Khi tri thức được phân mảnh để truyền đạt trong các giờ học đồng loạt thì học tập chỉ còn là quá trình nhớ rồi quên, quên rồi nhớ những thông tin rời rạc và người học khó có thể tích lũy tri thức thật sự.

Phương pháp giáo dục với hình thức truyền đạt bài giảng là một trong những phương pháp cổ nhất trong lịch sử giáo dục. Gốc rễ của nó là tư tưởng cho rằng giáo dục có sứ mệnh làm cho các thế hệ đi sau kế thừa thành tựu vĩ đại trong quá khứ và truyền đạt lại chính xác các tri thức đã được tạo ra trong quá khứ cho các thế hệ tiếp theo. Quan điểm giáo dục này ngay từ xa xưa đã được đông đảo mọi người tiếp nhận, và tất cả các hoạt động được tiến hành dưới danh nghĩa giáo dục đã được tiến hành dựa trên quan điểm này. Ngay cả trong thời hiện đại ngày nay, giống như sự biểu đạt thể hiện trong từ “giáo dưỡng chủ nghĩa”, tư duy cho rằng con người để sống thật sự là người trong xã hội thì cần phải học tập văn hóa-văn minh mà loài người từ trước đến nay đã tạo nên. Như vậy, từ đây có thể thấy, quan điểm giáo dục lấy mục đích là truyền đạt tri thức vẫn có sức hấp dẫn sâu sắc đối với con người ngay cả trong xã hội hiện đại.

Trong chương trình kiểu truyền đạt thông tin, để học sinh có thể học một cách năng suất và hiệu quả di sản văn hóa khổng lồ của nhân loại, tất cả các tri thức sẽ được phân chia thành các lĩnh vực học thuật như Toán học, Khoa học, Địa lý, Lịch sử và các tri thức được phân loại đó sẽ được chia nhỏ hơn nữa, sắp xếp thành hệ thống từ đơn giản đến phức tạp, từ vi mô đến vĩ mô. Theo đó, người ta tính toán rằng nếu như giáo viên giảng giải theo đúng chương trình, thì học sinh sẽ có thể học được từ đầu đến cuối văn hóa quan trọng của nhân loại.

Tuy nhiên, nghiên cứu về học tập và trí nhớ trong lĩnh vực tâm lý học những năm gần đây đã cho chúng ta biết kết quả rất sốc. Đó là cho dù có học tập các tri thức hay thông tin được phân đoạn, chia nhỏ như trong chương trình truyền thống thế nào đi nữa thì cuối cùng cũng không thể có được hình ảnh toàn thể về khoa học đáng mong đợi từ việc học tập. Cho dù là thông tin vốn ban đầu có ý nghĩa đi nữa nhưng một khi đã bị phân mảnh thì nó không chỉ mất đi ý nghĩa vốn có mà còn mất đi mối liên quan giữa các thông tin. Vì vậy, trong chương trình truyền thống, người học phải ghi nhớ một lượng lớn thông tin mà không hề hiểu ý nghĩa. Tuy nhiên, những thông tin không có ý nghĩa này sẽ không được lưu giữ trong bộ não như là kí ức cho nên nhanh chóng bị loại bỏ khỏi trí nhớ. Kết quả là, cho dù có duy trì việc học như thế đi nữa thì nó cũng chỉ là quá trình lặp đi lặp lại của nhớ rồi quên, quên rồi nhớ và thông tin rất khó có thể tích lũy để trở thành tri thức thật sự của người học. Đặc biệt, những thông tin không có ý nghĩa này khi được truyền đạt bằng phương pháp một chiều như hình thức bài giảng thì hầu như không thể kì vọng người học sẽ tích lũy được tri thức. Do đó khi quay lại suy ngẫm về điều này từ quan điểm vĩ mô là kế thừa di sản văn hóa của nhân loại thì chuyện thế hệ sau kế thừa chính xác di sản của con người trong quá khứ trong tư cách là tri thức cũng gần như trở thành bất khả và hoàn toàn không thể kì vọng ở đó việc sinh ra các tri thức mới. Tóm lại, chừng nào còn tiến hành giáo dục như vậy thì không những không kế thừa được tri thức mà lại sa lầy vào con đường “tái sản xuất rút gọn tri thức” và đến lúc nào đó sẽ gặp phải vấn đề chí mạng là di sản văn hóa vĩ đại của nhân loại sẽ biến mất.

Cho đến nay, giờ học đồng loạt đã bị phê phán rất nhiều nhưng đừng quên rằng trên thực tế, nó là một đại phát minh còn lại trong lịch sử giáo dục. Trước phát minh này, cho đến thế kỉ XVIII, trí thức, tăng lữ là giáo viên, sử dụng một góc nhà thờ hay nhà riêng, tập hợp trẻ em lại và tiến hành từng hoạt động giáo dục. Ở đó, giáo viên tiến hành hướng dẫn từng học sinh một, tức là tiến hành giáo dục mang tính chỉ đạo cá biệt. Không có chương trình, cũng không có giáo án. Có thể nói đó là sự hướng dẫn có tính chất dò dẫm dựa trên phán đoán tức thời ở thời điểm đó. Tuy nhiên phương pháp này sẽ gặp phải giới hạn về số lượng trẻ em giáo viên có thể hướng dẫn. Ở nước Anh nửa sau thế kỉ XVIII, nhu cầu về giáo dục bắt đầu tăng lên, và các phương pháp từ trước đến nay dần không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn. Vì vậy mà xuất hiện phương pháp giáo dục được coi là nguyên mẫu của giờ học đồng loạt là “Monitorial System”. Đây là phát minh của Joseph Lancaster (1778-1838) và là một phương pháp có hiệu suất kinh tế vô cùng tốt khi một số ít giáo viên có thể quản lý hàng trăm thậm chí trên cả nghìn học sinh. Giáo viên, lựa chọn trước các học sinh ưu tú và các học sinh nhiều tuổi, tiến hành giải thích chi tiết về nội dung giờ học. Những học sinh này được gọi là “trợ giảng-Monitor”, tuân theo những gì đã được giáo viên giảng giải trước đó, sẽ tiến hành giảng bài cho đông đảo học sinh tập họp lại trong giảng đường lớn. Mỗi một trợ giảng đảm nhận từ 10 đến 20 người…

Năng suất kinh tế cao của Monitorial System này đã được xã hội Anh khi đó đánh giá cao và nhanh chóng lan rộng ra toàn quốc đồng thời phổ cập ở châu Âu đại lục và châu Mĩ. Tuy nhiên, đến giữa thế kỉ XIX, giới hạn của Monitorial System đã bộc lộ. Khi các môn giáo khoa mới như Địa lý, Lịch sử, Khoa học tự nhiên được đưa vào trường bên cạnh các môn cũ như Đọc, Viết, Tính toán (Reading, Writing, Arithmetic: 3Rs) thì với năng lực của trợ giảng việc giảng dạy chúng trở nên bất khả. Thêm nữa, khi đông đảo học sinh chia thành các nhóm học ở giảng đường lớn thì kiểu gì cũng phát ra tiếng ồn khiến cho không chỉ ảnh hưởng tới giờ học mà còn làm cho học sinh khó có thể tập trung tốt vào giờ học. Vì vậy, vào giữa thế kỉ XIX, Samuel Wilderspin (1792-1866) đề xướng phương pháp giảng dạy mới, ở đó một giáo viên chỉ đạo nhiều học sinh thay cho Monitorial System. Điểm nổi bật của phương pháp này là thay vì dạy những học sinh có tính chất khác nhau tập họp lại trong cùng một không gian, nó tổ chức từng tập thể học sinh có cùng tính chất và bố trí các tập thể đó vào từng không gian độc lập. Nhờ thế mà một giáo viên có thể tiến hành giờ học đồng loạt cho nhiều học sinh và có thể giải quyết được vấn đề của Monitoring System trong khi vẫn duy trì được hiệu quả kinh tế. Đây chính là giờ học đồng loạt mà chúng ta thấy ở trường học ngày nay.

Nói không quá rằng phương pháp giảng dạy có thể gọi là “phương thức sản xuất lớn” này đã không chỉ đáp ứng được nhu cầu giáo dục liên tục gia tăng lúc đương thời mà còn kiến tạo nên phương pháp giáo dục khoa học lưu truyền trong lịch sử. Tuy nhiên, giờ học đồng loạt do được lập kế hoạch và thực hiện theo logic của giáo viên, tức phía người dạy, cho nên nó có xu hướng coi nhẹ mối quan tâm, hứng thú của học sinh-người học và khi bước vào thời đại bão hòa giáo dục, khi mọi trẻ em đều có thể tiếp nhận giáo dục thì vấn đề đó nhanh chóng thể hiện ra bên ngoài.

Xã hội hiện đại đang ngày càng trở nên phức tạp do sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kĩ thuật. Một lượng lớn thông tin, tri thức mới được tạo ra hằng ngày và bao vây tràn ngập xung quanh chúng ta. Hơn nữa, do sự phát triển của mạng lưới thông tin liên lạc, chúng ta có thể tiếp cận các tri thức, thông tin đó một cách dễ dàng. Chúng ta có thể có ngay thông tin cần thiết trong tay bất kì lúc nào, bất cứ ở đâu. Trong môi trường như thế, việc đông đảo học sinh duy trì mối quan tâm, hứng thú mạnh mẽ đối với giờ học đồng loạt đã trở thành chuyện khó khăn. Nếu như cố duy trì giờ học đồng loạt thì cần phải nỗ lực thu hút sự quan tâm của học sinh ở nơi nào đó tách biệt với việc học tập. Vì thế mà người ta đã đưa vào sự cạnh tranh. Người ta làm cho học sinh cạnh tranh với nhau, giáo viên luôn thúc ép học sinh “nếu cố gắng em sẽ có thứ hạng cao hơn”, khen thưởng học sinh đạt thứ hạng cao hơn và phạt học sinh có thứ hạng thấp hơn. Nhờ làm như thế mà duy trì được mối quan tâm của học sinh đối với giờ học. Tuy nhiên, trong các giờ học đó, học sinh học không phải vì thu nhận kiến thức mà vì “muốn được giáo viên khen”, “muốn được thưởng”, “không muốn bị phạt”… Có thể nói sự thật chắc chắn rằng nó đã tạo ra vấn đề trầm trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Trích “Cải cách giáo dục Việt Nam
Tác giả: Tanaka Yoshitaka
Nguyễn Quốc Vương dịch

Theo tác giả Tanaka Yoshitaka, đã có nhiều ý kiến đề xuất đa dạng hóa hình thái giờ học. Chủ trương này xuất phát từ các nghiên cứu của khoa học trí tuệ, cho rằng, ở giờ học đồng loạt, sự lý giải của học sinh sẽ không trở nên sâu sắc, và trong phần lớn các trường hợp, nội dung ghi nhớ cũng không đầy đủ. Các nghiên cứu cũng chỉ ra, để làm sâu sắc sự lý giải thì cần coi trọng những hoạt động chủ động của bản thân học sinh như sử dụng tài liệu nghe nhìn, biểu diễn, thảo luận trong nhóm, chế tạo trong thực tế, và thời điểm giúp làm sâu sắc kiến thức nhất là khi truyền đạt kiến thức đã học cho người khác hoặc sử dụng nó trong thực tế đời sống hằng ngày.

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm:

Mời xem video: