Tục ngữ nói: “Mỗi người đều có cảm xúc tức giận, phát ra là bản năng, áp chế được là bản lĩnh”. Bởi vậy có thể thấy, không dễ dàng tức giận, luôn giữ được vẻ ôn hòa với mọi người chính là một loại mỹ đức, cũng là giáo dưỡng cao thượng.

Giữ được vẻ mặt ôn hòa là giáo dưỡng cao nhất
(Ảnh minh họa: ESB Professional, Shutterstock)

Đối với vợ chồng, vẻ mặt ôn hòa thể hiện tình yêu thương

Vợ chồng là những người song hành cùng nhau lâu dài nhất trong cuộc đời. Thái độ của một người đối với người vợ, người chồng của mình sẽ thể hiện rõ nhất sự tu dưỡng của người ấy.

Rất nhiều thời điểm, người chồng hay người vợ chịu áp lực bên ngoài và về trút giận lên tổ ấm của mình. Điều này không chỉ thể hiện phẩm chất của người ấy mà lâu dần còn khiến mối quan hệ vợ chồng rạn nứt, không khí gia đình căng thẳng, ngột ngạt.

Giữa vợ chồng với nhau, giữ được vẻ mặt ôn hòa, quan tâm không chỉ thể hiện ra tình yêu thương cho đối phương mà còn khiến tình cảm vợ chồng lâu bền, khăng khít.

Đối với người lạ, vẻ mặt ôn hòa thể hiện lễ độ

Đối với người xa lạ, giữ vẻ mặt ôn hòa là phép tắc căn bản nhất trong giao tiếp. Làm người, kiêng kỵ nhất chính là quá đề cao cảm xúc của bản thân, đối đãi với người thân phận cao hơn thì mặt như gió xuân, đối đãi với người không bằng mình thì mặt như băng sương, coi thường hiển lộ rõ ra ngoài mặt.

Có câu rằng: “Sông có khúc, người có lúc”, đời người luôn biến đổi không ngừng, hiện tại chúng ta đối với người khác khinh thường, thì cũng sẽ có người khinh thường chúng ta. Con người phải học được cách hoán đổi vị trí để suy nghĩ, đối nhân xử thế cần có lễ độ.

Giữa người với người chính là có mối quan hệ qua lại. Khi chúng ta trao cho người khác một cành hoa, trên tay sẽ lưu lại hương thơm. Thông thường chúng ta đối xử tốt với người khác, người khác mới có thể đối tốt với chúng ta, chúng ta đối xử lễ phép với người khác, người khác mới có thể lễ phép lại với chúng ta.

Đối với cha mẹ, vẻ mặt ôn hòa thể hiện lòng hiếu kính

Tử Hạ từng hỏi Khổng Tử về hiếu. Khổng Tử nói: “Luôn giữ được vẻ mặt, thái độ vui vẻ với cha mẹ mới là khó nhất. Nếu chỉ chu cấp ăn mặc giúp cha mẹ thì sao gọi là hiếu được?”

“Sắc mặt” của con cái đối với cha mẹ bao hàm hai ý nghĩa. Một là khi chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ thì con phải luôn luôn giữ được sắc mặt ôn hòa, vui vẻ. Hai là bất luận cha mẹ có vui vẻ hay không thì con cái vẫn phải thủy chung cung kính, hiếu thảo. Đây mới thực sự là hiếu thảo và cũng là việc khó nhất. Một người con thực sự có tu dưỡng, có hiếu kính mới làm được như vậy.

Đối với bạn bè, vẻ mặt ôn hoà thể hiện sự tôn trọng

Đối với bạn bè, vẻ mặt ôn hoà là một loại tôn trọng và thể hiện nhân cách của bản thân. Bạn bè có rất nhiều loại: tâm đầu ý hợp, quen sơ sơ,… Bạn bè chân chính sẽ cùng chúng ta chung hoạn nạn, khi chúng ta đi sai đường sẽ thẳng thắn chỉ ra cho chúng ta.

Khi bạn bè chỉ ra sai lầm của chúng ta, chúng ta cần ôn hòa, khiêm tốn mà tiếp nhận. Nên biết rằng, không phải người bạn nào cũng có thể làm như vậy. Chúng ta chỉ cần biểu hiện khó coi một chút, sẽ đánh mất đi những người thầy đáng trân quý này.

Ai cũng đều có những phút giây tâm tình không vui, nhưng khi đó, đừng lấy bạn bè xung quanh làm nơi trút giận, vẻ mặt khó chịu sẽ khiến cho tình bạn chịu tổn thương rất lớn. Tri kỷ khó gặp, bạn bè như một tấm gương, đánh vỡ rồi thì không cách nào khôi phục được hình dáng như lúc trước.

Đối đãi với bạn bè bằng vẻ mặt ôn hòa, học được cách loại bỏ những cảm xúc không tốt, đối với những kiến nghị của bạn bè thì khiêm tốn tiếp nhận, điều ấy không chỉ tốt cho bản thân chúng ta mà còn thể hiện sự tôn trọng với bạn bè.

Đối với lời góp ý, vẻ mặt ôn hòa thể hiện trí tuệ

Thời cổ đại, các bậc trí giả, những người có đạo đức cao thượng khi nghe người khác chỉ ra lỗi lầm của bản thân thì vui mừng và khiêm tốn tiếp thu ý kiến, luôn luôn giữ được một tâm thái tốt đẹp an hòa.

Thời nhà Đường, Hoàng đế Đường Thái Tông đối với những lời can gián thẳng thắng của các vị quan trong triều đều luôn khiêm tốn tiếp thu. Một lần, Đường Thái Tông có ý định đi dạo ở Lạc Dương, bèn hạ lệnh tu sửa cung điện Đông Đô. Một vị đại thần thấy vậy đã thẳng thắn can gián, nói rằng trong khi đất nước còn có trăm thứ cần tu bổ, thì việc đại tu cung điện này chính là đi theo con đường diệt quốc.

Đường Thái Tông nghe xong, trong lòng nổi giận, nhưng không thể hiện ra. Sau khi suy nghĩ kỹ, ông đã giữ được vẻ ôn hòa mà nói với vị đại thần rằng mình đã không cân nhắc chu toàn. Cuối cùng ông tiếp nhận lời can gián ấy một cách vui vẻ. Trong suốt quá trình trị vì của mình, Hoàng đế Đường Thái Tông luôn vui vẻ tiếp nhận lời phê bình từ quân thần, cũng nhờ đó mà đất nước được thái bình, dân chúng được an vui.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: