Dòng họ Nguyễn Huy ở làng Trường Lưu, xã Lai Thạch, huyện La Sơn (nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) nổi tiếng vì hầu như đời nào cũng có người đỗ đạt làm quan, lại có nhiều văn nhân nổi tiếng. Trong đó nổi bật nhất là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh.

Đôi nét về Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, hiền tài của làng Trường Lưu
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Họ Nguyễn lập làng Trường Lưu

Cụ tổ của dòng họ Nguyễn Huy là Nguyễn Uyên Hậu, sống vào thời kỳ Lê Sơ thế kỷ 15, giữ chức Ngũ kinh bác sĩ ở Quốc Tử Giám. Nhận thấy 3 làng Kẻ Đò, làng Vạc và làng Tràng ở đồng trũng, dân vất vả quanh năm, mà dãy Phượng Lĩnh gần đấy cao ráo, là nơi tốt để định cư phát triển, nên Nguyễn Uyên Hậu đề xuất dân 3 làng tụ lại lập làng mới.

Làng mới này lại nhập với làng Kẻ Bìn gần đấy. Nguyễn Uyên Hậu đặt tên cho làng là Tràng Lưu. Chữ “Tràng” là vì dân ở làng mới có rất nhiều là từ làng Tràng, còn “Lưu” là lấy tên quê của Nguyễn Uyên Hậu ở Trần Lưu. Tuy nhiên theo chữ Hán thì Tràng hay Trường đều cùng một chữ (腸). Vì thế dần dần tên làng được đọc là Trường Lưu.

Làng Trường Lưu dần dần trở thành một trung tâm văn hóa với nhiều di tích, danh lam thắng cảnh như đình làng, hệ thống chùa, đền, miếu, nhà thờ các dòng họ. Các loại hình nghệ thuật như chèo tuồng cũng được phát triển, giao lưu văn hóa, sáng tác thơ văn.

Thám hoa Nguyễn Huy Oánh

Họ Nguyễn Huy ở làng Trường An đến năm 1713 thì sinh được Nguyễn Huy Oánh. Sinh trưởng trong gia đình quyền quý đỗ đạt, Nguyễn Huy Oánh từ nhỏ đã ham học và hiểu biết.

Năm 1732 khi 20 tuổi, Nguyễn Huy Oánh đỗ đầu kỳ thi Hương tức Giải nguyên, nhưng lại không vượt qua được tứ trường kỳ thi Hội. Ông được bổ nhiệm làm quan, thăng dần lên Tri phủ Trường Khánh.

Năm 1748, Nguyễn Hy Oánh vượt qua kỳ thi Hội, vào đến kỳ thi Đình. Bài văn sách của ông xuất sắc và được chấm đỗ Thám hoa.

Nguyễn Huy Oánh được tin tưởng giao dạy dỗ Thế tử Trịnh Sâm nhỏ tuổi, kiêm chức Hàn lâm viện đãi chế. Sau đó ông trải qua các chức vụ Đông Các hiệu thư, Thượng bảo tự khanh, Đông Các đại học sĩ, Tri binh phiên, Nội giảng rồi Tư nghiệp Quốc Tử Giám.

Năm 1761, Sứ thần nhà Thanh sang Đại Việt, Triều đình đặc cách ban cho Nguyễn Huy Oánh quan tam phẩm để đón tiếp Sứ nhà Thanh. Đến năm 1765 thì ông được phong làm Thiêm Đô ngự sử và chọn đi sứ sang nhà Thanh.

Trong chuyến đi ngoại giao này, Nguyễn Huy Oánh đã viết cuốn “Hoàng hoa sứ trình đồ”, đây là công trình lớn ghi lại từ chuyến đi sứ, mô tả cụ thể con người, thành trì, làng mạc, di tích, danh thắng… các hoạt động giao tiếp.

Năm 1768, ông lo việc chống hải tặc Trung Quốc, nhằm giữ yên và ổn định dân chúng miền biển.

Năm 1777, nhận thấy Triều đình hủ bại, Nguyễn Huy Oánh xin nghỉ hưu về làng Trường Lưu. Nhưng ông về quê chẳng được bao lâu thì chúa Trịnh Sâm mời thầy cũ của mình trở lại Triều đình.

Năm 1783, ông được phong làm Tham Tụng (chức vị như Tể tướng), nhưng nhận thấy Triều đình hủ bại nên ông không muốn làm, bèn viết bài “Từ Tham tụng khải” xin từ chối quyền Tham tụng.

Đưa làng Trường Lưu thành trung tâm văn hóa

Xin nghỉ hưu trở về làng Trường Lưu, Nguyễn Huy Oánh lập “Thư viện Phúc giảng”, rồi mở trường dạy học gọi là “Trường Lưu học hiệu”. Trường học quy mô lại có thư viện với đầy đủ tài liệu không thua kém gì tại Kinh thành.

Ngoài ra ông còn bỏ tiền ra mua ruộng gọi là “học điền” (tức ruộng học) để thưởng cho các trò giỏi. “Trường Lưu học hiệu” tạo ra rất nhiều nhân tài phụng sự cho Xã Tắc.

Nhờ những cống hiến của Nguyễn Huy Oánh mà làng Trường Lưu nổi lên thành trung tâm về văn hóa văn vật của cả vùng. Dân làng tôn kính gọi ông là “Trường Lưu tiên sinh”.

Gia đình ông cũng nhiều người đỗ đạt, em trai là Nguyễn Huy Quýnh đỗ tiến sĩ, làm quan đến Hàn lâm viện thị giảng. Em trai khác mẹ Phan Huy Cẩn (lấy họ mẹ) là danh thần của nhà Lê Trung Hưng. Con trai là Nguyễn Huy Tự cũng được công nhận học vị tiến sĩ. Các cháu của ông sau này đều nổi bật về văn chương, trở thành văn nhân có tiếng.

Học trò của Nguyễn Huy Oánh trải dài từ bắc vào nam, có hàng trăm người đỗ từ tiến sĩ, cử nhân đến tú tài.

Ghi nhận công lao của ông, Triều đình đã sắc phong cho ông là “Uyên phổ hoằng dụ đại vương” và sắc phong có ghi trang trọng: “Nối nguồn thơm từ Khổng Tử; rạng dòng tốt bởi núi Ni; lấy văn trồng người mở kế trăm năm”.

Tác phẩm “Hoàng hoa sứ trình đồ”

Nguyễn Huy Oánh sáng tác rất nhiều, để lại 40 tập sách về văn học, lịch sử, địa lý, y học. Năm 1963, cuốn “Hoàng hoa sứ trình đồ” đã được công bố ra quốc tế đã gây sự chú ý đặc biệt cho các nhà khoa học xã hội Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga…

Tại hội nghị lần thứ 8, Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (thuộc UNESCO) đã công nhận “Hoàng hoa sứ trình đồ” là di sản tư liệu ký ức thế giới.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: