Không ai phủ nhận được thực tế là cuộc sống luôn thay đổi. Đôi khi chúng ta tự làm tổn thương chính mình khi cố gắng níu giữ mọi thứ, đôi khi chúng ta không thể buông bỏ và chấp nhận sự thay đổi. Nhưng điều ấy không có nghĩa là mọi thay đổi đều đúng đắn. Thế kỷ 20 đánh dấu bước chuyển mình giữa truyền thống và hiện đại, khi nhân loại quay lưng với nền văn minh tinh thần và mê đắm trong sự hào nhoáng của nền văn minh vật chất. Chứng kiến điều đó, họa sĩ người Anh Arthur Hacker đã sáng tác bức “Farewell” (Tạm biệt) năm 1913, như một lời tiên đoán cho cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ chỉ một năm sau đó.

"Farewell": Một bức họa gợi nhiều suy ngẫm về truyền thống và hiện đại
Bức “Farewell” mô tả khoảnh khắc từ biệt của hai người phụ nữ. (Tranh: Họa sĩ Arthur Hacker, 1913, Public Domain)

Hai người phụ nữ đứng trong một khu rừng tối. Người phụ nữ bên trái dường như đang lùi dần vào bóng tối phía sau, trong khi người phụ nữ bên phải lại đang tiến bước ra ánh sáng.

Người phụ nữ bên trái mặc một chiếc váy sáng màu, còn người phụ nữ bên phải mặc một chiếc váy sẫm hơn. Dường như đây là khoảnh khắc họ buông tay nhau ra, nhưng vẫn chưa hoàn toàn dứt hẳn. Cả hai đang quay lưng lại với nhau, cúi đầu, trên khuôn mặt hiện rõ nét buồn bã và đau khổ.

"Farewell": Một bức họa gợi nhiều suy ngẫm về truyền thống và hiện đại

Ở phía dưới, có lẽ là trong khi cố gắng níu kéo, chân người phụ nữ bên trái đã dẫm lên một cánh hoa Lạc tiên. Nhành hoa dường như đã rơi xuống trong quá trình hai người phụ nữ dùng dằng không dứt.

"Farewell": Một bức họa gợi nhiều suy ngẫm về truyền thống và hiện đại
Nhành hoa Lạc tiên.

Sau lưng cả hai là một thân cây. Những vệt sáng chiếu qua tán cây, tạo ra một màu xanh lam mờ nhạt. Thoáng ẩn hiện trên thân cây là một con rắn, gần như tiệp màu với bóng tối. Một khi người xem phát hiện ra nó thì cũng nhận ra ánh mắt độc ác và nham hiểm của nó đang nhìn thẳng vào mình.

Farewell truyen thong va hien dai 07
Con rắn ẩn hiện.

Bức tranh đơn giản này mang đến thông điệp gì? Vì sao hai người phụ nữ đều u buồn? Vì sao nhành hoa Lạc tiên lại nằm dưới chân họ? Và ý nghĩa gì đằng sau sự xuất hiện của con rắn?

Arthur Hacker vẽ “Farewell” vào đầu thế kỷ 20, thời điểm nhân loại có một sự chuyển dịch cực kỳ lớn trong ý thức hệ. Sự kết hợp của chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa cộng sản và thuyết tiến hóa từ cuối thế kỷ 19 đã thúc đẩy văn minh phương Tây quay đầu với “nền văn minh tinh thần” của truyền thống đầy tín ngưỡng và đức tin, tiếp nhận “nền văn minh vật chất” hiện đại đầy tham vọng – xây dựng một thiên đàng trên mặt đất.

Trong bức họa này, người phụ nữ bên trái mặc chiếc váy sáng màu, có thể là màu trắng nhưng đã bị biến màu bởi bóng tối. Trong văn hóa truyền thống của nhân loại nói chung, màu trắng tượng trưng cho đức hạnh và sự thuần khiết.

Người phụ nữ bên trái hẳn là đã rất nỗ lực níu kéo người phụ nữ kia, dẫu ở vào khoảnh khắc chia ly, cô vẫn dùng cả hai bàn tay của mình.

Farewell truyen thong va hien dai 06

Người phụ nữ bên phải dùng một tay để kéo phần áo của tay còn lại, với ý muốn giật tay ra, bàn tay phải của cô mở ra, như thể chính cô là người đã buông nhành hoa Lạc tiên xuống đất.

Farewell truyen thong va hien dai 04

Nhành Lạc tiên trong văn hóa phương Tây tượng trưng cho tín ngưỡng và sự hy sinh. Loài hoa này còn được dùng như một cổ dược có tác dụng an thần. Việc người phụ nữ bên phải vứt bỏ nhành Lạc tiên cho thấy cô đã hoàn toàn từ bỏ đức hạnh truyền thống. Hành động kéo ống tay của cô gây ra một sự căng thẳng giữa hai bên, biểu hiện ở phần áo bị kéo căng. Sự căng thẳng này cho thấy mâu thuẫn không thể hòa hợp giữa tư duy vật chất hiện đại và đức hạnh truyền thống, giữa “thiên đàng vô thần trên mặt đất” và thế giới thánh khiết của chư Thần.

Tuy nhiên sự “căng thẳng” này lại không được thể hiện ra ở người phụ nữ bên trái mà nằm hoàn toàn ở phần áo bị kéo căng của người phụ nữ bên phải. Bởi vì những người từ bỏ thế giới tinh thần tự nhiên, phong phú và đầy thâm ảo của con người để chạy theo sự vô thần và duy vật tuyệt đối đã tạo ra cho bản thân họ một mâu thuẫn nội tại.

Cả hai người phụ nữ đều hiện vẻ u buồn. Nhưng người phụ nữ giữ vững đức hạnh và tín ngưỡng lại không có mâu thuẫn nội tại, cô chỉ mang theo nuối tiếc mà lùi vào bóng tối của khu rừng.

Trong văn hóa phương Tây, con rắn là biểu tượng của cái ác, sự cám dỗ và lừa dối. Mặc dù không trực tiếp, nhưng sự hiện diện lén lút và cái nhìn độc ác của con rắn cho thấy nó đã thao túng tất cả.

Farewell truyen thong va hien dai 07

Con rắn trong văn hóa phương Tây là biểu tượng của sự cám dỗ và ranh ma. Từ thời Adam và Eve, con rắn do ác quỷ chiếm giữ đã muốn hãm hại con người, dụ dỗ con người ăn trái cây trí tuệ. Tưởng rằng trái cây trí tuệ có thể đem đến những tri thức khiến mình được như Thiên Chúa, Eve đã nhận lấy trái cây và ăn, sau đó đưa cho Adam. Điều này cuối cùng dẫn đến việc cả hai bị đuổi khỏi Vườn địa đàng mỹ hảo nhất, bắt đầu cuộc sống con người với đủ loại thiện ác, cay đắng ngọt bùi, đói rét ấm no.

"Farewell": Một bức họa gợi nhiều suy ngẫm về truyền thống và hiện đại
Thiên Thần đuổi Adam và Eve khỏi Vườn địa đàng. Ở dưới chân họ, con rắn trườn ra như dẫn đường. Điều này ám chỉ nó đã cám dỗ con người và sẽ còn cám dỗ con người. (Tranh: Họa sĩ Benjamin West, 1791, National Gallery of Art, Wikipedia, Public Domain)

Dường như người phụ nữ bên phải trong tranh của Arthur Hacker cũng giống như Eve, đã chịu sự cám dỗ của con rắn mà vứt bỏ đi đức hạnh đáng quý. Còn người phụ nữ bên trái đại diện cho những đức tính truyền thống như lòng nhân ái và sự hy sinh đã cố gắng hết sức để níu giữ, cố gắng thuyết phục người phụ nữ bên phải hãy giữ vững lương tri. Tuy nhiên, người phụ nữ bên phải đã nhất quyết nói lời từ biệt.

Farewell truyen thong va hien dai 02

Điều này đứng từ quan điểm của những người hữu Thần thật sự giống với hoàn cảnh của nhân loại vào đầu thế kỷ 20. Con người bấy giờ thật giống như Adam và Eve, muốn đặt mình vào địa vị “sáng Thế” của Thiên Chúa để xây dựng một thiên đàng trên mặt đất. Con người bị cám dỗ và ngạo mạn bởi tri thức, tiếp nhận vô thần luận và chủ nghĩa cộng sản, cũng giống như Adam và Eve ăn trái cây trí tuệ xưa kia.

Vậy thì hạnh phúc có đến cùng với tri thức mà chúng ta kiêu ngạo? Một thế kỷ đã qua đi, con người hiện đại vẫn không thể tìm được niềm hạnh phúc chân chính trong nền văn minh vật chất đầy trống rỗng này! Cũng giống như người phụ nữ bên phải trong tranh của Arthur Hacker. Dù chia tay là điều cô muốn, nhưng cuối cùng khi đạt được rồi, cô vẫn không hề hạnh phúc.

Trong cuộc sống, có một số điều là cũ kỹ nhưng lại là vĩnh cửu. Một khi những điều đó mất đi, con người sẽ chỉ còn lại một linh hồn trống rỗng. Ngày nay, chúng ta nên tự hỏi rằng: Liệu nhân loại có đủ can đảm để tìm kiếm người phụ nữ đức hạnh trong bóng tối của khu rừng kia? Liệu chúng ta có thể tìm lại những phẩm chất truyền thống cao đẹp của sự thiện lương, của lòng hy sinh, và của đức tin vào những điều vượt khỏi thế giới vật chất hiện đại quá đỗi thực tại mà lại tràn đầy trống rỗng này?

Dựa theo “Holding On to Eternal Virtues: Farewell” đăng trên The Epoch Times tiếng Anh
Thanh Nhã biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: