Năm đó Nguyễn Huệ lần đầu tiến quân ra bắc, đánh đâu thắng đấy, khiến người Bắc hà ai cũng sợ hãi. Nhưng khi hiên ngang vào sân rồng gặp vua Lê, Nguyễn Huệ bỗng bất ngờ bị một người thị vệ chặn lại.

Giai thoại về người thị vệ dám cản đường Nguyễn Huệ vào sân rồng
(Ảnh tổng hợp: Trí Thức VN)

Vị tướng được ví với Attila

Trong lịch sử, Nguyễn Huệ được xem là người có tài cầm quân, được nhiều người ngưỡng mộ. Nhưng ông không phải là một hiền nhân, quân Tây Sơn có chế độ tuyển quân và lao dịch vô cùng khắc nghiệt, nhà Tây Sơn cũng từng gây ra những cuộc thảm sát và tàn phá đối với những khu vực kinh tế sầm uất.

Quân Tây Sơn từng tàn phá thương cảng hàng đầu châu Á là Hội An; tàn phá trung tâm thương mại sầm uất nhất Nam Bộ là Cù lao Phố; tàn phá vùng kinh tế Mỹ Tho; thảm sát người Hoa ở Chợ Lớn. Do đó, dân chúng rất sợ quân Tây Sơn, càng sợ oai của Nguyễn Huệ. Người Tây phương thời đấy ví Nguyễn Huệ như vị Vua của Hung Nô là Attila.

Attila lên ngôi Vua vào năm 433, đã tổ chức nhiều chiến dịch đánh chiếm nhiều đất đai ở châu Âu. Người Hung Nô thời kỳ này rất thiện chiến, khiến đế quốc Đông La Mã phải hoảng sợ, nộp nhiều vàng bạc của cải để cứu kinh đô Constantinople. Quân Hung Nô đánh chiếm Balkan và Hy Lạp, chiếm vùng đất rộng lớn thuộc về một phần nước Pháp và bắc nước Ý ngày nay. Người phương Tây còn sợ Attila hơn cả các bạo chúa La Mã.

Người phương Tây gọi Nguyễn Huệ là Attila không chỉ ở các cuộc đối thoại mà thư từ cũng dùng từ này. Bức thư của Francois Louis Le Breton ngày 20/11/1787 có ghi rằng:

“Chừng một tháng nay, một vị tướng của tàu Attila [Nguyễn Huệ] tên là Vach Quinh đã trở lại xứ Nghệ mộ rất nhiều lính và bắt dân chúng cung cấp một số lượng gạo khá lớn. Với những hành động tối dã man, tên ác quỷ đó thường hay xẻo tai, lột da mặt từ trán cho tới miệng, đánh nhừ tử cho đến chết những xã trưởng hay những người đại diện cho các làng xã không tuân lệnh hắn ngay.”

Tài liệu lưu trữ tại Nha Văn Quốc gia Paris (Paris, Archives Nationales F5; A 22) có phần nhật ký ghi về những sự kiện đáng nhớ ở Bắc hà của linh mục Thomas Diên:

“Tân Attila đó chẳng bao giờ chịu ngồi không tại thủ đô. Ngày 11-5, ông đến cung điện vua Chiêu Thống, hình như để chiếm hữu ngai vàng. Song, ông thận trọng không dám công khai tự xưng là vua Bắc kỳ và đành lòng đặt sự cai trị vương quốc trong tay với 4, 5 vị quan Nam kỳ hay Tây Sơn.”

“Những người ra trình diện đều bị bắt ngay lập tức. Họ phải trả một số tiền chuộc ít hay nhiều tùy theo chức vụ và tư cách của họ nếu họ muốn chạy tội. Còn nếu không có tiền chuộc, họ sẽ bị xử tử.”

Người thị vệ dám đối mặt chặn đường Nguyễn Huệ

Khi Nguyễn Huệ đưa quân ra bắc đánh bại quân Trịnh, uy thế lẫy lừng khiến ai cũng sợ hãi. Vua Lê Hiển Tông dù lúc này đang lâm bệnh rất yếu nhưng cũng phải đồng ý gặp ông ở điện Vạn Thọ.

Quân Tây Sơn khi ra bắc với khẩu hiệu “phò Lê diệt Trịnh”, nhưng phong thái Nguyễn Huệ đến gặp vua Lê không có dáng vẻ “phò Lê” nào cả. Đúng như linh mục Thomas Diên viết: “Ai nếu đều tin chắc rằng Bắc Vương ra Bắc Kỳ là để chiếm ngai vàng vương quốc mà thôi.”

Theo giai thoại Thăng Long thì Nguyễn Huệ mặc tướng phục mang theo thanh gươm cùng các võ tướng Tây Sơn đi vào sân rồng mà không cần quan tâm đến phép tắc nào cả.

Bỗng người đứng đầu thị vệ bước lại cản đường ngay trước mặt, nhìn thẳng vào Nguyễn Huệ kính cẩn nói: “Dám thưa tướng quân, theo phép nước, khi lên điện chầu vua, không được phép mang gươm. Xin tướng quân cởi kiếm cho”.

Nguyễn Huệ đột nhiên bị cản trước mắt thì bất ngờ, trừng mắt nhìn người vừa nói. Nhưng viên chỉ huy thị vệ cương quyết đứng cản ngay trước mắt Nguyễn Huệ, yêu cầu ông phải giữ đúng phép tắc, quyết không nhường đường. Hai bên đứng nhìn nhau rất căng thẳng không ai muốn chịu ai.

Mấy viên tướng theo sau Nguyễn Huệ tiến lên sẵn sàng theo lệnh chủ tướng. Tuy nhiên người chỉ huy thị vệ vẫn điềm nhiên không thay đổi thái độ, yêu cầu tất cả phải bỏ lại vũ khí.

Nguyễn Huệ nhìn quanh rồi quyết định bỏ vũ khí của mình lại và yêu cầu tả hữu làm tương tự. Lúc này người thị vệ mới mời phái đoàn Tây Sơn bước vào gặp Vua.

Nguyễn Huệ biết vua Lê hoàn toàn bị chúa Trịnh lấn át nên rất xem thường, thế nhưng khí phách của người thị vệ khiến Nguyễn Huệ giữ lễ với vua Hiển Tông đang lâm bệnh. Nhờ đó cuộc gặp gỡ giữa vua Lê và quân Tây Sơn diễn ra êm ả. Sau này Nguyễn Huệ biết được rằng người thị vệ cản đường ông là Phương Đình Pháp, người ở Quán La, sát kinh thành Thăng Long.

Sau này, Nguyễn Huệ dù là người có tài chinh chiến nhưng không được lòng dân. Lòng người đều hướng về nhà Nguyễn. Vì thế khi Nguyễn Huệ mất thì nhà Tây Sơn cũng dần suy yếu và sụp đổ.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: