Xưa nay, bất kể trường phái chính đạo nào đều tôn sùng “bình tâm tĩnh khí”. Từ Phật gia, Nho gia, Đạo gia cho đến y học, võ thuật, trị quốc đều đề cao sự tĩnh lặng của nội tâm con người. Có thể thấy phẩm chất này có tầm quan trọng rất to lớn trong nhân sinh quan của người xưa.

bình tâm tĩnh khí
(Ảnh minh họa: Thampitakkull Jakkree, Shutterstock)

Phật gia có câu: “Do giới nhi định, định năng sinh tuệ”, ý nói rằng khi tuân thủ những giới cấm được quy định thì người tu hành mới có thể định lại được, định lại được rồi thì mới có thể sản sinh ra trí tuệ. Định ở đây chính là tâm có thể tĩnh lại, không có ý niệm hay ngoại cảnh nào còn chi phối được nữa.

Đạo gia thì cho rằng “Lấy động dưỡng thân, lấy tĩnh dưỡng thần”, tĩnh khắc thiên địa rộng lớn, tĩnh chí ổn định, tâm tĩnh thần minh.

Trong cuốn Kinh Lễ của Nho gia lại giảng:

Đạo của Đại Học là ở chỗ làm sáng tỏ đức sáng của mình, làm mới đức sáng của dân và đứng vững ở chỗ chí thiện. Biết chỗ đứng vững rồi sau mới có thể định, định rồi sau mới tĩnh, tĩnh rồi sau mới an, an rồi sau mới có thể suy nghĩ, suy nghĩ rồi sau mới đạt được. Vạn vật đều có gốc có ngọn, sự việc đều có đầu có cuối, biết được cái gì trước cái gì sau là gần với đạo vậy.

Đông y có câu: “Tinh thần nội thủ, bệnh tòng an lai”, ý nói, tinh thần mà giữ cho được nguyên vẹn, thì sẽ không có bệnh tật.

Quyền thuật thì cho nói rằng: “Động tắc như long hổ, tĩnh do cổ phật tâm”, tức là động tác thì mạnh mẽ như rồng như hổ, nhưng cái tâm tĩnh lại là tâm hướng Phật, là cái tâm của một người tu hành.

Binh gia có câu: “Đạo làm tướng, trước hết phải giữ được tâm, núi Thái Sơn sụp đổ ngay trước mắt mà sắc mặt không thay đổi, con nai có nhảy múa bên cạnh thì mắt vẫn không liếc”.

Văn nhân lại nói: “Tĩnh quan vạn vật”, ý nói tĩnh lặng để quan sát vạn vật.

Cảnh giới của “tĩnh” khiến người tu luyện đạt được thông tuệ, khiến người quân tử tu thân, khiến tướng lĩnh khắc địch chế thắng, khiến văn nhân có được linh cảm, khiến người bệnh tìm lại sức khỏe của chính mình… có thể nói là diệu dụng vô cùng.

Bình tâm tĩnh khí không chỉ là một loại tu dưỡng, mà là một loại trí tuệ, một loại sách lược. Đứng trước một việc, người có “tĩnh khí” gặp nguy mà không loạn, có thể hóa giải khó khăn. Người “loạn khí” thì việc dù tốt đẹp đến mấy cũng có thể làm hỏng.

Có một câu chuyện rất đặc biệt về đạo “tĩnh khí” như thế này:

Tiền Tần vương dẫn 100 vạn đại quân đánh Đông Tấn. Vương triều nhà Tấn lâm vào nguy hiểm khiến cả vua và dân đều hoang mang lo lắng. Lúc ấy, quân Đông Tấn chưa đến 10 vạn binh sĩ phải chống cự lại 100 vạn binh sĩ dũng mãnh của quân Tiền Tần, tình thế không thể nói là không nguy kịch.

Tạ An với thân phận là đại đô đốc phụ trách quân sự trong tình cảnh ấy lại không một chút hoang mang, còn mời người bạn thân nhất của mình đến, lên núi thản nhiên chơi cờ vây.

Còn Hoàn Xung, người được xưng là “Giang Biểu vĩ tài” nhìn thấy Tạ An hoàn toàn không quan tâm đến quân tình nên lo lắng nói với tuớng sĩ: “Tạ An là người hiểu biết rộng nhưng lại không biết đánh giặc. Nhìn thấy đại quân đang ở vào tình thế vô vàn nguy hiểm mà vẫn có thể nhàn rỗi, thản nhiên chơi cờ. Triều đình phái một người không có kinh nghiệm gánh vác trọng trách lớn như thế, quả là dùng người sơ suất.” Hoàn Xung còn quả quyết rằng sự chênh lệch quá xa về binh lực như vậy chắc chắn khiến quân Tấn đại bại trong giây lát.

Không ai ngờ, trong lúc Tạ An đang du sơn ngoạn thủy, chơi cờ với bạn, ông đã bình tĩnh triệu tập tướng lĩnh, bố trí quân sự cơ mật. Đồng thời, ông còn thông báo cho Hoàn Xung tăng mạnh binh lực, phòng thủ phía Tây.

Quân Đông Tấn và Tiền Tần đại chiến ở Phì Thủy, Tạ An bố trí sách lược đánh địch, khiến Đông Tấn chiến thắng Tiền Tần trong thế “lấy ít thắng nhiều”, tạo nên kỳ tích. Sau khi tin tức quân Đông Tấn chiến thắng truyền về, Tạ An vẫn đang thản nhiên chơi cờ. Ông nhìn lướt qua tin chiến thắng rồi tiện tay đặt tờ cấp báo sang bên cạnh, tiếp tục chơi cờ với vẻ mặt không đổi sắc.

Trái lại, người bạn đang chơi cờ với ông vội vàng hỏi: “Tình hình chiến sự thế nào rồi?”

Tạ An chậm rãi nói: “Là bọn trẻ đã đánh thắng rồi!”

Từ xưa đến nay, các bậc thánh hiền đều là những người đại khí, càng gặp chuyện “kinh thiên động địa” thì càng có thể “tĩnh tâm như nước”, giải quyết vấn đề một cách bình thản.

Năm xưa Gia Cát Lượng viết thư dạy con trai rằng: “Người quân tử là lấy tĩnh lặng để tu thân, lấy cần kiệm để dưỡng đức, không đạm bạc thì chí không sáng, không tĩnh thì không thể nhìn xa được”. Con người thường vì những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống mà làm vướng bận tâm can, thậm chí còn suy nghĩ không ngừng, bị cái tình và dục vọng kìm hãm, không thể dùng lý trí mà nắm giữ chính mình, không thể thấy rõ chân lý của sự vật. Chỉ khi bình tâm tĩnh khí, con người mới có thể làm chủ được bản thân mình, mới có thể chuyên chú mà suy nghĩ vấn đề, mới có thể có được trí tuệ để đối diện với mọi việc.

“Tĩnh khí” này kỳ thực cũng không thể tự nhiên sinh ra mà phải trải qua quá trình tu luyện, hàm dưỡng mới có được. Trong cuộc đời, đứng trước mỗi việc phải “ít đi một chút xao động, nhiều hơn một chút tĩnh khí” thì mới có thể gặp nguy hóa an, gặp dữ hóa lành, không gì có thể làm bản tâm nhiễu loạn.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: