Lâu lâu lại nghe thấy có người đề nghị đưa cái nọ cái kia vào chương trình. Lâu lâu lại nghe thấy thầy cô đề nghị môn này có chừng ấy tiết trong khi nó quan trọng phải tăng số tiết học lên thì chất lượng mới cao được…

Nghe có lý ghê.

Các bạn hãy xem những nội dung giáo dục dưới đây là thừa, thiếu hay đủ trong giáo dục của ta nhé:

  • Giáo dục môi trường
  • Giáo dục văn hóa cổ truyền
  • Giáo dục hiểu biết quốc tế
  • Giáo dục quyền trẻ em và con người
  • Giáo dục nghệ thuật
  • Giáo dục khoa học
  • Giáo dục sức khỏe và thể chất
  • Giáo dục đời sống
  • Giáo dục hòa đồng-giáo dục chống phân biệt đối xử
  • Giáo dục kinh tế và tài chính
  • Giáo dục luật pháp
  • Giáo dục hiến pháp
  • Giáo dục giới tính
  • Giáo dục chống nghèo đói

Ở Nhật, người ta đưa tất cả những cái trên vào chương trình giáo dục phổ thông!

Ồ! Nếu thế thì chương trình của họ phải khổng lồ với thời lượng khủng lắm nhỉ! Ở ta mà đưa tất cả vào thì chương trình nào chứa nổi, thời lượng đâu?

Nhầm to!

Vấn đề không nằm ở thời lượng!

Vấn đề là quan niệm và tư duy về chương trình và giáo dục. Nếu anh coi chương trình và thứ cụ thể nó là sgk là một cái bình để chứa đồ cứng nhắc và người làm chương trình, viết sách giáo khoa nhét các đồ vào đó để giáo viên tuần tự rút ra theo thứ tự sắp sẵn thì chưa cần nhét thêm gì vào, cái bình đó đã chặt quá và đang rạn vỡ.

Nhưng nếu anh coi đó là một cái bình không đáy, thần kì, đưa cái gì vào cũng được nhưng rút cái nào ra, chế biến thế nào, và thậm chí là giáo viên, trường học có thể tùy ý bỏ thêm đồ vật gì đó vào nếu họ thấy cần thiết thì sẽ thấy cái gì tốt bỏ vào cũng được. Nguyên liệu là như vậy, một số thành phần cơ bản trong bình là như vậy, nhưng chế biến thế nào, gia giảm món nào, thêm món gì là tùy giáo viên và nhà trường. Khi đó, thì học sinh mới có cơ hội học về tài chính, luật pháp, môi trường, nghiên cứu xã hội… đúng nghĩa.

Do sự lạc hậu về lý luận giáo dục và sự bảo thủ của nhiều người đang làm giáo dục (cứ nghĩ mình luôn đúng và không không chịu học hỏi) cho nên khái niệm “thực tiễn giáo dục” – một thứ tạo ra con đường đi sáng tạo cho giáo viên giữa chương trình-sgk-bài giảng + hoạt động giáo dục thực tế đã không được nhận thức sâu sắc và phát triển.

Kết quả: giáo viên hàng năm chỉ ngong ngóng xem chương trình sửa gì, sách giáo khoa đổi gì. Sau đó là vài buổi tập huấn qua loa và đa số quay về truyền đạt nội dung sgk thuần túy. Ai giỏi hơn thì truyền đạt khéo hơn, dễ hiểu hơn, minh họa tốt hơn mà thôi.

Lâu dần, giáo viên không hề có một ý niệm nào về chuyện tự chủ nội dung, phương pháp giáo dục, trở nên thụ động và lười biếng ngay từ tư duy.

1000 giáo viên ở 1000 trường dạy hệt như nhau về cơ bản. Ai cãi tôi cứ lấy giáo án, vở học sinh ở 1000 trường đó trong cùng môn mà so.

Vì thế, cũng có thể ta sẽ có 1000 học sinh giỏi ở 1000 trường. Nhưng cứ học xong là “auto” hết giỏi! Đơn giản vì không còn ai ra đề bài, luyện giải đề, giới hạn đề cương, so với đáp án và cho điểm 10 nữa. Thế là sự nghiệp học hành đi tong.

Trong khi hiện thực cuộc sống thì đang đặt ra vô vàn vấn đề. Nhưng buồn là rất nhiều học sinh giỏi, xuất sắc sau này đã không tìm ra đề để giải.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: