“Lễ” được cổ nhân xem là trật tự của tự nhiên, của Trời Đất và cũng là quy tắc giữa người với người trong cuộc sống. Người xưa dùng lễ nghĩa để “hạ mình, tôn người”, để biểu đạt lòng chân thành và cung kính của mình đối với Trời và đối với người khác.

Cổ nhân dùng lễ nghĩa để biểu thị lòng tôn kính Trời và người
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Khổng Tử dạy: “Bất học lễ, vô dĩ lập”, ý nói không học lễ thì sao có thể đứng vững trong cuộc đời được. Bởi vậy người xưa vô cùng coi trọng việc học lễ và hành lễ.

Ý nghĩa của “Lễ”

Trong cuốn: “Hoằng đạo lục. Quân thần chi lễ” có ghi chép:

“Điều lớn lao nhất của Lễ là thể hiện lòng tôn kính. Vua Nghiêu, vua Thuấn kế thừa Thiên mệnh mà làm Hoàng đế. Sử quan quan sát tỉ mỉ, ghi chép một cách kính cẩn nghiêm minh cho nên mới có thể phụng sự Thượng thiên. Bởi vì cung kính có lễ mà khiến bản thân trở nên vĩ đại. Bởi vì nhún nhường, tài đức cho nên mới có thể ban phát ân huệ cho người. Kỳ thực, hết thảy đều không có gì vượt qua một từ ‘kính’.”

Điều này nói rõ một vấn đề rằng, cổ nhân đối với lễ không chỉ là những lễ nghi trên thân thể mà đồng thời trong tâm còn phải có kính ý, tấm lòng tôn kính. Đây cũng là ý nghĩa quan trọng nhất của lễ nghi.

Tác dụng của lễ nghĩa

Lễ khiến cho hành vi của người ta hợp với đạo. Trong “Luận Ngữ” viết: “Cung kính mà không có lễ thì phiền, cẩn thận mà không có lễ thành ra sợ hãi, dũng mãnh mà không có lễ thì loạn, cương trực mà không có lễ thành ra vội vã.”

Lễ là chuẩn mực của xã hội, là cái gốc của việc người xưa thực hành đạo “Nhân”. Trong “Lễ ký. Khúc lễ thượng” cũng viết:

“Đạo đức nhân nghĩa, không có lễ không thành; dạy bảo sửa đổi phong tục, không có lễ không đủ; xử việc phân tranh kiện tụng, không có lễ không quyết được; vua tôi, trên dưới, cha con, anh em, không có lễ không phân định được; học làm quan, thờ thầy, không có lễ không lấy gì làm thân ái; xếp đặt vị thứ trong triều, cai trị quân lính, đi làm quan, thi hành pháp lệnh, không có lễ sẽ không uy nghiêm; cầu khẩn, tế tự, cúng tế quỷ Thần, không có lễ không thành kính, không trang trọng. Bởi thế cho nên người quân tử dung mạo phải cung, trong bụng phải kính, giữ gìn pháp độ, thoái nhượng để làm sáng rõ lễ.”

“Khúc lễ” lại viết:

“Dựa vào lễ nghĩa để xác định mối quan hệ giữa người với người là gần hay xa, thân hay không, để phân biệt địa vị cao thấp, để nhận định những điều khó phân rõ, làm rõ phải trái, đúng sai.”

Thực hành chữ “Lễ”

“Thích Danh” viết: “Lễ, thể dã”, điều này muốn nói rằng lễ nghĩa là cần phải thông qua tứ chi thân thể để biểu đạt, bày tỏ. Lễ nghi của người cổ đại đúng là như thế.

“Khúc lễ” viết:

“Một người luôn giữ thái độ kính cẩn với mọi điều, nhu mềm nhưng trang nghiêm, lời nói ôn tồn nhưng chứng lý vững chắc, sẽ hướng mọi điều, mọi người, mọi việc theo đúng Lễ.”

“Một người có địa vị thì thời thời khắc khắc trong tâm phải có Lễ. Bên ngoài phải đoan trang, lễ độ giống như đang suy nghĩ cân nhắc, thái độ nói chuyện phải hòa ái ổn định. Làm được ba điểm này mới khiến bản thân và người khác an định.”

Việc thực hành “Lễ” này không giới hạn ở bất kỳ ai, quân vương hay người bề trên cũng cần phải giữ lễ nghĩa. Trong cuốn “Thư” của Cố Viêm Võ đời Thanh viết: “Thái Giáp cúi đầu lạy Y Doãn, Thành Vương cũng cúi đầu lạy Chu Công”. Vua Thái Giáp cúi đầu lạy tướng Y Doãn, vua Thành Vương cúi đầu lạy tể tướng nhà Chu, chính là bởi họ có ơn sâu nặng với vua vậy.

Trong “Hoằng đạo lục. Quân thần chi lễ” viết: “Thời thượng cổ, quân vương cường đại, thần dân ca ngợi. Quân vương có công lao, thần dân ghi nhớ. Quân vương lễ bái, thần dân rập đầu lạy.” Thời trước nhà Tần, vua để tỏ lòng tôn kính đối với đại thần thì thường thường xưng tên mà không xưng danh. Ngoài lễ nghi quỳ lạy ra, còn có các lễ tiết thể hiện lóng kính trọng giữa quân và thần, như vua đi xuống dưới bậc thềm để chào quan lại ra sao, quan lại đi lên bậc thềm như thế nào, v.v.. Người ngồi trên chiếu nếu bày tỏ lòng tôn kính của mình với người ngồi cùng thì sẽ nhấc người lên một chút, tách khỏi hai chân, ngồi thẳng thân người lên.

Bởi vậy hành lễ không phải chỉ là quy tắc bắt buộc của người bên dưới đối với người bề trên mà còn là của người bề trên đối với người bên dưới.

Khổng Tử dạy con học Lễ

Trong sách “Luận ngữ. Quý thị” ghi lại câu chuyện Khổng Tử dạy con như sau.

Một hôm, học trò của Khổng Tử tên Trần Kháng hỏi Khổng Lý rằng: “Anh ở cùng thầy có nghe được lời dạy bảo nào mà không giống với người khác không?”

Khổng Lý nói:

Không. Có lần cha tôi một mình đứng trong sân nhà, tôi bước nhanh qua, cha tôi hỏi: “Học Thi chưa?”. Tôi trả lời: “Dạ chưa”. Cha tôi nói: “Không học Thi, thì không thể ăn nói được”. Thế là tôi liền đi học Thi. Lại có lần, gặp cha, tôi bước nhanh qua, cha hỏi: “Học Lễ chưa?”. Tôi trả lời: “Dạ chưa”. Cha tôi nói: “Không học Lễ, không thể lập thân được”. Thế là tôi đi học Lễ. Tôi chỉ nghe được 2 việc ấy mà thôi.

Trần Kháng vui vẻ nói: “Tôi hỏi một câu hỏi, lại hiểu ra được 3 điều. Biết được đạo lý học Thi và học Lễ, còn biết được là người quân tử đối xử với con trai mình không khác gì những đứa trẻ khác”.

Thi và Lễ là nội dung trọng yếu mà Khổng Tử giáo dục học trò. Khổng Tử cho rằng dùng hình thức văn hóa để giáo dục thường có hiệu quả cao hơn lối dạy bảo thông thường. Kinh Thi có 305 bài đều là Khổng Tử tổng hợp và biên soạn, nội dung nhiều, quan hệ với đạo lý tu thân, hiểu mệnh, đi theo đạo nghĩa. Khổng Tử cho rằng tu dưỡng đạo đức con người là bắt đầu từ đây, có thể nâng cao năng lực của con người, ngoài ra thông qua việc đọc Kinh Thi sẽ học được rất nhiều tri thức xã hội.

Khổng Tử nói: “Hưng thịnh nhờ Thi, đứng vững nhờ Lễ, thành tựu nhờ Nhạc”. Ông cho rằng Lễ chính là quy phạm đạo đức của xã hội. Lễ nghi chính là nền tảng cho đạo đức của một người, là một trong những trụ cột của xã hội, dựa vào đó mà bậc quân vương và thánh hiền tế thế an dân, thông hiểu Đạo Trời.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: