Đời người tụ hợp ly tán, phúc họa sớm tối thường khiến người ta đau khổ. Nhưng nếu có thể dùng tâm bình thường mà đối đãi với hết thảy sự tình nơi thế gian thì nhân sinh sẽ trở nên bình yên và thản đãng vô cùng.

Dùng tâm bình thường đối đãi là cảnh giới cao thượng
(Ảnh minh họa: Aphotostory, Shutterstock)

Hoằng Nhất pháp sư tên tục là Lý Thúc Đồng, sinh ra trong một gia đình giàu có. Ông là nghệ thuật gia tài năng hơn người, là tài tử phong lưu. Ông am hiểu rất nhiều lĩnh vực như thư pháp, hội họa, âm nhạc, hí kịch, văn học và cũng đóng ghóp được một số thành tựu. Nhưng đúng vào lúc nổi danh như mặt trời giữa ban trưa, có thể hưởng vinh hoa phú quý, thì Lý Thúc Đồng lại vứt bỏ hết thảy những hưởng thụ nơi thế tục, cạo đầu làm tăng, tự lấy pháp danh là Hoằng Nhất.

Dù là xuất thân như vậy, nhưng sau khi xuất gia nhiều năm, chăn mền, quần áo của Hoằng Nhất đều là đồ đã mua từ trước khi xuất gia. Phòng ông ở vô cùng mộc mạc, chỉ có một giường, một tủ và một chiếc bàn. Ông giữ giới rất nghiêm khắc, mỗi ngày đều ăn uống vô cùng đơn giản, không tích giữ tiền, hiếm khi nhận đồ cúng dường.

Đầu thu năm 1925, pháp sư Hoằng Nhất vì tình hình chiến tranh mà bị mắc kẹt ở chùa Thất Tháp, Ninh Ba. Một ngày, người bạn thân Hạ Cái Tôn đến thăm ông. Khi nhìn thấy Hoằng Nhất ăn cơm với dưa muối thì Hạ Cái Tôn không đành lòng, liền hỏi: “Món dưa muối này không quá mặn chứ?” Hoằng Nhất pháp sư đáp: “Mặn có hương vị của mặn”.

Sau khi ăn cơm xong, Hoằng Nhất lại rót một cốc nước sôi uống. Hạ Cái Tôn lại hỏi: “Không có trà sao? Sao có thể bình thản uống nước sôi được?” Hoằng Nhất pháp sư cười nói: “Nước sôi mặc dù nhạt, nhạt cũng có hương vị của nhạt.”

Chính vì có một bình thường tâm đối đãi với vinh hoa phú quý, có một bình thường tâm đối đãi với những điều đạt được trong đời, Hoằng Nhất pháp sư mới có thể đạt được cảnh giới không màng danh lợi, không ham hưởng thụ của người xuất gia. Người xuất gia chính là thế, ngay cả ăn uống cũng không chấp nhất vào hương vị, chỉ thuận theo tự nhiên, có gì ăn nấy là được. 

Cổ ngữ có câu: “Vân tại thanh thiên, thủy tại bình”, mây ở trời xanh, nước ở bình. Đây là một câu kệ thời xưa, cũng ẩn chứa trí tuệ của người tu luyện. Nó là một trạng thái đạm bạc mà cao xa, xuất phát từ sự hiểu biết rõ ràng về thực tại, là sự tĩnh lặng và bình yên, là sự sáng suốt và bình thản sau khi đã nhìn thấu nhân thế. 

Người có được tâm bình thường, khi đối đãi với hoàn cảnh xung quanh sẽ làm được “không vì vật chất mà vui vẻ, không vì bản thân mà bi thương”, đối đãi với mọi người xung quanh “không quan tâm hơn thua, đi hay ở là tùy duyên”, như thế nội tâm của họ cũng liền được yên bình.

Lấy bình thường tâm đối đãi với hết thảy vinh nhục cũng không phải là sự cam chịu nhu nhược, không phải sự trốn tránh tiêu cực bất đắc dĩ, cũng không phải là bất cần thế sự, mà là sự thăng hoa của trí tuệ nhân sinh. Điều này đòi hỏi một người cần phải trải qua tu hành, cần phải trải qua ma luyện mới đạt được.

Trong sách “Thái căn đàm” viết rằng: Thường đặt thể xác và tinh thần của mình ở hoàn cảnh thanh nhàn không ưu lo thì tất cả vinh hoa phú quý và thành bại được mất đều không thể chi phối được. Nếu thường đặt thể xác và tinh thần của mình ở hoàn cảnh an tĩnh thì công danh lợi lộc và thị thị phi phi nơi nhân gian sẽ không thể che mờ và lừa gạt được.

Phàm lại mọi việc, nếu có thể dùng bình thường tâm để đối đãi, tĩnh tại dù là như mây trên trời cao hay như nước ở trong bình, thì cho dù không thể thay đổi được vận mệnh của bản thân cũng có thể điều chỉnh được tâm thái của mình đạt đến trạng thái tốt nhất, lĩnh ngộ được những đạo lý đúng đắn trong cuộc đời.

Trong “Đạo Đức Kinh” có giảng một câu đại ý là: Vinh hay nhục cũng làm người ta lo âu. Vinh là ở ngôi cao, nhục là ở địa vị thấp. Được cũng lo, mất cũng lo. Vì thế nên nói: Vinh nhục đều lo. Ta sở dĩ phải lo âu nhiều, chính vì ta có thân. Nếu không có thân thì ta đâu có lo.

Bởi vậy Đạo gia giảng “vô”, quên đi bản thân, quên đi vinh nhục, đạt đến cảnh giới “vô” thì sẽ không sinh ra những muộn phiền. Người sinh ra trong cõi hồng trần nên bị danh lợi tình nơi hồng trần vây khốn. Một người bình thường thì rất khó để vượt thoát ra ngoài được. Nhưng nếu một người chú tâm tu dưỡng thì có thể đạt đến cảnh giới giữ tâm bình thường, làm được không quan tâm hơn thua, không lo được lo mất.

Cổ ngữ có câu, xuân có trăm hoa thu có trăng sáng, hạ có gió mát, đông có tuyết trắng, nếu trong tâm không có phiền lo thì lúc nào cũng là thời điểm tốt nhất nơi thế gian. Đời người như con đường một chiều, có phúc họa sớm tối, cho nên giữ được tâm bình thường để đối đãi với hết thảy “mặn nhạt” nơi thế gian mới là cảnh giới cao thượng.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: