Tôi không viết nhầm đâu, “gà” chứ không phải “già”. Tôi nhìn thấy chúng trên cây hồng trụi lá.

Ở Đà Lạt, thỉnh thoảng tôi vẫn tìm đến quán cà phê hẻo lánh, ít khách du lịch lui tới. Quán ở xa khu trung tâm, nhỏ trông như quán vỉa hè, nhưng yên tĩnh, nơi tôi có thể đọc sách, có khi mang laptop ra làm việc. Quán tôi thường lui tới, nằm ở ngõ hẻm dưới chân đèo Prenn, trông xuống thung lũng. Quán vắng khách, đôi khi chỉ mình tôi ngồi đồng cả buổi.

Đối diện quán có cây hồng, những tháng cuối năm ngoái cây trơ trụi lá. Có đôi vợ chồng gà, tôi nghĩ thế, thường đậu trên cành cây. Đến quán buổi sáng tôi gặp, đến quán buổi chiều tôi cũng gặp. Chúng đậu bên nhau cả buổi, không tiếng gáy, không cục tác, yên lặng nhìn xa xôi về phía thung lũng. Tôi cứ tự hỏi, chúng đang nghĩ gì, có nghe được tiếng xe ngoài phố vọng lại, và có thật sự nhìn thấy thung lũng xa xôi ấy không…

Đôi vợ chồng gà
(Ảnh: Facebook Vũ Thế Thành)

Rồi năm giãn cách xã hội vì dịch Covid, thỉnh thoảng tôi cũng lên Đà Lạt, nhưng ít ra quán. Hôm ghé lại, quán đóng cửa. Cây hồng đang mùa mưa, lá xanh tươi, cành ra trái. Tôi đứng nhìn mãi, không thấy vợ chồng gà đậu trên cành cây nữa, nhìn quanh sân cũng không thấy. Chúng đi về đâu? Có thể đã vào nồi, có thể chết ở xó xỉnh nào đó.

Cây hồng đang xanh tươi, nhưng quán không còn, đôi vợ chồng gà không còn. Tôi nghĩ đến cái nhìn xa xôi của chúng, thấy như vừa mất đi điều gì đó.

Tuổi gà 3 năm, tuổi người trên dưới 70. Vạn vật đổi thay… Cõi nhân sinh, cõi đời đúng là cõi tạm. Vậy mà con người đấu đá, gièm pha nhau chỉ vì háo tiền, háo danh. Danh đáng sợ hơn tiền… Mệt quá!

Tôi chợt nhớ đến 2 câu thơ cuối trong bài “Tống Biệt” của Vương Duy:

“…Tôi đi, xin đừng hỏi
Mây trắng không ngừng bay”

Vũ Thế Thành

Đăng lại từ Facebook Vũ Thế Thành

Mời bạn đọc tìm hiểu thêm các tác phẩm của tác giả Vũ Thế Thành tại đây.

Xem thêm cùng tác giả:

Mời xem video: