1989, học sinh và sinh viên đã biểu tình ôn hòa ở thủ đô Bratislava (thủ đô của người Slovakia). Đoàn biểu tình đã đi lại trong thành phố một cách hòa bình và gửi đến Bộ Giáo dục những khuyến nghị của mình.

Cách mạng Nhung

Ngày 17/11/1989, nhân dịp tưởng nhớ đến sự kiện sinh viên ở Praha chống lại sự chiếm đóng của Đức Quốc xã tại Tiệp Khắc năm 1939, lãnh đạo nhóm sinh viên độc lập Praha cùng Liên minh Xã hội chủ nghĩa của Thanh niên (đây đều là tổ chức do nhà nước Tiệp Khắc thành lập hợp pháp) đã tổ chức biểu tình đại chúng với sự tham gia của 15.000 người để kỷ niệm 50 năm ngày “sinh viên quốc tế”. Sinh viên cũng nhân ngày này để tỏ thái độ không hài lòng với Đảng Cộng sản Tiệp Khắc.

Cách mạng Nhung
Những sinh viên tại Praha tưởng niệm ngày sinh viên quốc tế 17/11/1989 (với Václav Havel ở giữa sau này được bầu làm Tổng thống mới). (Ảnh: MD, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Cuộc biểu tình ôn hòa của sinh viên sau đó đã bị Đảng Cộng sản Tiệp Khắc ra lệnh đàn áp bằng bạo lực. Khi mặt trời dần lặn xuống cũng là lúc người biểu tình bị cảnh sát cùng các cơ quan thực thi pháp luật đánh đập tàn bạo.

Ngày 18/11, các sinh viên Học viện Nghệ thuật biểu diễn Praha đã bãi khóa đình công và nhận được sự hưởng ứng của các sinh viên trên cả nước, họ kêu gọi dân chúng Tổng đình công vào ngày 27/11.

Do truyền thông báo chí bị chính quyền kiểm soát, các sinh viên đã dán áp phích, và dân chúng truyền nhau thông điệp Tổng đình công này. Trong khi đó trên truyền hình, chính quyền liên tục kêu gọi hòa bình và các hoạt động nên trở lại bình thường như trước.

Tổ chức “Sáng kiến Dân chủ” đã ra một số yêu cầu, bao gồm cả việc chính phủ phải từ chức, có hiệu lực từ ngày 25/11, và đồng thời thành lập chính phủ lâm thời.

Ngày 20/11, các sinh viên tổ chức đình công, cảnh sát đã ngăn họ tiến vào trung tâm thành phố Praha. Đại diện cho cuộc biểu tình đã có cuộc gặp không chính thức và đưa yêu cầu của mình lên Thủ tướng Adamec.

Thủ tướng Adamec tỏ ra thông cảm với các yêu cầu của đoàn biểu tình. Tuy nhiên trong cuộc họp nội các, đa số tỏ ý không nhượng bộ, chính phủ đã phải theo ý kiến đa số, không nhượng bộ các yêu sách của đoàn biểu tình.

Thông tin chính phủ không nhượng bộ lan đi, lập tức 100.000 người đã biểu tình ở thủ đô Praha, đồng thời ở Bratislava cũng biểu tình quy mô lớn, yêu cầu đưa vị thế cầm quyền của Đảng Cộng sản ra khỏi hiến pháp. Áp lực khiến chính phủ phải ngồi vào bàn đàm phán với người biểu tình.

Ngày 21/11, cuộc họp chính thức đầu tiên giữa Thủ tướng và đại diện cho người biểu tình là “Diễn đàn Dân sự” diễn ra. Thủ tướng đảm bảo rằng sẽ không dùng bạo lực với dân chúng, nhưng sẽ làm tất cả gì có thể để bảo vệ chế độ. Điều này khiến cuộc họp không đi đến được thống nhất. Các cuộc biểu tình tiếp tục lan rộng. (Theo “Những kẻ thách thức cạnh tranh và kết quả cạnh tranh dẫn đến sự đổ vỡ của nhà nước: Cuộc cách mạng Nhung ở Tiệp Khắc” của John K. Glenn).

Cuộc biểu tình của dân chúng ở thành phố Bratislava ngày càng rầm rộ, người biểu tình tập trung ở các quảng trường lớn, cùng truyền nhau thông điệp sẽ có mặt trong cuộc Tổng đình công và ngày 27/11.

Vào buổi tối ngày 21/11, Tồng bí thư Đảng Cộng sản Tiệp Khắc là Miloš Jakeš đã có bài nói chuyện đặc biệt trên truyền hình, khẳng định cần phải bảo vệ chế độ cộng sản ở Tiệp Khắc, đồng thời chỉ trích người biểu tình.

Một cuộc biểu tình trước Cung điện Công lý yêu cầu thả tù nhân chính trị Ján Čarnogurský (sau này là Thủ tướng Slovakia) đã diễn ra, chính quyền buộc phải nhượng bộ và thả tù nhân này vào ngày 23/11.

Ngày 22/11, thời sự truyền hình trực tiếp về cuộc biểu tình đang diễn ra thì đột nhiên phải ngừng lại. Các sinh viên yêu cầu chính quyền cùng đối thoại. Nhân viên Đài truyền hình cũng yêu cầu được phát tin về cuộc biểu tình, nếu không sẽ tổ chức đình công. Nhờ đó mà truyền hình tiếp tục được phát chương trình các cuộc biểu tình ở Bratislava mà không bị kiểm duyệt.

Cách mạng Nhung
Người biểu tình ở Quảng trường Wenceslas thành phố Praha. (Ảnh: ŠJů, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Ngày 23/11, Bí thư thành phố Praha yêu cầu quân đội sẵn sàng hành động. Bộ trưởng Quốc phòng gửi thông báo đến truyền hình yêu cầu chấm dứt biểu tình, tuy nhiên lại đồng thời nêu rõ quân đội không bao giờ thực hiện hành động chống lại người dân.

Ngày 24/11, Tổng bí thư Miloš Jakeš từ chức, Karel Urbánek một người cộng sản ôn hòa hơn lên thay thế. Một cuộc gặp mặt giữa những người cộng sản và đại diện cho những người biểu tình được truyền hình trực tiếp, những người cộng sản đã thu thập hết yêu cầu của người biểu tình và hứa sẽ xem xét.

Ngày 25/11, giới lãnh đạo cộng sản tổ chức họp báo, những yêu cầu của người biểu tình được đưa ra xem xét, tuy nhiên chế độ đã không sao giải quyết được những yêu cầu này.

Từ đó số người tham gia biểu tình ngày càng cao, số người biểu tình ở Praha thường xuyên là 800.000 người, còn ở Bratislava lúc đỉnh điểm là 100.000 người.

Cách mạng Nhung
Cuộc biểu tình ngày 25 tháng 11 năm 1989 tại Praha. (Ảnh: ŠJů, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Ngày 27/11, như đã hẹn trước, cuộc Tổng đình công đã nổ ra với sự tham gia của 75% dân chúng, kêu gọi thành lập chính phủ mới (Theo “Cách mạng Nhung và xa hơn” của Shepherd, Robin H.E).

Bộ Văn hóa đã cho phép lưu hành các tác phẩm chân thực về chủ nghĩa cộng sản mà trước đây bị cấm lưu hành, dân chúng có thể cùng đọc các tác phẩm này tại thư viện.

Ngày 29/11, Quốc hội đã xóa đi vai trò của Đảng Cộng sản trong hiến pháp, chấm dứt sự cai trị độc tài của nó.

Ngày 29/12, nhà viết kịch đồng thời là nhà hoạt động nhân quyền Václav Havel được bầu làm Tổng thống lâm thời của Tiệp Khắc. Ông đã nỗ lực đàm phán để Liên Xô phải rút 73.500 quân khỏi Tiệp Khắc, để người dân Tiệp Khắc tự lo cho vận mệnh của dân tộc mình.

Tháng 6/1990, người dân Tiệp Khắc đã bầu cử tự do để bầu ra chính phủ của mình, mở ra thời kỳ tự do, thoát khỏi sự cai trị của chế độ độc tài cộng sản.

Cuộc “Cách mạng Nhung” ở Tiệp Khắc diễn ra khá ôn hòa, không có người phải đổ máu.

Vì sao gọi là “Cách mạnh Nhung”?

Khác với các cuộc cáng mạng khác ở Đông Âu lúc đó, cuộc cách mạng của Tiệp Khắc bắt đầu từ ngày 17/11, ban đầu có sự đàn áp bạo lực, nhưng từ tối ngày 17/11 trở đi thì không còn cảnh đổ máu nữa, vì sao lại có sự việc này?

Vào ngày 17/11, sinh viên các trường đại học ở Praha đều tham gia tưởng niệm ngày “sinh viên quốc tế”, sau đó đã diễn ra biểu tình và có sự đán áp của chính quyền.

Đến tối ngày 17/11, chính quyền ra thông báo các gia đình có con em là sinh viên tham gia biểu tình thì nên khuyên trở về nhà. Thế nhưng lời loan báo này lại khiến nhiều người xuống đường hơn nữa, cũng có cả những người lo đi tìm con vì không thấy về nhà.

Không phải ai xuống đường cũng là đi biểu tình nhưng vì hình thành đám đông, chính quyền bối rối lệnh cho quân đội dã chiến và cảnh sát tới ngăn chặn đoàn người. Nhiều sinh viên bị chặn, nhưng họ đã làm một việc bất ngờ.

Những nữ sinh đã mang các cánh hoa hồng đến tặng cho những người lính quân đội, biểu hiện sự đồng cảm vì đều là nạn nhân của sự cai trị cộng sản hà khắc. Những người cha, người mẹ sau khi tìm được con của mình thì vui mừng, họ cùng hát vang bài “Tổ quốc tôi ở đâu”. Nhiều đứa trẻ mới chỉ vài tuổi được cõng trên vai cha mình cũng bi bô theo. Chúng như muốn nhắn nhủ những người lính đứng đánh dân chúng. Những người đi ngang qua cũng nhắn nhủ những người lính đừng đánh sinh viên và những đứa trẻ, chúng đều là tương lai của đất nước sau này.

Sự việc đã gây ảnh hướng lớn tới tâm thức của người lính và cảnh sát, khiến họ không muốn và không thể dùng bạo lực với dân chúng.

Một tuần sau, vào ngày 23/11, khi Bí thư Praha yêu cầu quân đội sẵn sàng đàn áp dân chúng, Bộ trưởng quốc phòng Vaclavik đã đáp lại rằng: “Quân đội sẽ không chống lại nhân dân. Chúng tôi sẽ không can thiệp”. Ông ra thông báo này vì thừa hiểu rằng quân đội sẽ không tuân lệnh nếu bị yêu cầu đàn áp dân chúng.

Vì thế mà cuộc cách mạng Tiệp Khắc diễn ra thành công, lại không gây đổ máu. Người dân gọi đây là “Cách mạng Nhung”, bởi vì nó diễn ra mềm mại, êm thắm.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: