Người xưa dạy rằng: “Người không học lễ thì không thể đứng vững được trong cuộc đời”. Bởi vậy vào thời cổ, trẻ con ngay từ nhỏ đã phải được giáo dục lễ nghi, đạo đức. Trong mọi mặt đời sống xã hội xưa, từ cách ăn, cách nói, cách ngồi, cách đi, đứng, chào hỏi… đều phải tuân theo những phép tắc, lễ nghi cơ bản. Lễ nghi không chỉ thể hiện ở ngôn hành cử chỉ, mà còn là phản ánh của nội tâm tôn trọng, khiêm cung đối với người, là mỹ đức truyền thống không kể địa vị cao thấp hay sang hèn.

Vài nét về lễ nghi của người xưa trong chào hỏi và giao tiếp
(Tranh: Kano Oshin, Public Domain)

Lễ nghi trong chào hỏi

Người xưa mỗi khi gặp nhau đều hành lễ “cúi đầu”. Khom lưng, cúi đầu hành lễ là một loại hình thức lễ tiết lâu đời nhất của người. Khi hai người gặp nhau sẽ dùng hình thức “khom lưng, cúi người” để diễn tả và bày tỏ sự tôn kính của bản thân với đối phương. Đây được coi là một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, giúp người sống chuẩn mực, biết “kính trên, nhường dưới”.

Ở phương Đông, ghi chép về loại lễ tiết này có thể thấy vào thời nhà Thương, với ý nghĩa chủ yếu là để thể hiện sự cung kính và nhún nhường trước người khác. Cuốn “Nghi lễ. Sính lễ” thời Xuân Thu Chiến Quốc có ghi chép lại rằng, vào thời kỳ này, mọi người khi tham gia tất cả các loại lễ mừng đều phải cử hành nghi lễ “cúi đầu”. Đến đời nhà Đường thì “cúi đầu” đã trở thành một lễ tiết phổ biến, ai ai cũng biết và đều hành lễ.

Nghi lễ “khom lưng cúi đầu” không chỉ được áp dụng trong những nghi thức trang trọng và nghiêm túc hay những lễ mừng lớn mà còn được sử dụng trong các hoạt động xã giao thông thường.

Trước khi thực hiện cúi chào phải ngả mũ hoặc tháo khăn quàng xuống, thân thể đứng thẳng trang nghiêm, mắt nhìn thẳng. Lễ “cúi chào” được chia làm hai loại, một là người ngả về phía trước 3 lần, còn một loại là bái người thật sâu. Việc này được áp dụng trong tất cả các mối quan hệ xã giao, ví như lần đầu tiên gặp bạn, gặp đồng môn, gặp khách, gặp người lớn tuổi… đều dùng hình thức này.

Khi hành lễ “cúi đầu”, hai tay có thể đặt ở phần đầu gối hoặc đặt ở hai bên thân thể. Sau khi hành lễ xong, đưa thân thể về tư thế ban đầu và hướng mắt về phía đối phương. Đồng thời, lúc hành lễ, động tác không được quá nhanh, phải đoan trang, nghiêm túc, thể hiện sự tôn trọng.

Ngày nay, việc hành lễ “cúi đầu” vẫn được lưu truyền rộng rãi tại các nước phương đông, đặc biệt tại Nhật Bản và Hàn Quốc.

Lễ nghi trong lời nói

Ngôn từ là phương tiện giao tiếp chủ yếu nhất của người trong đời sống hàng ngày. Lời nói ra không chỉ thể hiện trí tuệ, sự hiểu biết mà còn thể hiện phẩm chất đạo đức của một người là cao hay thấp. Vì vậy, người xưa rất coi trọng việc giáo dục lễ nghi trong cách nói chuyện ở những hoàn cảnh khác nhau.

Ví như, trong lần đầu gặp mặt, nếu gặp người có danh tiếng, người ta sẽ dùng cách nói: “Ngưỡng mộ đã lâu nhưng nay mới được gặp ngài”.

Lâu ngày mới gặp lại, người ta dùng cách nói: “Đã lâu không được gặp”.

Nếu gặp một người nào đó nhưng chưa nhận rõ được là ai, người ta dùng cách nói: “Xin thứ lỗi, trí nhớ của tôi kém quá”.

Nếu làm một việc nào đó không đúng, cảm thấy áy náy thì dùng cách nói: “Thật là thất lễ”.

Khi muốn hướng đến một người nào đó để xin góp ý, người ta dùng cách nói: “Xin chỉ giáo”.

Nếu làm việc sai, mong được người khác tha thứ thì dùng cách nói: “Mong được thông cảm, bỏ quá cho”.

Muốn xin sự giúp đỡ của người khác, làm phiền người khác thì dùng: “Cảm phiền”.

Trong trường hợp không biết nói như vậy có thích hợp không, người ta dùng: “Xin mạo muội”.

Khi khen lời giải thích, cách nhìn của người khác thì nói: “Cao kiến”.

Khi đưa ra ý kiến của bản thân thì khiêm tốn, dùng: “Thiển kiến”.

Khi thể hiện kỹ năng của bản thân, người ta nói: “Kém cỏi, vụng về”.

Khi được người khác khen ngợi thì nên khiêm tốn: “Quá khen”.

Khi nhận được lời chúc mừng từ người khác có thể nói: “Chung vui”.

Khi khách đến chơi nhà, người xưa dùng cách nói: “Hạ cố đến chơi nhà”.

Nếu trên đường gặp khách nhưng cần đi trước, dùng từ: “Xin lỗi không tiếp chuyện ngài được”.

Khi tiễn khách thì nói: “Đi thong thả”.

Khi tạm biệt khách, nói: “Lần sau lại nhà”.

Người khách khi muốn thật sự rời đi liền nói với chủ nhà: “Xin dừng bước”.

Khi người khác tặng lễ vật nhưng khước từ, không nhận, thì dùng cách nói: “Xin nhận tấm lòng”.

Nói chung, ở vào những hoàn cảnh cụ thể khác nhau, người xưa sẽ dùng những lời nói khác nhau sao cho phù hợp, về tổng thể là luôn thể hiện ra được ý tứ “hạ mình” “tôn người”.

Cổ nhân đánh giá rất cao một người hiểu lễ tiết. Bởi người có thể chú tâm đến lễ tiết thì thường đều có sự ước thúc về hành vi, bản thân tâm cảnh của họ cũng sẽ trở nên cao thượng. Nếu trong tâm không có sự tôn kính mà chỉ hời hợt, lấy lệ, hay nịnh hót, thì kỳ thực cũng khó mà có thể che giấu được.

Trong cuộc sống của người hiện đại, nói đến lễ nghi, một số người trẻ tuổi sẽ cho là “rườm rà”, nhưng kỳ thực người càng lớn tuổi sẽ càng cảm nhận được sự sâu sắc của nét văn hóa truyền thống tốt đẹp này.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: Thế nào là người chồng tốt theo tiêu chuẩn của người xưa?