Người Á Đông thời xưa xem “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” là tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá đạo đức tu dưỡng của con người, cũng là năm đức để điều chỉnh các mối quan hệ giữa người với người trong xã hội. Trong năm đức ấy thì đức “Nhân” (lòng nhân từ, nhân ái) được xếp ở vị trí đứng đầu, đủ thấy tầm quan trọng vô cùng của nó.

Lòng nhân từ trong lý niệm của người xưa
(Ảnh minh họa: Aphotostory, Shutterstock)

Bàn về chữ “Nhân”, trong “Thuyết văn giải tự” có ghi rằng: “Thiên địa chi sinh, tối quý giả dã”, ý nói lòng nhân từ là điều quý giá nhất, là giá trị cốt lõi bên trong con người. “Nhân” chính là cảnh giới cao thượng của con người trên đời, là đạo lý làm người mà bất kỳ ai cũng phải tu dưỡng.

Nho gia coi “Nhân” là quy phạm đạo đức tối cao, trong “Luận Ngữ” khi Nhan Uyên hỏi Khổng Tử về chữ “Nhân”, Khổng Tử đã nói: “Sửa mình theo lễ là nhân. Ngày nào cũng khắc kỷ phục lễ, ngày đó mọi người trong thiên hạ tự nhiên cảm hoá mà theo về đức nhân. Vậy nhân là do mình, chớ há do người sao?”

Trọng Cung – một học trò khác của Khổng Tử hỏi về “Nhân”, Khổng Tử cho rằng: “Những cái gì mà mình không muốn thì đừng đem thi hành cho người khác – đó là đức hạnh của người nhân.” (Luận ngữ).

Khi Phàn Trì hỏi về “Nhân”, Khổng Tử giảng giải rằng: “Khi ở nhà thì giữ diện mạo cho khiêm cung; khi làm việc thì thi hành một cách kính cẩn, khi giao thiệp với người thì giữ dạ trung thành”.

Kỳ thực đó chỉ là một trong rất nhiều lần Khổng Tử nói về chữ “Nhân”. Khi dạy dỗ các môn sinh của mình, ông sẽ tùy theo tính cách của mỗi người mà giáo dục chữ “Nhân” này một khác. Tỉ như biết tật lớn nhất của trò là không quan tâm tới người khác, thì Khổng Tử bèn nói: “Nhân giả ái nhân dã”, tức là người có lòng nhân từ thì phải biết yêu mến và bảo hộ người khác. Với một người không thể xử lý tốt mối quan hệ với người khác, Khổng Tử lại nói rằng: “Nhân giả nhị nhân dã”, ý rằng chữ “Nhân” (仁) ấy là do chữ “con người” (人) và “số hai” (二) ghép thành, hàm ý hy vọng học trò có thể chung sống hoà thuận với người khác.

Luận Ngữ cũng lại giảng: Người nhân là người có thể làm cho năm điều đức hạnh phổ cập trong thiên hạ. Năm đức ấy là “cung, khoan, tín, mẫn, huệ”. Nếu mình nghiêm trang cung kính thì chẳng ai dám khinh mình. Nếu mình có lòng rộng lượng thì mình thu phục được lòng người. Nếu mình có đức tính chân thật thì người ta tin cậy mình. Nếu mình cần mẫn siêng năng thì làm được công việc hữu ích. Nếu mình thi ân bố đức gia huệ thì mình sai khiến được người.

Xã hội truyền thống vô cùng coi trọng lòng nhân từ. Võ Vương khi phong vua cho chư hầu, thì lấy tiêu chuẩn là “Tuy hữu chu thân, bất như nhân nhân”, tức lấy người nhân đức làm vua chư hầu chứ không căn cứ đó có phải người thân thích hay không.

Trong “Luận Ngữ” còn viết: “Chí sĩ nhân nhân, vô cầu sinh dĩ hại nhân, hữu sát thân dĩ thành nhân”, ý nói một người mà trong lòng có chí lớn và có đức nhân, sẽ không vì tham sống sợ chết mà tổn hại đức nhân, chỉ biết không tiếc hy sinh tính mạng vì chính nghĩa.

Nội hàm của chữ “nhân” thật vô cùng phong phú, phương diện mà nó đề cập đến là quan trọng như vậy cho nên “nhân” trở thành nội dung căn bản và quan trọng trong hệ thống đạo đức truyền thống của người xưa. Nó ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng, hành vi và hình thái xã hội của con người thời cổ.

Kỳ thực lòng nhân từ khi phân ra thì có rất nhiều biểu hiện, nhưng khi quy tụ lại thì có thể giải thích bằng sự vô tư, không ích kỷ. Bởi xã hội là một cộng đồng những con người chung sống cùng nhau, giữa họ có rất nhiều mối quan hệ, nếu mỗi người chỉ biết xuất phát từ lợi ích của mình để đối xử với người khác, chỉ nghĩ đến lợi ích của mình mà không thấy được quyền lợi của người khác thì xã hội sẽ xảy ra biết bao thảm kịch.

Một khi, mỗi người đều biết quan tâm, nhường nhịn và hỗ trợ người khác thì không những họ khiến cuộc sống của bản thân yên ấm, hạnh phúc, mà cả cộng đồng của họ cũng có sự gắn bó, bền vững. Cộng đồng ấy sẽ có nhiều điều kiện để khắc phục những tai nạn do khách quan mang lại.

Cho nên, giáo dục lòng nhân từ, dùng nhân từ để đối đãi với nhau luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Điều này không chỉ đúng với xã hội ngày xưa, mà còn đúng với cả xã hội ngày nay.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: