Từ khi còn bé tí xíu mình đã cố gắng làm tốt tất cả mọi việc thuộc bản thân, được phân công lẫn không bị giao. Mục đích duy nhất là để sau đó mọi người hài lòng thỏa mãn và để cho mình yên, đừng ai nói gì tới mình, đừng ai la mắng, kiểm soát, quản lý, để ý, săm soi, bình phẩm, để mình được tự do đọc sách, chơi với cây cỏ hoa lá côn trùng, ngắm trời đất trong những lúc rảnh rỗi hiếm hoi. Nhưng cái mong muốn duy nhất đó chẳng mấy khi mình đạt được. Toàn phải trốn chui trốn nhủi vất vả cực khổ mới được một thoáng tự do. Càng lớn hơn chút càng bị kiểm soát, quản lý chặt và dữ dội, không một lúc nào yên.

Ăn, mặc, ngủ, làm, học, bạn bè, vẽ, viết, chơi, nói, cười, tóc, nói chuyện… tất thảy đều phải nhất nhất theo ý người khác. Sai ý một tẹo nhỏ là bị la mắng, chê bai, chỉ trích, than thân, trách hờn, đánh chửi, nhiếc móc… Tất cả nhân danh sự quan tâm, chăm sóc, lo lắng, yêu thương. Đứa bé ngày xưa luôn cảm thấy bức bối, luôn muốn được giải thoát, bên trong luôn thôi thúc đòi tự do nhưng không biết làm thế nào hoặc diễn tả ra sao. Mình từng bỏ nhà đi năm lên năm tuổi. Rồi sau đó thường mơ mộng thoát ly. Chỉ mong nhanh lớn để không phải phụ thuộc. Mười ba tuổi bỏ nhà đi lần nữa. Những lúc quá ngột ngạt bế tắc mình luôn muốn chết. Nhỏ quá không biết cách nào nên buộc phải sống và chịu đựng.

Ý chí tự do bên trong mình, bên trong mọi đứa trẻ đều rất mạnh và luôn phản kháng cách này hay cách khác. Tùy theo gia đình, tùy vào cách hành xử của người sinh thành, nuôi dưỡng mà trẻ bị quản lý kiểm soát nhiều hay ít, có được tự do và yêu thương hay không. Tùy vào môi trường sống và những căn duyên mà trẻ vùng vẫy hay chịu đựng theo những cách khác nhau. Cách nào cũng đem lại sự tàn phá, tổn thương cho con. Có nhiều trẻ bị nhồi nhét dạy bảo rằng quản lý, kiểm soát, đặt điều kiện, áp chế, áp đặt chính là quan tâm, yêu thương. Đó là một cú lừa vĩ đại. Nếu rơi vào tình huống đó, không một đứa trẻ nào tránh khỏi cái bẫy tinh vi và chặt chẽ vòng trong vòng ngoài của gia đình cho đến xã hội. Tự do bị tước đoạt, chiếm hữu, chà đạp dưới danh nghĩa yêu thương. Không thoát khỏi, những đứa trẻ ấy lớn dần và ngộ nhận rằng quản lý, kiểm soát, áp đặt là yêu thương. Dĩ nhiên chúng tin và lặp lại trên con cháu. Vòng lặp lặp đi lặp lại hết thế hệ này sang thế hệ khác. Những thứ bất thường trở thành bình thường.

Mình thường nghe nhiều người, kể cả đã ngoài sáu mươi bảo rằng cho dù đã có gia đình riêng và ở xa nhưng mỗi khi họ về nhà với mẹ thì mẹ luôn chờ cửa khi họ ra ngoài. Họ thương mẹ và gọi đó là tình mẹ thiêng liêng. Thậm chí rất nhiều người sung sướng khoe vì nghĩ mình được yêu. Có đứa trẻ nào thực sự thoát được cái bóng của mẹ cha để trưởng thành, tự do, biết yêu thương thực sự là gì?

Những đứa trẻ ngày nay ngày càng trầm cảm trầm trọng hơn bởi chúng bị quản lý kiểm soát nhiều hơn, gông xiềng nhiều hơn dưới rất nhiều hình thức tinh vi hơn. Nặng nề, tổn hại, chúng nhảy lầu, nhảy cầu, ngơ ngẩn, ngu dại người đi, lao vào tệ nạn, phá nát cuộc đời cũng vì vậy.

Những người lớn như vậy lại thường quên tuổi thơ. Vì sao? Vì không muốn nhớ. Nếu nhớ nhiều thì không thể sống nổi nên buộc phải quên, buộc phải vẽ ra những câu chuyện sai sự thật để biện minh, chối bỏ. Bởi không một người nào không đau khi nhận thức được rằng mình không được yêu thương đúng cách. Họ buộc phải tự lừa dối rằng mình được yêu thương theo cách riêng của cha mẹ.

Mình gặp rất nhiều đứa trẻ đang tuyệt vọng. Chúng thôi thúc mình đi, làm việc và thề nguyện đem hết những ngày còn lại của đời này làm công việc thức tỉnh cha mẹ chúng. Hạnh nguyện của mình chỉ có bấy nhiêu. Mình gặp phải phản kháng từ những người cha mẹ đó, vì có mấy ai chịu nhận ra bản thân, chịu nhìn thẳng vào vết thương để chữa trị. Người ta đổ thừa xã hội, thể chế, môi trường, giáo dục… chớ mấy khi chịu nhìn đúng sự thật đang là.

Những đứa trẻ tự tử, những đứa trẻ sắp tự tử, những đứa trẻ bơ vơ không tìm thấy một người hiểu thấu luôn ở bên trong mình, thúc giục mình viết, nói thay cho chúng.

“Cô ơi, con muốn chia sẻ với cô để cô viết sách. Cô viết sao cho bố mẹ chúng con hiểu bọn trẻ nghĩ gì để họ thông cảm, thấu hiểu bọn con nghen cô!” Mình nhận lời và thế là mình trở thành du sĩ. Đi đến đâu cũng vừa được yêu vừa bị ghét. Đôi lúc muốn bỏ ngang kệ hết mọi thứ nhưng ánh mắt trẻ thơ vẫn dõi theo, những đứa trẻ tự tử trong thời gian qua vẫn luôn bên cạnh giúp đỡ tinh thần mình làm mình lại bật dậy và lao vào thuyết phục những người lớn.

Đừng làm tổn thương con nữa! Hãy ngừng nhân danh tình yêu. Những đứa trẻ sẽ được hạnh phúc trong gia đình thực thụ. Chúng luôn nhìn thấy sự thật, luôn thông minh và tài năng tột bậc. Chúng ta mới là những người cần phải học chúng để biết yêu thương.

Nguyễn Thị Bích Ngà

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả

  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Những tổn thương vô tình gây cho con” tại đây

Xem thêm cùng tác giả:

Mời xem video: