Có thể tự biết đủ là trí huệ của kiếp nhân sinh, là tấm lòng rộng mở khoáng đạt, là cảnh giới của bậc cao nhân. Không tham cũng là bí quyết bảo toàn bản thân giữa dòng đời vẩn đục.

Có một câu chuyện thâm thúy trong cuốn sách giáo khoa tiểu học như thế này:

Trong bình có kẹo, đứa trẻ thò tay vào bình lấy kẹo, nắm cả một vốc. Miệng bình nhỏ không cách nào rút tay ra được, cố rút thì đau tay, sợ quá khóc ầm lên. Mẹ nói: “Con đừng tham nhiều, lấy ít đi vài cái thì có thể rút tay ra được”.

Câu chuyện này dù ngắn nhưng lại hàm chứa triết lý nhân sinh phong phú.

“Đừng tham nhiều” là khả năng ước thúc đạo đức cần được dưỡng thành từ nhỏ, dạy con trẻ biết tiết chế, nhận và xả, từ việc suy ngẫm và phán đoán có thể phân định được giới hạn của sự tham lam. Nếu ngay từ nhỏ đạo lý “Đừng tham nhiều” đã được khắc cốt ghi tâm, thì con người sẽ biết dừng lại trước những giới hạn đạo đức của cuộc sống. Con người sẽ biết kính sợ, mà không mê mờ tới quên mất cả bản thân mình.

biết đủ
(Ảnh minh họa: SantiPhotoSS, Shutterstock)

Cổ nhân có câu: “Đại dục dịch thất mệnh”, nghĩa là “Tham lam lắm dễ mất mạng”. Dục vọng của con người như chiếc thùng không đáy, biết đủ mới có thể hạnh phúc bền lâu. Nếu vẫn luôn phóng túng dục vọng của mình, thì ngược lại cuối cùng sẽ bị dục vọng nuốt chửng, bị dục vọng xui khiến mà đánh mất bản tính của mình.

Trong cuốn “Tăng quảng hiền văn” có đoạn mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc như sau: “Ruộng tốt vạn khoảnh, ngày cũng chỉ ăn một đấu. Điện đài ngàn gian, đêm cũng chỉ ngủ tám thước. Chim tiêu liêu làm tổ trong rừng, cũng chỉ cần một nhánh cây. Chuột chũi uống nước sông, cũng chỉ cần đầy bụng”. Giữ mình không tham thì thường lại an ổn, tranh đoạt của người thì ắt sẽ thiệt thòi.

Con người được chia ra là kẻ phàm nhân và bậc trí tuệ, thì trọng yếu nhất thường bởi một chữ “Tham”. Diệt trừ tham dục là một trong những chuẩn tắc làm người.

Về tình yêu, phải biết nói “Đủ” với bản thân mình. Reo rắc tình cảm khắp chốn thì gọi là phong trần đào hoa, yêu đương tứ bề thì gọi là lăng nhăng.

Về tiền bạc cũng phải nói “Đủ” với bản thân mình. Tiền không phải là thứ vạn năng, nhưng không có thì không làm được gì. Vậy nên ham thích kiếm tiền, kiếm bộn tiền, là cố tật của hầu hết mọi người. Nhưng có một nguyên tắc trong việc kiếm tiền: nhất thiết không được tham lam tới mức không biết mệt mỏi, dục vọng khó lấp đầy. Tiền đủ tiêu rồi, giàu có sung túc rồi thì hãy bước chậm lại và làm nhiều việc thiện hơn để báo đáp xã hội.

Khi được thăng quan phát tài cũng phải biết nói “Đủ” với bản thân. Lẽ thường người đời hay nghĩ quan càng to thì càng tốt. Kỳ thực nếu năng lực, trí tuệ, khát vọng, trình độ và tài thao lược đều không đủ để duy trì ngôi cao của bản thân, vậy thì không chỉ làm quan sẽ khó chịu, nói không chừng còn tự mang nhục vào thân, thậm chí chuốc lấy hoạ sát thân. Cho nên, người ham thăng quan tiến chức cũng phải dừng lại khi thích hợp, gặp thời thế cũng cần thu mình lại.

Trong việc làm ăn cũng phải nói “Đủ” với bản thân. Vinh dự là sự thừa nhận của xã hội và dân chúng về thành tựu và cống hiến của một cá nhân nào đó. Nhưng chúng ta cần làm được người thực việc thực, danh hữu kỳ thực, lại phải chú ý không được nuôi dưỡng tâm cao khí ngạo. Do vậy bậc trí giả dám cự tuyệt mũ cao ngôi cao, cảnh giác với những lời mật ngọt, dũng cảm nói không.

Về thọ mệnh, cũng phải biết nói “Đủ” với bản thân. Con người ai cũng hy vọng được trường thọ, nhưng lời chúc mừng “Vạn thọ vô cương” ngẫm ra thật nực cười, bởi lẽ trường thọ trăm tuổi còn ít người dám mong. Tâm thái lạc quan là khi bước tới thời khắc cuối cùng của cuộc đời, khi quay đầu nhìn lại chuyện xưa cũ, chúng ta có thể tĩnh lặng, an hoà, trong tâm cảm kích và cảm thấy mãn nguyện: “Đủ rồi, ông Trời đối với ta không bạc, kiếp này coi như ta không đến đây vô ích.”

“Biết đủ thường vui”, trí huệ của cổ nhân tới ngàn năm sau vẫn còn nguyên giá trị.

Theo Sound Of Hope
Thiên Cầm biên dịch

Xem thêm:

Mời xem video: