Nhà Nguyễn sau thời vua Tự Đức thì ngày càng suy yếu trước sự thống trị của người Pháp. Trong bối cảnh đó một Hoàng thân là Nguyễn Phước Hồng Cai dù không phải Vua nhưng có đến 3 con và 2 cháu lần lượt lên ngôi Vua.

Dù không phải Vua nhưng có 3 con và 2 cháu lần lượt lên ngôi Vua
(Tranh: Journal of an Embassy to the Courts of Siam and Cochin-China, John Crawfurd, Wikipedia, Public Domain)

Kiến Quốc công Nguyễn Phước Hồng Cai

Năm 1845, vua Thiệu Trị có được người con thứ 26 đặt tên là Nguyễn Phước Hồng Cai. Theo “Đại Nam liệt truyện”, Hồng Cai từ nhỏ đã chăm chỉ học hành, khi lớn được cấp phủ riêng, am hiểu kinh sử, là người nhân hậu, cần kiệm, tuân theo phép tắc.

Năm 1847, vua Thiệu Trị mất, truyền ngôi cho con là Nguyễn Phước Hồng Nhậm, hiệu là Tự Đức. Vua Tự Đức từ nhỏ bị bệnh đậu mùa nên sau này không thể có con, vì thế mà Vua chọn 3 người cháu làm con nuôi để sau này chọn một nối ngôi.

Ba người cháu này là Nguyễn Phước Ưng Chân, Nguyễn Phước Ưng Kỷ và Nguyễn Phước Ưng Đăng. Trong đó hai người Ưng Kỷ và Ưng Đăng là anh em ruột và đều là con của Nguyễn Phước Hồng Cai.

Thái tử nhà Nguyễn thiếu lễ nghĩa, bị truất ngôi ngay khi đọc di chiếu
Chân dung vua Tự Đức. (Tranh: Docteur Rieux, Wikipedia, Public Domain)

Năm 1865, Nguyễn Phước Hồng Cai được vua Tự Đức phong làm Kiến Quốc công. Theo lệ thì các Hoàng thân mới chỉ được phong làm Quận công, nhưng Hồng Cai học hành và kinh sử đều tinh thông nên được đặc cách phong làm Quốc công. Cũng trong năm này con trai trưởng của Hồng Cai là Nguyễn Phước Ưng Kỷ được vua Tự Đức chọn làm con nuôi và đưa vào cung.

Năm 1876 thì Hồng Cai mất, vua Tự Đức vô cùng thương tiếc, ban thụy là Thuần Nghị, lại cho thêm quan tài của Đông Viên để tỏ lòng yêu quý khác thường.

3 con và 2 cháu lần lượt lên ngôi

Đến năm 1883 thì vua Tự Đức mất, ngôi Vua được truyền lại cho cháu là Nguyễn Phước Ưng Chân. Tuy nhiên Ưng Chân có quan hệ chặt chẽ với người Pháp. Theo “Nguyễn Phước tộc” thì năm 1881 Ưng Chân chuyển nhiều tài liệu quan trọng về việc nước cho Trú sứ Pháp là Rheinart.

Các quan chủ chiến chống Pháp là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường lập mưu phế truất Ưng Chân, vì thế mà Ưng Chân lên ngôi 3 ngày thì bị giam, không được cho ăn uống nên chết đói. Cũng có nguồn cho rằng Ưng Chân nhịn ăn nên chết đói.

Tôn Thất Thuyết nắm quân đội trong tay đưa em vua Tự Đức là Hồng Dật kên ngôi, hiệu là Hiệp Hòa. Vua Hiệp Hòa buộc phải ký Hiệp ước Harmand bất bình đẳng với người Pháp, vì thế mà bị Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Trường phản đối. Vua Hiệp Hòa ra tay diệt 2 viên quan này, nhưng việc bị lộ, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường họp Triều đình phế truất Vua.

Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đưa con trai của Nguyễn Phước Hồng Cai là Nguyễn Phước Ưng Đăng lên ngôi Vua. Tuy nhiên Ưng Đăng mới chỉ 14 tuổi nên đã từ chối. Thuyết và Tường phải thuyết phục mãi Ưng Đăng mới đồng ý lên ngôi Vua vào tháng 12/1883, hiệu là Kiến Phúc. Đây là người con đầu tiên của Hồng Cai được lên ngôi.

Tuy nhiên đến tháng 7/1884 thì vua Kiến Phúc bất ngở mất khi mới 15 tuổi. Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đưa em của vua Kiến Phúc là Ưng Lịch lên ngôi, hiệu là Hàm Nghi, với quyết tâm chống Pháp. Đây là người con thứ 2 của Nguyễn Phước Hồng Cai được lên ngôi Vua.

Năm 1885, Tôn Thất Thuyết tấn công Tòa khâm sứ Pháp và đồn Mang Cá thất bại, quân Pháp đánh vào tận Kinh thành. Tôn Thất Thuyết phải đưa vua Hàm Nghi chạy đến Tân sở (Quảng Trị). Sau đó Vua bị Pháp bắt được và đày đến Bắc Phi.

Triều đình đưa Ưng Kỷ lên ngôi, hiệu là Đồng Khánh, đây là người con thứ 3 của Nguyễn Phước Hồng Cai lên ngôi Vua. Vua Đồng Khánh ở ngôi được 3 năm thì mất, thọ 24 tuổi.

Sau đó con và cháu nội của vua Dục Đức là Thành Thái và Duy Tân lần lượt lên ngôi. Đây là hai vị Vua chống Pháp, nên bị người Pháp bắt đi đày.

Năm 1916, con của vua Đồng Khánh lên ngôi, hiệu là Khải Định, đây cũng là cháu nội của Nguyễn Phước Hồng Cai và là người cháu nội đầu tiên của ông lên ngôi Vua nhà Nguyễn.

Sau khi vua Khải Định mất thì hoảng tử Vĩnh Thụy lên ngôi, hiệu là Bảo Đại, đây là người thứ cháu thứ hai của Nguyễn Phước Hồng Cai lên ngôi Vua. Bảo Đại cũng là vị Vua cuối cùng của nhà Nguyễn.

Thời vua Đồng Khánh, người Huế có câu:

Một nhà sinh đặng ba Vua,
Vua còn, Vua mất, Vua thua chạy dài.

Đây là chỉ nhà của Nguyễn Phước Hồng Cai có đến 3 người con làm Vua. “Vua còn” là vua Đồng Khánh, “Vua mất” là vua Kiến Phúc, “Vua thua chạy dài” là chỉ vua Hàm Nghi.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video “Cảnh giới cao nhất của giáo dục là gì?”: