Dòng họ Nguyễn Cửu: Danh gia vọng tộc của triều Nguyễn (P2)

Sau Nguyễn Cửu Kiều, lớp lớp con cháu dòng họ Nguyễn Cửu đều là những trọng thần có những đóng góp to lớn đối với Triều đình và Giang Sơn Xã Tắc.

Nhà Thờ họ Nguyễn Cửu ở làng Vân Dương, Thừa Thiên- Huế. (Ảnh: Tạp chí sông Hương online)

Nguyễn Cửu Vân

Nguyễn Cửu Vân là con trai của Nguyễn Cửu Dực, cháu nội của Nguyễn Cửu Kiều. Ông có công lớn trong cuộc chiến chống Xiêm La, khai phá vùng đất Nam bộ, giúp dân chúng an cư lạc nghiệp.

Thời kỳ này Triều đình Cao Miên thường có biến loạn lớn, các thành viên Hoàng tộc vì tranh giành ngôi vị mà chém giết lẫn nhau. Quốc vương Nặc Thâm nghi ngờ Phó vương Nặc Yêm có ý chống lại mình nên đưa quân đến đánh, lại nhờ thêm cả quân Xiêm La (Thái Lan ngày nay) giúp.

Nặc Yêm không chống được phải chạy sang Gia Định cầu cứu Chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn sai Cửu Vân thống lĩnh quân thủy bộ tiến đánh Nặc Thâm.

Quân của Vân đến Sầm Khê thì gặp quân Cao Miên và Xiêm La ở đây, hai bên giao tranh lớn. Cửu Vân thắng lớn trận này, Nặc Thâm thua phải bỏ chạy sang Xiêm La. Cửu Vân đưa Nặc Yêm trở lại thành La Bích làm Vua của Cao Miên.

Chiến thắng của Nguyễn Cửu Vân trước Xiêm La, khiến cho Cao Miên chịu thần phục và chịu ảnh hưởng bởi Đàng Trong. Nhờ đó mà việc khai phá và di dân xuống phương nam của người Việt càng thuận lợi.

Sự kiện này “Đại Nam nhất thống chí” có ghi chép rằng:

“Nguyễn Cửu Vân: Là con của Nguyễn Cửu Dực, làm Chánh thống Cai cơ. Năm Ất Dậu thời Hiển Tôn (1705), nước Chân Lạp có nội loạn, Vân chỉ huy quân thủy và quân bộ của Gia Định đến dẹp yên, rồi đóng quân ở vũng Cù, hướng dẫn quân lính và nhân dân khai khẩn ruộng đất. Năm Tân Mão (1711) thăng Phó tướng dinh Trấn Biên.”

Sau chiến thắng này Cửu Vân đóng quân ở vũng Cù (có sách ghi là Vũng Gù), Cầu Úc, nay là giáp ranh các tỉnh Long An, Tiền Giang và huyện Long Hồ tỉnh Vĩnh Long. Ông hướng dẫn binh lính và dân chúng khai phá đất đai, lập ruộng, đào sông, đắp lũy bảo vệ vùng đất mới.

“Đại Nam liệt truyện” ghi chép lại rằng:

“Nước Chân Lạp đã yên, Vân bèn khai khẩn ruộng ở Cầu Úc (nay thuộc Định Tường) để cho quân và dân noi theo. Vân lại cho rằng giặc thường ngầm đến đất ấy, quấy rối phía sau quân ta, bèn đắp lũy dài từ quán Cai đến chợ Lương Phú, đào thông đầu nguồn hai sông Cầu Úc – Mỹ Tho, dẫn nước về làm hào ngoài lũy để việc phòng phòng thủ được nghiêm ngặt.”

Nguyễn Cửu Vân biến nơi đây từ vùng đất hoang vu thành nơi xóm làng trù phú, với vườn cây ăn trái và ruộng lúa bạt ngàn.

Cùng với việc mở đất, Cửu Vân là người tiên phong cho đào sông Trí Tường, sau này được gọi là sông hoặc kênh Bảo Định.

Với việc mở rộng vùng đất phía nam, người Việt di cư đến nơi đây ngày càng nhiều, nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của người dân rất cao, nhiều người đều tin tưởng vào Phật giáo. Nguyễn Cửu Vân đã cho xây dựng nhiều ngôi đền và chùa.

Theo “Đại Nam nhất thống chí” thì ông đã cho xây “đền Long Vương” “chùa Hộ Quốc”, việc sinh hoạt tín ngưỡng giúp yên ổn lòng dân nơi các vùng đất mới khai phá.

Năm 1711, Nguyễn Cửu Vân được thăng chức làm Trấn Biên doanh phó tướng (trấn Biên tức Biên Hòa) lo cho dân chúng an cư ở vùng đất mới. Lập được nhiều công lao, Nguyễn Cửu Vân được phong Chính thống Vân Trường hầu. Trong thời gian này hai con trai của ông là Nguyễn Cửu Chiêm, Nguyễn Cửu Đàm cũng có công lớn trong việc khai khẩn các vùng đất thuộc đồng bằng sông Cửu Long ngày nay.

Cửu Chiêm

Năm 1714, Nặc Thâm với sự trợ giúp của quân Xiêm tấn công lấy được thành La Bích. Nặc Yêm bị vây và phải cầu cứu quân chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Con trai của Cửu Vân là Cai cơ tả bộ dinh Bình Khương Nguyễn Cửu Chiêm cùng một người trong gia tộc là Nguyễn Cửu Phú và Đô đốc trấn Phiên (Gia Định) là Trần Thượng Xuyên đưa quân sang giúp Nặc Yêm, đánh tan quân Xiêm và quân của Nặc Thâm. Nhờ đó Đàng Trong tiếp tục duy trì ảnh hưởng đối với Cao Miên, giúp cho việc di dân về phương nam thuận lợi.

Khi Vua Cao Miên là Nặc Yêm mất, con trai là Nặc Ông Tha lên thay.

Năm 1731, có kẻ xúi giục người Khmer tấn công và thảm sát người Việt. Ban đầu quân Đàng Trong chống trả nhưng thất bại. Chúa Ninh phải cử Trương Phước Vĩnh, Nguyễn Cửu Chiêm, Trần Đại Định (con trai Trần Thượng Xuyên) đánh dẹp được quân Cao Miên.

Sau chiến thắng, Chúa Ninh cho đặt châu Định Viễn lập dinh Long Hồ, Nguyễn Cửu Chiêm lại cùng các binh sĩ có công khai phá vùng đất thuộc Vĩnh Long và Trà Vinh ngày nay.

Cửu Đàm

Con thứ 5 của Nguyễn Cửu Vân là Nguyễn Cửu Đàm giữ vai trò quan trọng trong Triều đình. Ông được phong là Hữu quân Phó tiết chế, tước Đàm Ưng hầu.

Vào năm 1771, Vua Xiêm La là Trịnh Quốc Anh đích thân đưa 2 vạn quân tiến đánh Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ không giữ được phải chạy đến trấn Giang (Cần Thơ ngày nay).

Triều đình hay tin cho Nguyễn Cửu Đàm thống lĩnh 10.000 quân tấn công thẳng vào Kinh thành Nam Vang của Xiêm và đánh bại quân Xiêm ở đây. Quân Nguyễn đưa Nặc Tôn trở lại làm Vua Cao Miên.

Sau đó Cửu Đàm định đưa quân tiến đánh lấy lại Hà Tiên, tuy nhiên Vua Xiêm là Trịnh Quốc Anh dọa sẽ phá hủy toàn bộ Hà Tiên nếu quân chúa Nguyễn tiến đánh. Hai bên phải đàm phán, quân chúa Nguyễn rút khỏi Nam Vang và quân Xiêm cũng rút khỏi Hà Tiên.

Bán Bích cổ lũy trên bản đồ Gia Định 1815 do Trần Văn Học vẽ. (Ảnh: Wikipedia, Public Domain)

Nguyễn Cửu Đàm đến Gia Định, sắp đặt lại hệ thống quan lại, cai quản vùng đất này. Bằng nhãn quan của mình ông cho xây dựng lũy Tân Hoa, sau này gọi la lũy Bán Bích dài hơn 8 km, nối hai đầu rạch Bến Nghé và rạch Thị Nghè, xuống đến cầu Bông, tạo một vòng cung, lập thành một thế trận phòng thủ vững chắc. Lũy Bán Bích là chiến lũy nổi tiếng trong lịch sử, sau này nhà Nguyễn dùng để phòng thủ trước sự xâm lăng của Xiêm La và quân Pháp.

Nguyễn Cửu Đàm cũng cho đào kênh Ruột Ngựa (Mã Trường Giang) giúp cho việc đi lại thông thương giữa Gia Định và các tỉnh miền Tây. Những công trình mà Nguyễn Cửu Đàm xây dựng trở thành cơ sở để hình thành nên thành phố Sài Gòn sau này.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video:

Trần Hưng

Published by
Trần Hưng

Recent Posts

Đừng đặt 3 thứ này cạnh bộ định tuyến của bạn để tốc độ internet được nhanh hơn

Vị trí đặt bộ định tuyến trong phòng cần được cân nhắc để tránh tình…

38 phút ago

Giá xăng tăng mạnh, lên sát 25.000 đồng/lít

Chiều nay (28/3), giá mỗi lít xăng RON 95-III tăng 530 đồng, E5 RON 92…

1 giờ ago

Ông Netanyahu giải thích lý do huỷ chuyến thăm tới Mỹ

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm thứ Tư (27/3) cho biết Israel đã hủy chuyến…

1 giờ ago

Thêm khách hàng bị mất gần 28 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng MSB

Một khách hàng chuyển vào tài khoản của Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) với…

2 giờ ago

Trung tướng Anh: Quân đội Anh sẽ chỉ trụ được hai tháng trước Nga

Quân đội Anh Quốc chưa được chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc chiến đấu…

3 giờ ago

Tỷ phú Elon Musk nêu rõ quan điểm về việc tài trợ cho Ukraine

Giám đốc điều hành SpaceX và Tesla, Elon Musk, đã nêu quan điểm của mình…

3 giờ ago