Sáng sớm ngày 25/2, sau loạt đại bác bắn dồn dập, hai cánh quân Pháp tiếp tục tiến đến phía mặt chính Đại Đồn Chí Hòa.

Cánh quân đánh bọc hậu

Cuốn “Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ năm 1861” mô tả rằng:

“Mặt hậu tuyến của thành Chí Hòa có xây ụ phòng thủ nhô ra ở hai góc. Mặt hậu tuyến là một thành hẳn hoi, xây kín gọi là thành Giữa, dùng làm cổng sau cho cả doanh trại Chí Hòa; thành Giữa nằm trên đường ranh hậu tuyến.

Hai ụ phòng thủ hai bên và thành Giữa bảo vệ lẫn nhau. Tầm súng của địch trong thành có thể quét quân tấn công khi đến gần vùng ven biên, nơi mà quân ta phải xông vào, vùng ven biên được bảo vệ bằng hầm chông, hào và bàn chông trong khoảng rộng một trăm thước kể từ chân tường thành.”

Quân Pháp dùng thang đặt qua các hầm chông và cạm bẫy, cho quân tiến lên, nhờ có thang mà vượt qua được 6 hàng hầm chông và 2 hào sâu, đến sát được tường thành thì bị đánh chặn lại. Quân Pháp dùng lựu đạn ném vào trong, nhờ đó vượt qua được tường thành.

phong tuyen chua 1
Đại đồn Chí Hòa (màu cam); Bốn ngôi chùa bị quân Pháp chiếm làm đồn lính (màu vàng) nhằm tạo thành “Phòng tuyến các chùa”. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Cuốn “Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ năm 1861” tiếp tục mô tả:

“Quân An Nam ngưng đánh vì thấy rào gai bị phá thủng, rút xa vài phút trước khi quân Pháp ập vào, họ rút lui rất trật tự, thật chậm dọc theo bờ tường thành. Một nhóm quân lính của ta rượt theo, nhưng không ăn thua gì; vì địch quân rút hết vào một lớp thành khác trước khi quân Pháp đuổi tới.”

Cánh quân từ đồn Hữu tấn công

Cánh quân Pháp ở đồn hữu cũng tấn công, còn cách mặt chính Đại Đồn 2 cây số. Quân Pháp tiến từng chút môt trước sự chống trả của quân Việt. Đến khi cách mặt chính Đại Đồn 200 mét thì quân Pháp gặp phải bãi ruộng trống, nơi đây không hề có chỗ ẩn nấp, nhưng tướng Charner vẫn lệnh cho quân Pháp liều chết tấn công.

Khi quân Pháp còn cách mặt chính Đại Đồn 100 mét thì có rất nhiều cạm bẫy và chướng ngại vật. Quân Đại Nam trong đồn bắn ra khiến quân Pháp bị chết và bị thương nhiều.

Quân Pháp dùng thang cố vượt qua các hào ụ cạm bẫy, tiến đến chân thành, bị quân Việt bắn từ các lỗ châu mai. Quân Pháp dùng thang trèo vào, nhưng hầu hết các thang đều bị chém gãy, quân Pháp đứng trên vai nhau trèo được vào trong.

Đồn Chí Hòa và kỳ vọng ngăn bước quân Pháp của triều Nguyễn (P4)
Thủy binh đổ bộ Pháp và bộ binh Tây Ban Nha trèo vào chiếm đồn Kỳ Hòa. (Tranh: Manhhai, Flickr)

Cuộc chiến trong Đại Đồn diễn ra rất quyết liệt khi quân Pháp trèo được vào trong. Quân Đại Nam cố gắng chống đỡ trước vũ khí hiện đại của quân Pháp. Nguyễn Tri Phương trực tiếp có mặt chỉ huy quân sĩ phòng thủ, nhưng ông bị mảnh đại bác trúng người trọng thương. Em của Nguyễn Tri Phương là Lang trung Nguyễn Duy bị tử trận.

dai don chi hoa 222
Quân Pháp vượt qua thành lũy Đại Đồn Chí Hoà ngày 25/2/1861. (Tranh: Hinhanhlichsu.org)

Nhận thấy không thể chống cự lâu hơn, quân Đại Nam đành rút về đồn Thuận Kiều. Một số binh lính không rút kịp đã tử trận.

Quân Pháp không thể tấn công ngay vào đồn Thuận Kiều do bị thiệt hại nặng. Phải 3 ngày sau đến ngày 28/2, quân Pháp mới tổ chức tấn công vào đồn Thuận Kiều.

Đại tá Crouzat bị thương, nhưng quân Đại Nam không giữ được phải rút khỏi cả đồn Thuận Kiều, đồn Tây Thới (thuộc Hóc Môn ngày nay), đồn Rạch Tra (thuộc Củ Chi – Hóc môn ngày nay) chạy đến Biên Hòa. Trương Định cùng nghĩa quân tham gia trận chiến này từ đầu đến cuối, ông cho quân rút về Gò Công tiếp tục chống Pháp. (Xem bài: Chuyện về “Bình Tây đại nguyên soái” Trương Định)

don rach tra 1
Đòn Rạch Tra ở phía tây nam Đại Đồn Chí Hòa. (Tranh: Hinhanhlichsu.org)

Thiệt hại 2 bên

Về thiệt hại quân số, các nguồn sử liệu đều không thống nhất. Về thiệt hại của quân Pháp, khả tín nhất là cuốn sách “Lịch sử cuộc Viễn chinh Nam Kỳ 1861” cho rằng “300 người bị loại khỏi vòng chiến, 12 bị giết tại trận, nhiều người bị thương không cứu được”. Con số không cứu được là bao nhiêu thì không được ghi chép.

Theo sử liệu nhà Nguyễn thì Đại Nam có 1.000 quân tử trận, nhưng thực tế cuộc chiến cho thấy con số này phải nhiều hơn. Có thể 1.000 quân tử trận chỉ là quân chính quy của Triều đình, còn quân Nghĩa dõng, quân địa phương và nghĩa quân thì chưa được tính tới.

Tinh thần quân Việt

Dù sử nhà Nguyễn ít ghi chép về trận đánh này, nhưng những ghi chép của người Pháp đều đánh giá rất cao tinh thần của quân Đại Nam, mặc dù điều đó cũng không thể san bằng khoảng cách quá lớn về trang bị vũ khí.

Sĩ quan người Pháp Phillippe Aude đã viết trong 1 bức thư ngày 28 tháng 3 năm 1861:

“Những chiến lũy mà người Việt Nam dựng lên rất kiên cố đều bằng đất sét cốt tre… Quân Việt Nam rất can đảm… cũng như lòng khinh thường trước cái chết… Trong khi giao chiến họ dùng giáo, thứ khí giới này chỉ đâm được quân địch cách 4 thước, đó là 1 lối tự vệ rất can đảm, đến quân Tàu cũng chưa bao giờ nghĩ đến.”

(Theo “Nguyễn Tri Phương” của Phan Trần Chúc)

Sau trận đánh quân Pháp có gửi báo cáo, trong đó viết “người Nam dũng cảm hơn người Tây nhiều”.

Triều đình mất hy vọng chống Pháp, người dân Nam bộ khởi nghĩa

Đại Đồn Chí Hòa là niềm hy vọng của của Triều đình nhà Nguyễn nhằm ngăn quân Pháp. Nhận được tin thất thủ, Triều đình Huế không cam tâm, cấp tốc phái Nguyễn Bá Nghi đưa 4.000 quân đến chi viện, chỉ huy toàn quân chống Pháp.

Thế nhưng viên tướng này khi đến Biên Hoà, nghe tường thuật trận đánh thì cảm thấy vũ khí phương Tây hiện đại và mạnh hơn rất nhiều, nên tìm Charner xin nghị hòa rồi tâu về Triều đình rằng: “Việc nước ta ngày nay, trừ một chước hòa không có chước nào khác. Hòa thì không ổn rồi, nhưng trông mong sự khôi phục về sau”.

Thừa cơ, quân Pháp đưa quân chiếm luôn Định Tường. Bị Vua quở trách, Nguyễn Bá Nghi gửi sớ tâu rằng:

“Tình hình Biên Hòa suy yếu, đánh giữ đã không được, mà hòa lại không xong, xin giảm bớt quân thứ, phái người đi cầu viện nước khác. Nhà vua lại truyền dụ quở trách.”

(Theo “Quốc triều sử toát yếu”).

Triều đình nhà Nguyễn đặt cả hy vọng vào Đại Đồn Chí Hòa để ngăn Pháp, việc Đại Đồn thất thủ khiến nhà Nguyễn mất đi hy vọng. Sau đó nhà Nguyễn ký các hòa ước chấp thuận cho Pháp cả 3 tỉnh miền Tây rồi 3 tỉnh miền Đông. Tuy nhiên người dân Nam bộ không khuất phục mà nổi lên chống Pháp với rất nhiều cuộc khởi nghĩa trong thời gian này.

(Hết)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: