Đời người có chừng mực, thái quá ắt gây họa. Một cuộc đời tốt đẹp nằm ở việc “không quá mức”, bởi vật cực tất phản, nhiều quá ắt đổ, đầy quá ắt tràn.

Đời người có chừng mực, thái quá ắt gây họa
(Ảnh minh họa: Thampitakkull Jakkree, Shutterstock)

Trong sách Tuân Tử có ghi chép một chuyện thế này:

Đức Khổng Tử vào xem miếu Hoàn Công nước Lỗ, có một cái lọ đứng nghiêng. Ngài hỏi người coi miếu. Người ấy nói rằng: “Đó là một vật quí của nhà vua thường để bên chỗ ngồi chơi để làm gương”.

Đức Khổng Tử nói: “Ta nghe nhà vua có vật quí để làm gương, vật đó bỏ không thì đứng nghiêng, đổ nước vừa vặn thì đứng ngay, mà đầy quá thì lại đổ, có lẽ là vật này chăng”.

Ngài bèn sai học trò đổ nước vào. Quả nhiên, nước đổ vừa, thì lọ đứng ngay; nước đổ đầy, thì lọ đổ; bỏ không, thì lọ lại đứng nghiêng. Ngài chép miệng than rằng: “Hỡi ôi! Ở đời chẳng cái gì đầy mà không đổ.

Thầy Tăng Tử nói: “Dám hỏi có cách gìn giữ cho đầy mà không đổ không?”

Ngài nói: “Thông minh thánh trí nên giữ bằng cách ngu độn; công lao to hơn thiên hạ nên giữ bằng cách khiêm cung; sức khoẻ hơn đời nên giữ bằng tính nhút nhát; giàu có bốn bể nên giữ bằng thói nhún nhường. Đó là cách đổ bớt đi để giữ cho khỏi đổ”.

Đời người cũng là như vậy, nếu chỉ tìm cách vun vào mà không biết cho đi, thì rốt cuộc cũng bị mất mát.

Lợi không quá tham

Tục ngữ nói: “Lợi bất khả trám tẫn, phúc bất khả hưởng tẫn, thế bất khả dụng tẫn”, ý rằng thấy lợi đừng tham mà chiếm tận, phúc cũng không thể hưởng hết, lại càng không nên quá dùng địa vị của mình mà chèn ép người.

Trong “Sử Ký” lại có câu: “Tham dục không biết dừng, cuối cùng chẳng thứ nào được thỏa mãn; nếu có mà không biết thỏa mãn, cuối cùng sẽ mất tất cả những thứ ban đầu”. Giữ mình không tham thì thường lại an ổn, tranh đoạt của người ắt sẽ thiệt thòi.

Kim tiền phú quý, người người đều mong cầu. Cũng như Khổng Tử từng nói: “Phú và quý là dục vọng của con người.” Truy cầu một cách vừa phải có thể thúc đẩy con người tiến về phía trước. Nhưng nếu chẳng thể cưỡng lại cám dỗ, quá để mắt tới lợi ích trước mắt, ắt sẽ mất đi những thứ bên ngoài tiền tài.

Trong ngụ ngôn phương Tây có câu chuyện gà đẻ trứng vàng: Một đôi vợ chồng già, nuôi một đàn gà mái. Một hôm, một cô gái mái đột nhiên sinh được một quả trứng vàng nhỏ bé, hai vợ chồng mừng lắm. Mấy hôm sau, ngày nào gà cũng cho trứng vàng. Nhưng dục vọng khó lấp đầy, họ không thể đợi cô gà mái tiếp tục sinh trứng vàng, mà mang gà mái giết đi, mổ bụng muốn tìm hết số vàng ra. Vậy mà tìm không thấy, lại mất đi cơ hội mỗi ngày có được trứng vàng.

Điều khiến đời người thống khổ không phải là nghèo khó, mà là tham dục. Của cải như nước biển, uống càng nhiều, càng khát. Quá tham lam tài phú cuối cùng cũng chẳng thể đắc được điều gì. “Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo”, người quân tử coi trọng của cải nhưng lấy của cải phải đúng đạo lý. Đó mới là điều cần hướng tới.

Nhàn chớ quá an

Trong “Cáo Tử Hạ – Mạnh Tử” viết rằng: “Khi trời giao sứ mệnh trọng đại cho người, trước hết ắt phải làm khổ tâm chí họ, làm nhọc gân cốt họ, khiến thân xác họ đói khát, hao tổn thân họ, nhiễu loạn việc họ làm. Cho nên người ấy mới động tâm mà học cách nhẫn nại, làm giàu thêm những tài năng người ấy chưa có. Người ta thường lầm lỗi rồi sau đó mới có thể sửa đổi; thống khổ trong lòng, mới biết cân nhắc, toan tính về sau… Sinh nơi hoạn nạn, chết nơi an lạc.”

Căn nguyên thất bại của một người không phải là không có năng lực, mà là quá tham thú hưởng thụ lúc thư nhàn. Con người ở môi trường thoải mái lâu sẽ trở nên lười nhác, không muốn động não, lâu dần sẽ thui chột ý chí, sói mòn tâm linh.

Đời người như con thuyền ngược dòng nước, không tiến ắt sẽ thoái. Tham thú an nhàn là điều đại kỵ trong đời người. Cuộc sống an nhàn chỉ có thể khiến bạn vui vẻ nhất thời, nhưng nếu trường kỳ như vậy, sẽ khiến chúng ta tự ru ngủ bản thân.

Con người thường truy cầu an nhàn thoải mái vật chất, mà không biết rằng nó sẽ hủy diệt mình. Kỳ thực cảnh đẹp nhất trong đời là sự điềm tĩnh và thong dong trong nội tâm, điều ấy chỉ có được nhờ sự không ngừng nỗ lực tu dưỡng và giữ gìn phẩm cách.

Giận không quá mức

Con người sống trên đời, những chuyện không như ý chiếm tới tám, chín phần mười. Khi gặp chuyện chẳng thuận lòng như ý, mỗi người dù ít dù nhiều đều cảm thấy nóng giận. Chữ “Nộ” phía trên là chữ “Nô” (奴 – Nô bộc, đầy tớ), phía dưới là chữ “Tâm” (心). Từ trên mặt chữ có thể thấy rằng khi con người phẫn nộ thì tâm của người đó đã biến thành nô lệ của cảm xúc rồi.

Tức giận chỉ khiến sự tình trở nên tồi tệ hơn, chẳng có chút ích lợi gì. Phẫn nộ vì hành vi của người khác cũng ngốc nghếch giống như nổi nóng với một hòn đá ngáng đường.

Vương Dương Minh có câu: “Khi không nên tức giận mà tức giận, thì là bị ma quỷ mê hoặc vậy.” Có giận cũng không nên quá mức khiến nó bột phát ra ngoài, nên kiềm chế cho đến khi cơn giận nguôi ngoai. Tức giận chính là dùng sai lầm của người khác mà trừng phạt bản thân mình.

Trong đời người có rất nhiều chuyện không vui, kỳ thực cũng đều là bản thân tự làm khó mình. Khi chúng ta bị cảm giác phẫn nộ bủa vây, chúng ta rất dễ nổi nóng, và chẳng thể nhìn thấy những điều tốt đẹp kề bên.

Phàm mọi việc chớ quá bận lòng, hãy nghĩ thoáng, nhìn rộng một chút. Điều chỉnh lại tâm thái, ít nổi giận, thong dong với thực tại.

Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: