Lúc đó là giữa tháng 3 năm 1975, vợ, chồng tôi và năm con nhỏ, từ hai tuổi đến tám tuổi, đang sống ở Đà Lạt. Chúng tôi cùng là giáo chức, dạy học tại trường Trung Học Trần Hưng Đạo và may mắn có được một căn nhà của Tòa Thị Chính Đà Lạt, nằm trong cư xá trường Trần Hưng Đạo.

Kể từ khi Ban Mê Thuột thất thủ vào đầu tháng 3 năm ấy, tình hình suy sụp rất nhanh, tới khi ông Tổng Thống Thiệu ra lệnh bỏ vùng cao nguyên Pleiku, Kontum và rút về miền duyên hải thì dân chúng Đà Lạt đã hoang mang tột độ. Chỉ còn một trong hai con đường là ở lại với cộng sản hoặc chạy về nam thôi.

Vào trường, chẳng ai còn tâm trí nào mà dạy học nữa, chỉ xôn xao hỏi nhau đi hay ở, mạnh người nào người nấy tính chuyện của mình. Thành phố bỏ ngỏ, trường học bỏ ngỏ. Quốc lộ 20, con đường huyết mạch nối liền Đà Lạt – Sài Gòn, đã bị quân cộng sản cắt ở Đèo Chuối. Mới hồi đầu tháng 3 tôi về Sài Gòn để dự kỳ thi do Nha Khảo Thí, Bộ Giáo Dục tổ chức để tuyển người về học điện toán còn trở về Đà Lạt bằng xe Minh Trung mà không gặp chuyện gì cả.

Đường phố vắng tanh, đâu đây vài tiếng súng nổ lác đác. Một buổi tối, vào lúc đêm khuya, có vài tràng súng nổ vang làm mọi người trong cư xá bàng hoàng tỉnh giấc, hốt hoảng. Phía bên kia đã xâm nhập thành phố rồi đấy.

Tôi và nhà tôi đều đồng ý đưa gia đình về nam. Cả hai cùng có thân nhân ở Sài Gòn. Nhưng đi bằng cách nào? Đường bộ đã bị cắt. Văn phòng hãng Hàng Không Việt Nam không còn bán vé, không còn chuyến bay nào nữa. Ai cũng phải lo cho bản thân và gia đình, mọi dịch vụ đều đình lại. Chỉ còn con đường bộ đi xuống miền duyên hải, Phan Rang, Nha Trang mà thôi, rồi đi hỏi vé tàu bay, hoặc tìm ghe đi Vũng Tàu.

Nhưng tới Phan Rang, Nha Trang rồi ở đâu, bà con không có, lếch thếch mang theo năm đứa con nhỏ dại trong cảnh loạn lạc như thế này? Tôi chợt nhớ có một người bạn thân tên Diệm trước cùng học ở Đại Học Sư Phạm Đà Lạt, cùng thuê chung phòng trọ với tôi trong hai năm và hiện là giáo sư Triết ở trường trung học Võ Tánh, Nha Trang.

Đúng lúc ấy có vợ, chồng anh, chị bạn đồng nghiệp là anh Bình và chị Huệ cũng đang dự tính chạy về Phan Rang để tạm trú ở nhà một người chị ruột của chị Huệ, và rủ chúng tôi cùng đi. Gia đình anh Bình, chị Huệ chỉ có bốn người, chúng tôi lại có hai chiếc xe gắn máy Honda để vợ chồng tôi cùng đi dạy tư thêm. Dự tính là tôi sẽ chạy một cái, cháu anh Bình sẽ chạy một cái, còn lại bảy người có thể thuê một chiếc xe nhỏ. Chủ xe hẹn trưa hôm sau sẽ tới đón chúng tôi đi Phan Rang.

Vợ, chồng tôi đành phải quyết định như vậy vì không còn cách nào khác dù tương lai rất là bất trắc, mờ mịt, vì thành phố Phan Rang tôi không biết tí nào. Những năm được cử đi làm giám thị, giám khảo ở Miền Trung tôi đã đi qua khá nhiều thành phố như Nha Trang, Pleiku, Ban Mê Thuột, Qui Nhơn, Đà Nẵng, Huế… nhưng chưa bao giờ đi Phan Rang cả, làm sao mà tìm được ghe để về Nam. Còn anh Diệm, bạn tôi ở Nha Trang, thì không biết anh ấy có còn ở đó hay là đã tìm đường chạy rồi? Thời ấy làm gì có điện thoại mà liên lạc trước! Thôi thì cũng liều nhắm mắt đưa chân, chỉ tội cho năm đứa con thơ dại, bị cha mẹ đưa vào nơi hiểm nghèo, mà nào có biết gì.

Thế là tôi sẽ rời bỏ Đà Lạt, thành phố tôi yêu mến nhất trong số các thành phố mà tôi đã đi qua. Thành phố êm đềm quá với những hồ nước, những đồi thông êm ả, những giòng suối, thác nước ngay trong thành phố. Tôi yêu những con đườg dốc thơ mộng, tĩnh mịch và rất sạch sẽ vì thường được những trận mưa gội hết những bụi bậm thời gian. Khí hậu Đà Lạt lại quanh năm mát mẻ khiến ta lúc nào cũng cảm thấy thoải mái. Trước đây tôi cứ nghĩ rằng mình sẽ ở đây luôn, chẳng còn muốn đi đâu nữa làm chi cho mệt mỏi, cho nên hàng năm cứ đến kỳ cho giáo chức làm đơn xin thuyên chuyển thì tôi và nhà tôi lại bất đồng ý kiến: nhà tôi, một con người thực tế, bà ấy có năm đứa con nên nghĩ rằng Sài Gòn là nơi có nhiều cơ hội hơn cả cho các con bà ấy. Có lẽ bà ấy cũng có lý. Còn tôi thì tôi chẳng muốn bỏ Đà Lạt để đi đâu cả. Lần ấy, tôi nộp đơn xin thi về học điện toán ở Sài Gòn là để làm vừa lòng nhà tôi thôi, vì tôi là dân học sinh ngữ, kiến thức toán học đâu có bao nhiêu, khó mà đậu nổi.

Đà Lạt trước 1975
Đà Lạt trước 1975. (Nhiếp ảnh gia Bill Robie)

Tôi yêu mến Đà Lạt cũng còn vì thành phố này gắn liền với những kỷ niệm thời son trẻ của tôi: năm 1960, sau khi thi đậu Tú Tài phần II tôi trúng tuyển vào ban Pháp Văn, trường Đại Học Sư Phạm Đà Lạt. Quãng đời sinh viên của tôi giữa một khung cảnh êm đềm, thơ mộng để học về văn chương Pháp thật là lý tưởng. Viện Đại Học Đà Lạt nằm trên một quả đồi khá rộng. Số sinh viên thời ấy chỉ có độ trên hai trăm người, đa số là sinh viên sư phạm, hai ban Pháp Văn và Triết, nên không có nhiều tòa nhà, giảng đường lớn. Chỉ có vài ngôi nhà nhỏ xinh xắn theo kiểu nhà xứ lạnh phương Tây, dùng làm văn phòng và lớp học, mỗi lớp chứa độ bốn chục sinh viên. Một thư viện khá lớn nằm trên khoảng đất cao hơn các lớp, chúng tôi thường vào đây để tra cứu tài liệu và học bài. Ngồi trong thư viện làm việc, nhìn qua khung cửa sổ thấy cả một vùng thung lũng mênh mông. Giữa thư viện và các lớp có một khoảng sân rộng mà trong những lúc nghỉ giải lao chúng tôi thường đứng trò chuyện. Tôi còn nhớ rõ những lớp học, những giáo sư, những bạn bè. Vì mỗi lớp chỉ có độ ba chục người, chúng tôi quen nhau hết và cả các bạn ở những lớp khác. Tôi nhớ những buổi đi picnic ở thác Cam Ly, thác Prenn, Gougah…, các buổi thả bộ ngắm trăng mờ Đà Lạt, những lần đi ăn ở Lữ Quán Thanh Niên có bà Thị Trưởng Đà Lạt yêu mến sinh viên thường đến quan sát nhà bếp nấu nướng bữa ăn cho anh, em. Tôi nhớ những buổi dạo chơi ở khu chợ Hòa Bình, chợ Đà Lạt, hẹn hò ở Cà Phê Tùng, hay các quán ăn bình dân ở dốc Minh Mạng…

Sau khi tốt nghiệp năm 1963 tôi được bổ dụng đi Châu Đốc, sau đổi về Huế rồi Di Linh, rồi lập gia đình, cuối cùng hai vợ chồng tôi cùng được đổi về Đà Lạt năm 1968. Năm đứa con của chúng tôi cùng ra đời tại Đà Lạt. Biết bao kỷ niệm thân thương khi các con tôi còn thơ ấu. Căn nhà của chúng tôi trong cư xá Trần Hưng Đạo được xây từ thời Pháp, tuy rất cũ kỹ và không được tu bổ nhưng rất khang trang và chắc chắn, chúng tôi lại mới thuê đào được một cái giếng rất nhiều nước và nước rất trong, cả nhà đều vui mừng. Chúng tôi được hưởng bảy năm trời hạnh phúc trong căn nhà êm ấm. Bây giờ đây phải rứt bỏ tất cả để ra đi, trong một tình huống đầy bất trắc, tương lai mờ mịt, chẳng chắc gì có ngày về. Nhìn căn nhà thân yêu, nhìn căn phòng ngủ nơi cả gia đình bảy người quây quần mỗi buổi tối trong tình thương yêu đầm ấm, nhìn các con ngây thơ, hồn nhiên chẳng biết chuyện gì đang xảy ra, lòng tôi thấy quặn đau.

Đúng hẹn, khoảng 11 giờ sang hôm sau người chủ xe tới. Hành lý chúng tôi thu xếp sẵn sàng nên chỉ độ nửa giờ sau là chất hết lên xe. Trước khi khóa cửa và trao chìa khóa cho người quen ở cùng xóm, tôi nhìn lại căn phòng khách lần cuối, vì tôi biết rằng có nhiều phần chúng tôi không về sống ở Đà Lạt nữa. Gia đình tôi lên xe hết, còn tôi và đứa cháu anh Bình chạy xe Honda theo sau. Đi ngang qua nghĩa trang mà người dân gọi là mả thánh, rẽ tay trái vào đường Phan Đình Phùng, ngang qua dốc chùa Linh Sơn, qua rạp Ngọc Hiệp và cuối dốc Minh Mạng, qua khách sạn Cẩm Đô rồi tới một ngã năm chúng tôi rẽ tay trái lên dốc Duy Tân. Tới đầu dốc tôi nhìn thấy rạp chiếu bóng Hòa Bình, rẽ tay phải xuống dốc chợ Đà Lạt. Hai bên đường dốc vào những dịp gần tết nguyên đán hoa anh đào nở rực rỡ. Chạy tới bùng binh bến xe đò đi Sài Gòn chúng tôi đi thẳng một chút rồi rẽ tay trái, men theo hồ Xuân Hương rồi đi về phía Đơn Dương, qua đèo Ngoạn Mục. Đi tới đâu tôi cũng chăm chú nhìn hai bên đường, như muốn ghi vào tâm khảm một lần cuối những cảnh vật quen thuộc, gợi nhớ bao kỷ niệm, vẳng bên tai một bài hát năm nào: “Ra đi là hết rồi…”

Tới đèo Ngoạn Mục, chỗ đỉnh cao, sương mù bay là là trên mặt đất, xuống khỏi đèo là hết Đà lạt. Thế là Đà Lạt của tôi đã mất đối với tôi từ ngày hôm đó. Tới một chỗ dừng xe ngồi nghỉ dưới một gốc cây cao có một thứ hoa màu trắng hồng đang rơi lả tả tôi tưởng chừng như thiên nhiên cũng đang đồng cảm với sự chia ly.

Tới Phan Rang, nghỉ ở nhà chị của chị Huệ tối hôm đó. Chủ nhà rất tử tế và thông cảm hoàn cảnh của gia đình tôi, với năm đứa bé còn thơ dại. Tất cả chúng tôi và đồ đạc chiếm hết cả phòng khách. Hai đứa bé hai và ba tuổi không chịu nổi cái nóng của Phan Rang thi nhau khóc làm chúng tôi áy náy, ngại ngùng. Hỏi thăm không ai biết tìm thuê ghe ở đâu nên sáng sớm hôm sau tôi tìm bến xe đò đi Nha Trang, đứa con trai lớn bảy tuổi của tôi cũng xin đi theo. Tới Nha Trang hai cha con tôi tìm đến nhà anh Diệm. Gia đình anh Diệm chưa di tản, tôi ngỏ ý đưa gia đình ra ở nhờ để tìm phương tiện về nam, anh, chị Diệm bằng lòng ngay. Anh, chị ấy cũng đang hoang mang chưa biết phải làm gì, vì mẹ anh Diệm còn bị kẹt ở Ban Mê Thuột, chưa biết tin tức ra sao. Có vài thân nhân của anh là quân nhân ở Ban Mê Thuột cũng vừa tan hàng chạy về trú ngụ ở nhà anh. Tôi đi về Phan Rang đón gia đình ra.

Tới bến xe đi Phan Rang, tình cờ tôi gặp anh Phạm Nam cùng dạy ở Trần Hưng Đạo. Anh Nam cho hay tôi đã trúng tuyển kỳ thi của Nha Khảo Thí. Tôi may mắn đậu chắc có lẽ nhờ vốn sinh ngữ Anh Văn. Tôi cũng chẳng vui mừng gì vì tâm trí còn đang tập trung vào việc chạy về nam, chẳng biết tương lai sẽ ra thế nào, có tìm được ghe, tàu không ? Tôi thuê xe đưa gia đình từ Phan Rang ra Nha Trang ngày hôm đó. Nhà anh chị Diệm là một ngôi biệt thự khá rộng rãi, các con tôi có dịp nô đùa, chạy chơi trong phòng khách, chúng vui vẻ như chẳng có chuyện gì xảy ra. Thật tội nghiệp! Sáng hôm sau tôi chạy ra trụ sở của Hàng Không Việt Nam, nhưng vé cũng hết. Chúng tôi rất lo âu, chỉ còn cách là đi ghe mà thôi. May mắn thay, có người chỉ ra xóm Bóng sẽ có ghe. Tôi ra đó hỏi và được biết ghe rất sẵn và phải trả chủ ghe năm ngàn đồng mỗi người. Anh, chị Diệm chưa sẵn sàng đi, có lẽ vì còn chờ đợi tin tức về mẹ anh và thân nhân từ Ban Mê Thuột. Thế là trưa hôm đó chúng tôi xuống ghe về Vũng Tàu.

Biển thật êm lặng vì ghe đi gần bờ, không giống như đi vượt biển. Trời nắng chang chang, ngồi trên ghe, may nhờ có gió biển nên cũng đỡ. Trưa hôm đó chủ ghe cho ăn cá tươi họ mới đánh bắt, nên canh nấu đơn sơ, bình dân mà ăn lại rất ngon. Ghe cứ đi êm ả như vậy, tới tờ mờ sang hôm sau thì tới Vũng Tàu.

Lên bến chúng tôi thuê được một xe con chở khách về Sài Gòn, rồi về nhà bố, mẹ tôi ở đường Thánh Mẫu, ngã ba Ông Tạ lúc đó là cuối tháng 3 năm 1975. Tôi thấy cũng tạm yên, nhưng vẫn còn nhiều lo lắng vì quân cộng sản càng ngày càng tiến tới gần Sài Gòn. Lúc ấy vợ chồng cô em gái tôi, cùng dạy ở Đại Học Cần Thơ, cũng đem hai đứa con gái nhỏ, một đứa bốn tuổi, một đứa mới được hai tháng về với bố, mẹ tôi. Tôi lên nha Khảo Thí trình diện và được cấp sự vụ lệnh thuyên chuyển, rồi bắt đầu học điện toán. Thật là một khóa học cuối mùa, lớp học ở đường Cường Để, phía sau dinh Thủ Tướng, do người Mỹ giảng dạy. Học đâu được mươi ngày thì người Mỹ biến hết, lớp học giải tán. Tôi về nằm chờ ở nha Khảo Thí.

Tôi gặp được một số đồng nghiệp và một số bạn từ miền Trung chạy về, ai nấy hoang mang, bơ phờ. Tôi được tin sau khi chúng tôi rời khỏi Nha Trang độ hơn một tuần, thành phố trở nên hỗn loạn, người di tản giành nhau lên xe, xô đẩy nhau chạy loạn. Một ông bạn đồng nghiêp của tôi đã luống tuổi bị xô xuống đường chết, bỏ lại vợ và ba con nhỏ. Vợ chồng tôi hú vía, nếu chúng tôi chạy trễ thì chắc không tránh khỏi tai nạn vì dẫn theo năm đứa con. Rồi cuối cùng Sài Gòn bị bao vây. Chúng tôi ở gần phi trường Tân Sơn Nhất, đêm hôm 28 tháng 4, quân cộng sản pháo kích ào ạt vào phi trường, tiếng nổ oàng oàng reo kinh hãi trong đêm, nghe nói có cả một gia đình bị chết vì nhà trúng đạn pháo kích. Mấy đứa con tôi và con cô em tỉnh dậy, khóc thét.

Sáng hôm sau chúng tôi và vợ, chồng cô em bàn nhau xin đi ngủ nhờ nhà một người bạn của bố tôi, một căn nhà lầu đúc ba tầng ở gần bến xe Petrus Ký. Mấy đứa trẻ con được ngủ một tối yên tĩnh, nhưng sang sớm hôm sau, ngày 30 tháng Tư, chủ nhà hình như họ rục rịch muốn đi đâu nên cứ hối chúng tôi rời khỏi nhà họ. Chúng tôi đành phải miễn cưỡng đi về nhà bố, mẹ tôi phía ngã ba Ông Tạ.

Nếu mà chúng tôi chạy ra bến Bạch Đằng thì cuộc đời chúng tôi lại khác, thật là số mệnh đã an bài. Hai gia đình có bảy đứa trẻ nhỏ, đi bằng hai chiếc xe Honda. Chúng tôi tới đường Lê Văn Duyệt, qua Quân Vụ Thị Trấn, qua rạp Thanh Vân, cây xăng Hòa Hưng sắp tới nghĩa địa đô thành thì cái bao chăn mền trên xe em rể tôi tụt xuống. Đang lay hoay định xuống xe buộc lại thì một quả đạn pháo kích nổ ầm phía trước. Một mảnh đạn cứa vào cổ em rể tôi làm chú ấy chết ngay tại chỗ, một mảnh đạn vào mắt cháu gái tôi mới được hai tháng làm cháu mất một con mắt. Đứa con trai lớn của chúng tôi mới bảy tuổi bị một mảnh đạn sướt qua đầu, trên thái dương bên phải một chút, máu chảy ra từ đầu cháu đỏ hết cả áo sơ mi trắng của tôi.

Tôi đau xót nhìn cảnh tượng hãi hùng và nhìn xuống đầu con mà tưởng như đã đến ngày mạt vận, tôi như muốn kêu gào trên đường phố. Tới Bệnh Viện Nhi Đồng ở đường Sư Vạn Hạnh, con tôi được băng bó và vô nước biển rồi đưa đi Bệnh Viện Chợ Rẫy để đến tối thì giải phẫu. Nhờ các bác sĩ, y tá còn ở lại nhiều, các trang bị y tế, thuốc men còn gần như nguyên vẹn, nên con tôi qua khỏi. Mảnh đạn chỉ sướt qua đầu, cắt mất một miếng xương to bằng móng của ngón tay cái, nhìn vào thấy cả óc cháu phập phồng như thóp trẻ sơ sinh. Các bác sĩ kéo da đầu cho phủ kín chỗ khuyết để che cho óc não bên trong và cho đến nay chỗ mổ vẫn rất tốt. Cháu học hành bình thường và có vợ, ba con. Còn cháu gái của tôi cũng được đưa đi bệnh viện cấp cứu, lấy được mảnh đạn ra khỏi mắt, nhưng con mắt đó của cháu bị hư. Cháu hiện sống ở Nebraska, Hoa Kỳ với chồng và hai đứa con gái nhỏ, và là giáo sư dạy Piano .

Đúng là vào lúc tàn cuộc chiến gia đình chúng tôi còn lâm nạn để cùng gánh chịu nỗi đau thương cả dân tộc trong cả nước .

Dương Danh Khoa

Do cuộc đời đưa đẩy, tôi lại có dịp trở về Đà Lạt sau ngày 30 tháng Tư năm 1975. Đó là vào năm 1978 tôi phải đi Đà Lạt xin giấy chứng nhận không thiếu thuế để bổ túc hồ sơ xin xuất ngoại. Tôi tới Đà Lạt vào một buổi chiều có mây bàng bạc, đây là một hình ảnh tiêu biểu của thành phố này. Tôi lếch thếch đi bộ từ bến xe đò, nhìn quanh nhìn quẩn từ hồ Xuân Hương, xa xa là dốc Võ Tánh, dốc sân cù, tới chợ Đà Lạt và dốc chợ, khu Hòa Bình, đồi Ngọc Lan… Đà Lạt đây, vẫn cảnh vật đó, các tòa nhà như xưa mà sao tôi thấy buồn thê thảm, vì đây dường như là một Đà Lạt xa lạ nào ấy, không phải là Đà Lạt thân yêu vẫn còn lưu lại trong đầu óc tôi. Và tôi thất thểu bước đi lẫn vào với đám người lầm lũi.

Đăng lại từ bài viết cùng tên
Đăng trên tạp chí Thất Sơn Châu Đốc (Thatsonchaudoc.com)

Xem thêm: