Nhiều người ở Việt Nam cứ sợ đọc sách sẽ thành “mọt sách”. Ừ, thì cứ giả sử “đọc sách => mọt sách” thật đi! Nhưng ở Việt Nam, nơi chữ viết hình thành rất muộn, sách được người Việt viết ra rất muộn và chỉ có một bộ phận nhỏ dân số đọc sách, có sách trong nhà thì lấy đâu ra “mọt sách”?

Không tin các bạn thử vào bảo tàng, thư viện tìm thử xem cuốn sách cổ nhất mà người Việt Nam đọc, viết còn lưu giữ được đến nay là cuốn gì, viết bao giờ, ai là tác giả nhé!

Sau đó ta nhìn ra xung quanh xem bao nhiêu gia đình có tủ sách, thư viện trong nhà? Số sách có trong nhà là bao nhiêu?

Bao nhiêu lâu đài, biệt phủ mọc lên những năm vừa qua bên trong có không gian gọi là “thư viện”?

Thứ chữ mà người Việt dùng hiện nay cũng rất non trẻ tính từ khi khai sinh. Nếu tính từ mốc những tác phẩm đầu tiên do người Việt viết bằng chữ quốc ngữ đến nay thì lại càng… non trẻ nữa.

Nếu không tin bạn cứ tìm đọc lại lịch sử chữ quốc ngữ và lịch sử văn học Việt Nam mà xem. Mỏng lắm!

Trong cuốn “65 bí kíp đọc sách dành cho mọi người” tôi dành rất nhiều trang để phân tích về hình ảnh “mọt sách” là vì vậy!

Mọt sách mà người Việt thường chỉ trích thật ra không phải là người chăm đọc sách và đọc nhiều sách! Họ đúng ra chỉ là những anh học trò bám mãi vào sách giáo khoa, sách giáo trình và những thứ được thầy cô dạy rồi học thuộc lòng mà thôi. Có đọc gì ngoài những thứ đó đâu?

Trong quá trình khuyến đọc tôi đã từng gặp rất nhiều người yêu sách vở, đọc sách điên cuồng nhưng chưa từng gặp một ai là “mọt sách” theo nghĩa tiêu cực cả. Nghĩa là “đọc sách nhiều và vô dụng”. Quả thật chưa từng thấy ai!

Nếu ai tìm thấy một kì nhân nào đọc hàng nghìn cuốn, sở hữu hàng chục vạn cuốn sách trở lên mà vô dụng thì nhắn cho tôi, tôi sẽ đến gặp để “giải cứu”. Nghĩa là tôi sẽ mang xe đến xin hết sách của kì nhân đó về để kì nhân ấy… hoàn lương.

Xét trong lịch sử, Việt Nam chưa bao giờ hình thành được một cộng đồng đọc sách rộng lớn, một tầng lớp “mọt sách” đúng nghĩa. Những “mọt sách” như Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi… chẳng phải là nhiều và không phải là dòng chảy chính!

Nếu là dòng chảy chính thì Chu Thuấn Thủy đã chẳng phải rời Hội An đi trong tâm trạng chán chường dường ấy và các cụ nhà ta đã chẳng bị người Nhật mắng là người Pháp đến An Nam lâu chừng ấy rồi mà các ông vẫn chẳng ai nói được tiếng Pháp.

Có một số liệu rất thú vị để so sánh. Các bạn hãy vào các trang web chính thức của các thư viện quốc gia để xem mỗi thư viện quốc gia ở mỗi nước (có tên gọi khác nhau) sở hữu bao nhiêu cuốn sách. Thử so sánh Thư viện quốc gia của ta so với Nhật, Mỹ (thư viện quốc hội) xem. Thú vị hơn nữa khi so sánh với một số nước nhỏ hơn ta nhiều như Ukraine.

Nguyễn Quốc Vương

Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: