Ba muốn nói với con về dược phẩm, một thứ sản phẩm siêu lợi nhuận và nằm trong chính sách toàn cầu.

Y, Dược, nghề cao quý nhất nhưng đó đây đang biến thành một cỗ máy kiếm tiền!

Cái xác phàm của nhân loại hiện nay chính là nguồn lợi kếch xù của bọn người kinh doanh trên sự sợ hãi: bệnh tật.

Lãnh vực này hiện nay nằm trong tay các tài phiệt. Và họ bỏ rất nhiều tiền để tiếp thị hơn là nghiên cứu(1).

Một thuật ngữ mới ra đời: Disease mongering. Có thể hiểu đây là cách bán bệnh. Hoạt động đơn giản: Chỉ cần hạ thấp các chỉ số như các chỉ số về bệnh tiểu đường, áp huyết máu, cholesterol… hoặc chẩn đoán các tình trạng tinh thần nào đó như buồn rầu, hồi hộp, nhút nhát… rồi cho là “bất thường” thì số lượng “bệnh nhân” trên toàn thế giới tăng vọt!

Phát minh ra bệnh

Khi ủy ban “khoa học” Mỹ tái định nghĩa hypercholesterolemia (có cholesterol cao trong máu) và chỉ cần giảm chỉ số để các bác sĩ cho phép dùng thuốc thì số “bệnh nhân” đột ngột tăng 3 lần! Có một chi tiết: 8 trong 9 “vị” trong ủy ban này đều là chuyên viên, tư vấn hay phụ trách nghiên cứu cho các hãng dược phẩm sản xuất thuốc làm hạ cholesterol.

Nhưng đây chỉ là đỉnh của băng sơn. Trên thực tế rất nhiều các nhà khoa học hướng dẫn cách dùng thuốc đều có lợi nhuận từ các hãng dược!(2)

Thông qua Disease mongering những trạng thái như nỗi buồn, lo âu, hồi hộp… rất bình thường trong cuộc sống đã bị truyền thông hô biến thành bệnh (?) để làm mọi người sợ hãi, cảm thấy mình phải dùng thuốc. Các nhà khoa học chân chính nói rằng hiện nay có hơn 200 tình trạng tâm lý sẽ được xem là… bệnh lý và nghe ra thật buồn cười: lão hóa, buồn chán, hói đầu, tàn nhang, tóc bạc, không xinh đẹp… Không ai nói với chúng ta là nỗi buồn là một phần của sự sống, và hàng thế kỷ trôi qua nó vẫn tồn tại để giữ một nhiệm vụ quan trong trong tâm sinh lý của con người. Dược phẩm, dù muốn hay không đều sẽ có tác dụng một cách nhân tạo vào trật tự sống của con người và tự nhiên.

Nhưng truyền thông y dược thường thúc giục chúng ta có những thái độ chuẩn. Bạn không ngủ hả? Hãy uống thuốc ngủ! Mà có thật sự cần phải dùng thuốc không? Biết đâu không ngủ là một điều tuyệt vời. Thỉnh thoảng được thức giấc, mở cửa nhìn ra bầu trời đêm mà kẻ ngủ say sẽ không bao giờ biết. Bóng đêm có nhiều ác mộng nhưng cũng rất huyền diệu và giúp ta có tầm nhìn về chiều sâu. Đã có người nói là ban ngày để sống còn ban đêm là để hiểu cuộc sống.

Nhưng các tập đoàn dược chi ra số tiền càng ngày càng lớn cho việc bán thuốc “ảo”, kèm theo quà tặng, mời du lịch… hay dùng những thủ thuật khác để mua chuộc… phủ khắp từ bác sĩ đến các sinh viên y khoa sắp ra trường. Ba mươi năm trước giám đốc hãng dược phẩm Merck, Henry Gadsen, đã từng trả lời trong một cuộc phỏng vấn: “Giấc mơ của chúng tôi là sản xuất thuốc cho những người khỏe mạnh. Làm được thế, chúng tôi có thể bán thuốc cho bất kỳ ai”. “Trên thế giới, chỉ có hai nhóm người: nhóm người đã bệnh rồi và nhóm người chưa biết họ bệnh”.

Ba vừa đọc một nghiên cứu mới nhất từ nước Pháp: 50% thuốc lưu thông hiện nay trên thị trường là vô ích, 20% có hại và nhiều khi nguy hiểm cho người dùng.

Ai cũng biết sức khỏe tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, khí hậu và thực phẩm chứ không phải vào thuốc men, cách chữa trị hay các kỹ thuật hiện đại. Hiện nay nhiều người hễ thấy khó chịu một chút là uống thuốc mà không biết rằng không có loại thuốc nào là không có tác dụng phụ, là “1 phần thuốc chứa 3 phần độc”. Ít người biết rằng không có bộ máy nào hoàn hảo hơn thiên nhiên. Và cơ thể con người có một cấu tạo đặc biệt. Việc chữa bệnh cho cơ thể là nhiệm vụ của hệ miễn dịch, vì thế nếu chúng ta lạm dụng thuốc thì đã vô tình “ngăn” hoạt động của hệ miễn dịch, làm hao mòn và dần dần mất đi thiên chức tự nhiên vốn có.

Ngày xưa ai đi “khám” bác sĩ vì họ thấy trong người không khỏe, còn hôm nay khi bác sĩ gặp bệnh nhân là đề nghị: chúng ta hãy làm vài xét nghiệm để xem bạn có thật sự khỏe không?

Vì thị trường đang rất cần những bệnh nhân mới.

Người mạnh khỏe là kẻ chưa biết mình bị bệnh! Tâm đắc với quan niệm đó nên giám đốc bệnh viện San Raffaele ở Milano đã đưa ra dự án Quo vadis chăng? Hay bệnh viện… cho người khỏe mạnh: Thông qua một microchip điện tử được gắn dưới da các bác sĩ có thể thường xuyên và liên tục theo dõi tình trạng sức khỏe của “bệnh nhân” và sẵn sàng can thiệp và chữa trị trước khi bệnh làm phiền. Các chuyên gia sẽ cho ta biết trước khi bệnh xuất hiện và từ giờ cho đến lúc đó ta có thể vui chơi, đánh golf, đi du lịch, trượt tuyết, tắm biển… cho đến khi nhận được một tin nhắn, đại loại: “Khẩn cấp! Bạn cần trình diện ngay ở trung tâm ý tế gần nhất. Bệnh trĩ sắp xuất hiện!”.

Mà các hãng thuốc, các bệnh viện, họ là ai?

Gần 80 năm đã trôi qua nên có thể con không biết rằng văn phòng của Viện Đại học Frankfurt ở Đức ngày xưa chính là trụ sở chính của IG Farben.

Đó là một nhà máy được độc quyền sản xuất hóa chất của Đức thời quốc xã. Là trung tâm kinh tài của Hitler nên trong suốt thời kỳ diệt chủng (Holocaust) nó là nơi cung cấp khí ngạt Zyklon-B cho chính phủ Đức để giết chết gần 6 triệu người Do Thái! Nó cũng là nơi cung cấp dân Do Thái để làm chuột bạch cho các thử nghiệm về độc tố và y học.

Vì tham gia các tội ác chiến tranh nên sau 1945 phe đồng minh đã tịch thu và đóng cửa nhà máy. Thế nhưng, về sau nhà máy này đã được chia làm mấy phần và các đại công ty mua các phần lớn chỉ chừa lại các phần nhỏ là Agfa, Basf và Bayer, trong khi công ty Hoechst được sáp nhập vào công ty Rhône-Poulenc của Pháp để cho ra đời công ty Sanofi Aventis hiện nay và có trụ sở ở Strasburgo, nước Pháp.

Tại Tòa án quốc tế Norimberga tất cả các lãnh đạo của IG Farben đều bị buộc tội diệt chủng, thiết lập chế độ nộ lệ và các tội ác khác nhưng chỉ sau một năm tất cả đều được trả tự do (?) nhờ thương lượng của bộ kinh tế Đức và sau đó họ đổi danh tánh để tham gia vào hệ thống kinh tế Đức hay các nước khác!

Nhắc lại chuyện này ba chỉ muốn nêu lên một thắc mắc: Một công ty được hình thành với triết lý sản xuất hơi ngạt giết người, có thể nào sau đó lại có thể sản xuất thuốc để trị bệnh, cứu nhân độ thế?

Về sau công ty IG Farben đã tham gia vào các dự án của Hoa Kỳ trong việc sản xuất chất độc da cam dùng trong mục đích quân sự. Họ cùng lập nên công ty Chemagrow Corporation ở Kansas City, Missouri, và sử dụng các chuyên viên Mỹ và Đức nhằm phục vụ cho U.S. Army Chemical Corps. Tiến sĩ Otto Bayer, người từng giữ chức vụ nghiên cứu phát triển của IG Farben, đã cùng với tiến sĩ Gerhard Schrader đã thử nghiệm thành công phần lớn các vũ khí hóa học.

Vậy còn các xét nghiệm y khoa? Trong 10 năm trở lại đây, các yêu cầu xét nghiệm đã tăng lên 50%, tương đương với việc tăng thêm hàng triệu USD mỗi năm. Nhưng nhiều khi các phương pháp xét nghiệm đó gây hại cho con người nhiều hơn là mang lại lợi ích: đau đầu gối, đau lưng, tức ngực, và PSA (prostate specific antigen – kháng nguyên đặc hiệu tiền liệt tuyến) có thể dẫn đến ung thư tuyến tiền liệt! Bên cạnh đó, những dịch vụ xét nghiệm y tế rắc rối và đắt đỏ như chụp scan cắt lớp (CT- computed tomography) và chụp cộng hưởng từ trường (MRIs – magnetic resonance imaging) được sử dụng một cách rộng rãi nhưng không thực sự cần thiết.

Trí thông minh là một vốn quý của con người nhưng tiếc thay nó đang là đồng lõa, biến con người trở nên biển lận, nhằm vơ vét tối đa. Một thứ khoa học không có nhân văn! Có kiến thức mà không nhân cách thì chẳng khác gì người tập lái xe chưa có bằng mà cứ băng băng chạy ra đường phố.

Hiện nay trong cơn vật vã kiếm tiền các bậc cha mẹ chẳng mấy ai “chơi” với con mà phó thác cho bà vú nuôi hay các thiết bị điện tử. Sự bỏ rơi ấy làm bé bị chấn động tâm lý, đói tình yêu… còn cha mẹ mang mặc cảm thiếu chăm sóc con nên bù trừ bằng sự nuông chiều và bằng tiền bạc, cho con ăn các món khoái khẩu được nhuộm phẩm màu thuộc bảng E độc hại.

Mà trẻ em đâu chỉ cần được nuôi dưỡng! Chúng cần được chăm sóc và yêu thương. Một đứa bé là một con người sống động chứ nào phải là một thứ đồ chơi điện tử!

Trong một bối cảnh xã hội mà chữ lợi đang làm mờ mắt, con yêu ơi, ba mẹ xin lỗi con. Ba mẹ biết cái thế giới khi con chào đời sẽ rất ít có những mối quan hệ hồn nhiên giữa người và người và tất nhiên là con sẽ gặp những khó khăn mà các thế hệ trước chưa bao giờ gặp phải. Ba mẹ phải thú nhận là ba mẹ bất lực, ba mẹ không còn đủ khả năng để bảo vệ con trước những mối nguy của cuộc đời! Ba mẹ đang rất buồn lo cho tương lai của con, vì chỉ năm, mươi năm nữa thôi, bệnh ung thư sẽ bùng phát dữ dội nếu không kiểm soát và nó sẽ xói mòn sức lực và đẩy bao gia đình xuống tận cùng của sự khốn khổ.

Nghĩ thế, tự nhiên lòng ba chùng xuống. Ba không dám hình dung tương lai sẽ về đâu nếu con người không thay đổi…

Nhưng để hiểu tại sao chúng ta lại rơi vào hoàn cảnh này, ba nghĩ là mình cần đi ngược thời gian một chút.

Trích đoạn nằm trong chương 37 cuốn sách “Trò chuyện với thiên thần”
Nhà văn Trương Văn Dân

Đăng tải dưới sự cho phép của tác giả
Cuốn “Trò chuyện với thiên thần” đã được NXB Tổng Hợp xuất bản năm 2020, có thể được tìm đọc tại các nhà sách và nhà sách trực tuyến ở Việt Nam

Giấc mơ... phát minh ra bệnh (Trích "Trò chuyện với thiên thần")

Chú thích:

(1) Chỉ trong năm 2016 công ty Pfizer đã chi 1,2 tỷ USD, theo sau là công ty Bristol Mayer Squibb chi 460 triệu USD để quảng cáo và tiếp thị thuốc!

(2) Thí dụ bệnh tiểu đường type II, trước đây được xác định là đường huyết phải trên mức 140mg/dL. Năm 1997, ngạch mức trên bị Cơ quan y tế thế giới OMS rút xuống còn 126 mg/dL (7mmol/L)… Lập tức có thêm 1.700.000 người Mỹ được xếp vào danh sách bệnh nhân tiểu đường (suốt đời!).

Cholestérol: Năm 1998, ngạch mức từ 240mg/dL bị rút xuống còn 200mg/dL. Lập tức xã hội Hoa Kỳ có thêm 42.600.000 bệnh nhân có cholesterol cao trong máu… Các nhà bào chế có thêm được 86% “khách hàng” mới.