Minh Đức Mã hoàng hậu là vị Hoàng hậu duy nhất của Hán Minh Đế Lưu Trang thời Đông Hán. Trong lịch sử Trung Hoa, Mã hoàng hậu thường được đánh giá là một “Hiền hậu” đứng đầu. Trong “Tục liệt nữ truyện”, Mã hoàng hậu được tán dương là: “Về quán xuyến việc nhà thì nàng là mẫu hình cho mọi phụ nữ, về quán xuyến việc nước thì nàng là mẫu hình cho bậc mẫu nghi thiên hạ.”

Phụ thân của hoàng hậu Mã Minh Đức là Mã Viện, một danh tướng thời Đông Hán. Mặc dù đối với người Việt, Mã Viện là tướng xâm lược, nhưng đối với người Hán bấy giờ thì công nghiệp của ông rất lớn. Mã Viện phò tá Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú bình định thiên hạ, chiến công hiển hách. Tuy nhiên, ông đã đắc tội với con rể của Quang Vũ Đế Lưu Tú nên bị hãm hại.

ma vien thumbnail
Tượng Mã Viện tại núi Phục Ba, Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. (Ảnh: Gisling, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Người con gái thứ ba của Mã Viện tên là Mã Minh Đức. Bấy giờ cô bé tuy chỉ mới 10 tuổi nhưng đã đảm đương trọng trách quán xuyến mọi việc trong gia đình. Mã Minh Đức không chỉ có thể độc lập giải quyết mọi sự vụ to nhỏ trong nhà, mà còn có thể ung dung ứng đối ngoại giao với những gia tộc khác như là một người đã thành niên.

Vào năm 52 SCN, Mã Minh Đức lúc này 13 tuổi được tuyển vào trong cung. Sau khi nhập cung, nàng tận tâm trông nom phụng dưỡng Âm hoàng hậu. Đối với những người khác, nàng cũng dùng lễ nghĩa chu toàn. Năm 57, Hán Minh Đế Lưu Trang kế thừa ngôi vị. Mã Minh Đức dùng đức quản hậu cung nên được lập làm hoàng hậu, sử sách gọi là Minh Đức hoàng hậu.

Mã hoàng hậu không chỉ có nhân phẩm xuất chúng, mà còn rất tài hoa. Nàng có thể đọc thuộc Kinh Dịch và những kinh điển Nho gia truyền thống như: Xuân Thu, Sở Từ, Chu Lễ.

Mã hoàng hậu không can dự triều chính, nhưng đối với thế sự nàng vô cùng thông tỏ. Vào năm 70 SCN, Sở Vương Lưu Anh lập kế mưu phản. Sau khi sự tình bại lộ, Minh Đế không đành xử chết Lưu Anh, chỉ phế truất tước vị và lưu đày đến Đan Dương. Sau khi đến Đan Dương, Lưu Anh tự sát. Minh Đế cho rằng có người cổ động Sở Vương mưu phản, liền hạ lệnh điều tra cho rõ ngọn nguồn. Nhất thời số người bị liên lụy nhiều không kể xiết, nhiều quan đại thần lần lượt đứng ra khuyên ngăn nhưng Minh Đế căn bản là không nghe lọt tai.

Mã hoàng hậu biết rõ phần lớn những người bị bắt đều chịu oan khuất nên nàng vô cùng lo lắng. Một ngày nọ khi Minh Đế hồi cung, nàng nhân cơ hội mở lời với Minh Đế, khẩn thiết thỉnh cầu Minh Đế không cần làm lớn sự việc. Thấy vậy Minh Đế cảm động sâu sắc. Tháng Hai năm Minh Đế thứ 15, Minh Đế Lưu Trang ban lệnh đại xá thiên hạ, tội mưu phản mà trước đây không được liệt vào phạm vi đại xá thì giờ đây cũng được tính vào trường hợp được xử lý khoan hồng. Vụ án này có thể khoan dung mà không làm tổn hại nhiều sinh mạng, không thể không kể đến công lao của Mã hoàng hậu.

Cũng từ đó, Minh Đế mới phát hiện ra hoàng hậu có kiến giải độc đáo về chính sự. Khi gặp phải vấn đề mà các quan đại thần khó phán quyết, vua thường để Mã hoàng hậu hỗ trợ phân tích tình hình. Mã hoàng hậu phân tích sự tình thấu đáo, có ngọn có ngành, Minh Đế đều đối đãi rất trịnh trọng, điều này đã bổ sung rất nhiều khiếm khuyết trong việc triều chính. Nhưng Mã hoàng hậu chưa bao giờ nhắc tới chuyện gia tộc mình, ngay cả nỗi oan khuất của phụ thân Mã Viện.

Mã hoàng hậu bẩm sinh tính tình nhân hậu, khiêm cung tiết kiệm, bình dị dễ gần, không thích ăn chơi nhàn nhã. Thường ngày nàng mặc áo vải thô sơ, trừ khi có đại lễ quốc gia, còn lại nàng không hề ăn vận mặc quần áo lụa đắt giá. Phi tần trong hậu cung rất khâm phục Mã hoàng hậu.

Mã hoàng hậu không có con nên Minh Đế để nàng nuôi dưỡng Lưu Đát, con của Minh Đế và phi tần họ Giả. Mã hoàng hậu tận tâm nuôi nấng và dưỡng dục, quan tâm chu đáo tới Lưu Đát, mọi việc đều dốc sức tận tâm như người thân, tới nỗi thân thể mệt nhọc, tiều tụy, nhờ vậy mối quan hệ còn hơn cả ruột thịt.

Đức hạnh của bậc mẫu nghi thiên hạ
(Tranh: Public Domain)

Vào năm 75 SCN, Minh Đế tạ thế, thái tử Lưu Đát lên ngôi, lấy hiệu là Chương Đế. Mã hoàng hậu được tôn làm Hoàng thái hậu. Năm thứ hai sau khi Chương Đế trị vì, thiên hạ gặp đại hạn hán, một vài quan đại thần a dua nịnh hót nhân cơ hội này tấu trình lên triều đình rằng nguyên nhân của đại hạn hán là do chưa phong thưởng cho gia tộc của Hoàng thái hậu. Các quan đại thần thỉnh cầu Hoàng đế gia phong hầu tước cho ba người em trai của Hoàng thái hậu. Tuy nhiên, Mã hoàng hậu không đồng ý. Bà vì chuyện này mà gửi đi chiếu thư với lời lẽ nghiêm khắc, một lần nữa cự tuyệt phong hầu cho gia tộc họ Mã. Chương Đế đọc chiếu thư của mẫu thân, chỉ biết thở dài và hướng đến mẫu thân mà thỉnh cầu:

“Hán triều hưng thịnh, cữu thị được phong hầu cũng giống như hoàng tử được phong Vương, đó là việc nên làm. Mẫu thân quả thực khiêm nhường. Mẫu thân buộc con phải làm một hoàng đế không hiếu thuận với cữu phụ phải không? Huống hồ, trong số các cậu, một người thì lớn tuổi, hai người còn lại thì đau ốm. Nếu có việc không may xảy ra trước khi chưa được gia phong thì con đây chỉ biết ôm hận khắc cốt ghi tâm.”

Mã thái hậu đáp lại:

“Suy đi xét lại, mẫu thân không phải vì muốn khiêm nhường có được danh tiếng tốt mà buộc con phải mất danh tiếng, mà là Mã gia không có công lao gì đối với quốc gia. Huống chi nay gặp đại hạn hán, cuộc sống của bách tính còn đang khốn khổ, nếu phong thưởng cho họ hàng bên ngoại lúc này thì thật là trái với tâm ý của mẫu thân, đó mới là không hiếu thuận với ta. Nếu như con nhất định muốn sắc phong thì phải đợi tới khi âm dương hài hòa, biên cương yên bình.”

Bốn năm sau khi Chương Đế lên ngôi, quả nhiên lũ sớm năm đó không còn, ngũ cốc được mùa, biên cương cũng bình an vô sự. Chương Đế vui vẻ lập tức quyết định tấn phong tước hầu cho ba cậu.

Sau khi Mã hoàng hậu biết chuyện, nàng cho rằng làm người nên biết tiến, biết thoái, không nên có ý niệm xa hoa, hy vọng em trai có thể minh bạch nỗi khổ tâm của mình. Ba huynh đệ chỉ nhận phong hầu, rồi từ chức không tham gia vào chính sự.

Hầu hết hoàng đế thời đại Đông Hán đều lên ngôi từ khi còn nhỏ, Hoàng thái hậu còn trẻ nên thường phải nhờ đến họ hàng bên ngoại hỗ trợ việc triều chính. Duy nhất chỉ có Mã thái hậu là trường hợp ngoại lệ, nàng cấm chỉ họ hàng bên ngoại tham gia vào triều chính.

Mã Minh Đức một đời cần kiệm, khiêm tốn, gia giáo, thông hiểu đạo lý và lễ nghĩa. Vào năm 79 SCN, Mã thái hậu tạ thế vì đau ốm, lấy tên thụy là “Minh Đức”, hưởng thọ 41 tuổi. Việc triều chính hai triều đại Minh Đế và Chương Đế khá là sáng sủa, sử sách gọi là “trị vì minh bạch”. Tất nhiên trong đó có đóng ghóp lớn của Mã Minh Đức. Bởi vậy không lạ khi sử sách tán dương bà là “mẫu hình cho bậc mẫu nghi thiên hạ.”

Theo “Văn sử mạn đàm: Đức hạnh của bậc mẫu nghi thiên hạ”
Đăng trên Minghui.org

Xem thêm:

Mời xem video: