Khi dịch bệnh, thiên tai, nạn đói, chiến tranh xảy ra là khi các giá trị nhân văn, giá trị con người, sự tôn nghiêm của cá nhân dễ bị xâm phạm và chà đạp nhất vì rất dễ biện minh. Đại chúng cũng rất dễ đồng cảm và rất dễ bị thuyết phục khi họ phải đối mặt với sinh tồn của bản thân mình.

Cách ly, phòng dịch là cần thiết nhưng cũng nên tránh dùng các ngôn từ hay có các hành động làm tổn thương, kì thị người nghi nhiễm, người nhiễm covid-19. Không được hi sinh phẩm giá con người dưới nhãn mác “vì cộng đồng”. Tư duy hi sinh cá nhân vì cộng đồng bằng áp chế là một tư duy cực kì nguy hiểm.

Không hiểu sao tôi liên tưởng đến thi sĩ Hàn Mặc Tử và các văn nhân bị bệnh hủi, bệnh lao khác đầu thế kỉ XX. Chắc chắn họ đã rất cô đơn và khốn khổ. Người đương thời nhìn bệnh hủi hay lao có lẽ còn kinh và ghê tởm hơn người hiện đại chúng ta bây giờ nhìn covid-19.

Nước Nhật đã từng có một bài học xương máu đầu thế kỉ XX khi xảy ra động đất lớn ở Tokyo, người Nhật đồn đoán là người Triều Tiên là thủ phạm gây ra các vụ cướp trong cảnh hỗn loạn và kết quả là tất cả những ai bị “nghi là người Triều Tiên” đã bị phân biệt đối xử, bị đặt ra khỏi vòng pháp luật, bị tấn công bất chấp đạo lý, luật lệ. Nhiều nhà sử học gọi đây là một vụ “thảm sát”.

Rất nhiều người Nhật và người có quan hệ với người Triều Tiên đã bị giết, bị tấn công, bị chà đạp.

Sau 1945, những tội ác trên được lật lại và bàn luận, giảng dạy tới tận giờ.

Nâng cao ý thức cá nhân và cộng đồng rất quan trọng. Khi trò chuyện với nhiều người thân ở quê, họ cho biết thái độ của người dân ở quê với dịch bệnh rất thờ ơ cho dù ở quê sự di động dân số rất phức tạp. Rất đông người làm ăn xa, buôn bán đi lại khắp nơi kể cả vùng biên giáp Trung Quốc (có trường hợp sang cả bên kia biên giới), một số phụ nữ lấy chồng Trung Quốc, chợ phiên họp liên tục rất đông người.

Tuy nhiên, rất ít người đeo khẩu trang, có thói quen rửa tay khi từ ngoài về nhà. Đặc biệt giao tiếp ở quê rất thân mật và tiếp xúc rất gần. Chuyện bá vai bá cổ, ôm thơm trẻ con, dùng chung đồ đạc rất phổ biến. Làm cho người dân có ý thức thay đổi thói quen xấu để chống dịch không phải việc dễ.

Việc làm cho những người ở vùng có nguy cơ có ý thức trách nhiệm cũng rất khó.

Vì vậy cần thêm nhiều kênh thông tin, nhiều nguồn thông tin, nhiều cách truyền thông khác nhau để đến với người dân trong cuộc chiến chống kẻ địch vô hình này.

Sự hoảng loạn thường không đến khi có nhiều thông tin mà thường diễn ra khi trong thời gian dài không có thông tin sau đó đột ngột có thông tin xấu.

Vì là kẻ địch vô hình nên hầu như ai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân kể cả bác sĩ hay các bác áo trắng cổ cồn ngồi trong phòng lạnh.

Hãy giúp nhau khi có thể. Đừng bỏ mặc người mình có thể giúp. Đừng làm ngơ việc mình có thể làm.

Đừng để diễn ra tình trạng phải lùng bắt người nghi nhiễm và người nhiễm giống như bắt người vào trại tâm thần. Khi đó sẽ là thảm họa và đã là thảm họa sẽ không chừa một ai kể cả người đi lùng bắt và người ra lệnh bắt.

Ai dám nói to mình là người miễn nhiễm covid-19? Ai dám tự tin là không có chuyện mình nhiễm rồi vẫn vô tình làm lây người khác? Đơn giản vì như chuyên gia đã cảnh báo, có khi nhiễm cũng không có triệu chứng và triệu chứng của nó rất giống cảm cúm thông thường.

Chính quyền các địa phương đến từng làng, bản không nên sợ dân hoảng loạn. Hãy phổ biến tài liệu, thông tin về dịch, phòng dịch, các biện pháp cách ly, hiệu quả của cách ly (và hệ quả xấu nếu không tuân thủ) cho người dân hiểu. Khi dân hiểu họ sẽ thực hiện tốt hơn là đột ngột tiến hành các biện pháp mạnh khi dân không hiểu chuyện gì đang xảy ra và không hiểu rõ các biện pháp mạnh (miễn cưỡng phải làm).

Nguyễn Quốc Vương

Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả: