Theo nghiên cứu liên quan của nhiều nhà khoa học xã hội, ngày nay niềm tin tôn giáo truyền thống đang giảm sút tại Hoa Kỳ. Ngày càng ít người Mỹ xem mình thuộc về một nhà thờ có lịch sử lâu đời. So với các thế hệ trước, hàng tuần cũng có ít người Mỹ tham dự các buổi lễ tôn giáo hơn.

book 1210030 1920 700x420 1
(Nguồn: Free-Photos/Pixabay)

Một số người Mỹ xem những phát triển này từ góc độ thực nghiệm thuần túy, như là bằng chứng cho sự thay đổi về văn hóa. Một số khác lại chỉ trích các tôn giáo truyền thống, cho rằng sự suy tàn của tôn giáo Mỹ là xu hướng tất yếu, một dấu hiệu cho thấy con người đang dần thoát khỏi những đức tin lạc hậu và sự mê tín phi lý, không phù hợp với thời đại lý tính hiện đại.

Tuy nhiên, 2 quan điểm này không phù hợp với truyền thống chính trị chủ đạo của Hoa Kỳ. Truyền thống này tin rằng tôn giáo không phải là một vấn đề riêng tư và sự suy tàn của nó chỉ là một sự tò mò về xã hội học, cũng không phải là di tích của một quá khứ chưa được soi sáng mà thế giới đương đại có thể vui vẻ khám phá. Thay vào đó, truyền thống này cho rằng tôn giáo là một yếu tố quan trọng trong nền văn hóa chính trị Hoa Kỳ.

Theo cách hiểu cổ xưa này, nếu công dân Hoa Kỳ không có niềm tin và thực hành tôn giáo rộng rãi, thì chính quyền nước này sẽ không thể đạt được mục tiêu, nói cách khác là Hoa Kỳ không thể thực sự trở thành Hoa Kỳ.

Để hiểu rõ hơn về tuyên bố này, chúng ta cần xem xét lại các mục tiêu hoặc tôn chỉ của chính quyền Hoa Kỳ. Đặc biệt phải thừa nhận rằng hình thức chính phủ và lối sống chính trị của chúng ta, được thiết kế để dung hòa một số mục tiêu thường mâu thuẫn với nhau.

Một mặt, chúng ta cam kết thực hiện quyền tự chủ của quốc gia, tức là thiểu số phục tùng đa số. Mặt khác, chúng ta cũng cam kết bảo vệ quyền của mỗi cá nhân. Có một sự đồng thuận rộng rãi rằng những quyền này không chỉ là sản phẩm của các cuộc đàm phán chính trị, mà còn bắt nguồn từ quyền tự nhiên. Chúng là một phần của trật tự đạo đức vĩnh hằng mà tất cả các chính phủ, kể cả các chế độ dân chủ, đều có nghĩa vụ tôn trọng trật tự này.

Tuy nhiên, kinh nghiệm đau thương cho chúng ta thấy, đa số không phải lúc nào cũng trị vì một cách công minh, không phải lúc nào cũng tôn trọng quyền của cá nhân hoặc của thiểu số bất lực về mặt chính trị. Một trong những mối nguy hiểm của nền dân chủ là sự chuyên chế của đa số. Mục tiêu ban đầu của những vị quốc phụ sáng lập Hoa Kỳ là thiết lập một quốc gia mà trong đó, đa số sẽ được trao quyền cai trị, nhưng đồng thời cũng thiết lập một cơ chế hạn chế, nhằm giảm thiểu xác suất về chế độ chuyên chế của đa số.

Để đạt được mục tiêu này, những nhà sáng lập Hoa Kỳ ở một mức độ nào đó đã dựa vào các sắp xếp thể chế thận trọng được thể hiện trong Hiến pháp. Họ chia Quốc hội và cơ cấu lập pháp thành hệ thống lưỡng viện, gồm Thượng viện và Hạ viện. Đồng thời yêu cầu bất kỳ đạo luật nào cũng phải đạt được đa số phiếu trong cả 2 viện của Quốc hội, từ đó làm giảm khả năng chuyên chế của đa số. Chế độ tam lập phân quyền giữa bộ phận lập pháp, hành pháp và tư pháp đã tăng thêm sự đảm bảo này. Nếu một nhóm đa số chuyên chế nắm quyền kiểm soát cả 2 viện của Quốc hội, thì mục đích của họ có thể gặp trở ngại bởi quyền phủ quyết của tổng thống, hoặc việc Tòa án tối cao xem xét hiến pháp đối chiếu với hành động của Quốc hội.

Cuối cùng, chủ trương phân chia quyền lực giữa chính phủ liên bang và các tiểu bang, sẽ hạn chế xác suất của chế độ chuyên chế đa số, bằng cách đảm bảo rằng đa số người trong quốc gia không có quyền chi phối đời sống chính trị của cả nước. Mà phần lớn trong đó được dành riêng cho quyền tự quản của các tiểu bang, với tư cách là các cộng đồng chính trị riêng biệt.

Tuy nhiên, những vị quốc phụ Hoa Kỳ không hề tin rằng bản thân cấu trúc hiến pháp này sẽ có đủ khả năng bảo vệ và ngăn chặn sự chuyên chế của đa số. Họ cũng nhận ra rằng đất nước cần một nhóm công dân có đạo đức nghiêm túc. Bản thân nhóm này có đạo đức, kỷ luật và có thể chống lại dục vọng xâm phạm quyền của người khác theo đuổi lợi ích của bản thân.

Theo lời của James Madison (1751-1836), Tổng thống thứ 4 của Hoa Kỳ, tầm quan trọng của việc sắp xếp thể chế như “các biện pháp phòng ngừa mang tính bổ trợ” là điều hiển nhiên. Nhưng cần hiểu rằng tuyến phòng hộ đầu tiên ngăn chặn sự chuyên chế là đạo đức tốt đẹp và sự tu dưỡng của chính người dân.

id13403948 Adams Montpelier 007 1200x800 1
Nhà của Tổng thống James Madison tại thành phố Montpelier, thủ phủ bang Vermont, và khung cảnh nông thôn từ bàn làm việc của ông. (Ảnh: Bill Adams/ Montpelier Foundation)

Trong bài diễn văn từ biệt của mình năm 1796, George Washington (1732-1799), vị Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, đã đưa ra lời biện hộ nổi tiếng nhất cho quan điểm này.

Khi chuẩn bị rời nhiệm kỳ tổng thống và rút lui khỏi các công việc chung, Tổng thống Washington đã khuyên người dân trong nước, nếu muốn thử nghiệm về quyền tự chủ của quốc gia thành công thì cần phải theo đuổi các chính sách đúng đắn và trau dồi những thói quen tốt.

Ông cảnh báo nguy cơ bè phái trong chính sách đối nội và gắn bó quá mức với các lợi ích của châu Âu trong chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, ông cũng coi tôn giáo là yếu tố tất yếu trong việc đảm bảo sự phát triển chính trị lành mạnh ở quốc gia mới nổi này.

Tổng thống Washington tin rằng “trong tất cả các đặc tính và thói quen thúc đẩy sự thịnh vượng chính trị, thì tôn giáo và đạo đức là những lực lượng hỗ trợ không thể thiếu”. Ông chỉ ra rằng tôn giáo và đạo đức là “trụ cột vững chắc nhất trong nghĩa vụ của người dân và công dân”. Do đó, đây cũng là “trụ cột vĩ đại của phúc lợi của nhân loại”. “Những người ngoan đạo”, “những chính trị gia trong sáng” đều cần được trân trọng như nhau.

Tổng thống Washington tiếp tục liên kết sức mạnh của tôn giáo và đạo đức với các quyền của người dân mà chính phủ cam kết bảo vệ. Ông đặt câu hỏi: “Nếu ý thức về nghĩa vụ tôn giáo lại chối bỏ lời thề vốn là công cụ điều tra tại các tòa án công lý, thì làm thế nào tài sản, danh tiếng và tính mạng được đảm bảo?”

Cuối cùng, Tổng thống Washington nhắc nhở người dân của mình rằng trong thực tiễn chính trị, có 2 lực lượng vĩ đại không thể tách rời nhau là tôn giáo và đạo đức. Nói cách khác, nếu không có ảnh hưởng phổ quát của tôn giáo, con người không thể hy vọng sẽ duy trì được một xã hội dân sự có đạo đức.

Tổng thống Washington không khẳng định rằng nếu không có sự hỗ trợ của niềm tin tôn giáo, con người sẽ không thể duy trì được sự chính trực về đạo đức. Ông thừa nhận sức mạnh đạo đức của một “nền giáo dục tinh tế” đối với “những bộ óc có cấu trúc đặc biệt”. Tuy nhiên, ông cho rằng trong cuộc sống của công dân, những công dân không có tín ngưỡng tôn giáo, nhưng đồng thời vẫn nghiêm túc về đạo đức là trường hợp ngoại lệ, không phải là điều thường gặp.

Do đó, Tổng thống Washington khuyến nghị người Mỹ nên “thận trọng buông bỏ giả định rằng đạo đức có thể được duy trì mà không cần tôn giáo”. Bởi “sự lý tính và kinh nghiệm không cho phép chúng ta mong đợi đạo đức một quốc gia có thể chiến thắng khi bài trừ các nguyên tắc tôn giáo.”

Với tư cách là Tổng thống, ông Washington đã hành động dựa trên những quan điểm này và dùng chức vị của mình để thúc đẩy đức tin và việc thực hành tôn giáo.

Trong những ngày đầu cầm quyền, Quốc hội đã đề nghị Tổng thống Washington “đề xuất cho người dân Mỹ một ngày Lễ Tạ ơn và cầu nguyện công khai, ghi nhận với lòng biết ơn những ân huệ to lớn mà ‘Chúa toàn năng’ đã ban tặng cho người dân của đất nước.”

Trong “Tuyên ngôn Tạ ơn” (Thanksgiving Proclamation) nổi tiếng năm 1789, Tổng thống Washington tin rằng: “Mọi quốc gia đều có nghĩa vụ công nhận ý chỉ của Đức Chúa Trời toàn năng, tuân theo ý chí của Đức Chúa Trời, cảm tạ Ngài vì những món quà của Ngài, và khiêm tốn cầu xin sự che chở và ân sủng của Ngài.”

Sau đó, Tổng thống Washington đề xuất rằng Thứ Năm, ngày 26/11 năm đó, sẽ được chỉ định là ngày để “mọi công dân phụng sự” Đức Chúa Trời, tạ ơn Ngài vì nhiều phước lành mà Ngài đã mang đến cho đất nước. Đồng thời tìm kiếm từ Ngài sự “tha thứ cho những lỗi lầm của đất nước chúng ta và những phương diện khác”, cũng như thỉnh cầu Chúa “ban cho sự phồn thịnh nơi thế tục cao nhất mà tất cả nhân loại có thể có được.”

Một số người có thể phản bác rằng về những vấn đề này, Tổng thống Washington không thể đại diện hoàn toàn cho quan điểm của tất cả những vị quốc phụ. Có lẽ ông ấy chỉ đưa ra một cách giải thích về tôn giáo và chính trị theo chủ nghĩa liên bang của phe bảo thủ.

Vậy xét một cách tương đối, những người thuộc phái Jefferson, thiên về tự do và tư duy thế tục, sẽ nhìn nhận điều này như thế nào?

Kỳ thực, so với Tổng thống Washington, Tổng thống Thomas Jefferson (1743-1826), vị tổng thống thứ tư của Hoa Kỳ, không có cái nhìn khác biệt nhiều về địa vị của tôn giáo trong nền chính trị Hoa Kỳ.

Trong cuốn “Ghi chú về bang Virginia” (Notes on the State of Virginia) nổi tiếng của mình, Tổng thống Jefferson đã coi niềm tin tôn giáo là điều kiện cần thiết hỗ trợ cho sự tôn trọng các quyền của con người. Quan điểm này hoàn toàn đồng nhất với Tổng thống Washington.

Khi phản ánh về vấn đề khủng khiếp của chế độ nô lệ trong lịch sử Hoa Kỳ, Tổng thống Jefferson đặt câu hỏi: “Người dân tin chắc rằng tự do là món quà của Thượng đế ban tặng cho tất cả mọi người. Nếu xóa bỏ nền tảng vững chắc duy nhất này, liệu chúng ta vẫn có thể nghĩ rằng tự do của đất nước mình sẽ được an toàn hay sao? Liệu chúng ta có còn nghĩ rằng những quyền tự do này là thiêng liêng và bất khả xâm phạm được không?”

Có thể chắc chắn Tổng thống Jefferson tin rằng Tu chính án thứ nhất đại diện cho nguyên tắc “tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước” và ngăn chặn chính phủ liên bang sử dụng quyền lực của mình để thúc đẩy niềm tin tôn giáo. Vì vậy, ông từ chối tuân theo tiền lệ của Tổng thống Washington và Tổng thống John Adams, không đưa ra bất kỳ thông báo nào của chính phủ về Lễ Tạ ơn.

Tuy nhiên, Tổng thống Jefferson đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tôn giáo đối với lợi ích chính trị của Hoa Kỳ dưới danh nghĩa tổng thống trong nhiệm kỳ của mình.

Trong bài phát biểu nhậm chức tổng thống đầu tiên của mình, Tổng thống Jefferson trích dẫn rằng “phước lành” của Chúa đã khiến người Mỹ trở thành “những người dân hạnh phúc và thịnh vượng”. Ông cũng chỉ ra rằng người Mỹ “được truyền cảm hứng từ một tôn giáo nhân từ. Thật vậy, họ hồng dương đức tin và thực hành dưới nhiều hình thức khác nhau. Đồng thời, họ cũng đang chỉ dẫn về tính trung thực, chân lý, sự tiết chế, lòng biết ơn và sự dung nhẫn.”

Những vị quốc phụ không cho rằng giữa niềm tin của họ về sự cần thiết chính trị đối với các công dân tôn giáo, và quyết tâm khuyến khích đức tin và thực hành tôn giáo, mâu thuẫn với những cam kết cũng không kém phần kiên định của họ về tự do tôn giáo.

Tổng thống Jefferson coi cuốn sách “Quy chế bang Virginia về Tự do Tôn giáo” (Virginia Statute for Religious Freedom) là một trong những thành tựu quan trọng nhất trong sự nghiệp chính trị của ông.

Trong “Tuyên ngôn về ngày Lễ Tạ ơn”, Tổng thống Washington đã đề cập rằng “dân quyền và tự do tôn giáo” là những quyền tự nhiên mà mọi công dân nên trân trọng và cảm tạ.

Sau đó, trong bài báo nổi tiếng “Thư gửi Giáo đoàn Do Thái tại Newport” (Letter to the Hebrew Congregation at Newport), Tổng thống Washington đã đánh giá cao “chính sách khoan hồng và tự do” của Hoa Kỳ. Nhờ đó chính sách này trao cho mọi công dân “quyền tự do tín ngưỡng bình đẳng và quyền miễn trừ của công dân.”

Ông tiếp tục nói rằng điều này không liên quan đến “lòng khoan dung” thuần túy trong tôn giáo, mà giống như “sự nuông chiều của những người thuộc giai cấp này cho phép những người thuộc giai cấp khác được hưởng các quyền tự nhiên vốn có của họ”. Ông giải thích rằng hình thức của Chính phủ Hoa Kỳ “không ủng hộ sự cố chấp và cũng không ủng hộ việc ngược đãi”. “Chỉ những công dân sống dưới sự bảo hộ của chính phủ, mới được yêu cầu thực hiện vai trò công dân của mình và họ có thể hỗ trợ hiệu quả cho chính phủ trong mọi trường hợp.”

Vì vậy, đối với các bậc khai quốc, cần khuyến khích tín ngưỡng và việc thực hành đức tin của người dân. Bởi đây là điều cần thiết để lập nên một chính quyền tự chủ, đường hoàng và ôn hòa. Đồng thời niềm tin tôn giáo và việc thực hành thể chất của người dân cũng sẽ không phải chịu bất kỳ hình thức cưỡng chế nào. Vì những hành vi đó là xâm phạm tự do tôn giáo.

Trong những ngày đầu lập quốc, từ lâu các cuộc thảo luận về mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị đã trở thành xu hướng chủ đạo trong truyền thống chính trị Hoa Kỳ. Trong quá khứ, mối quan hệ tích cực và thúc đẩy giữa 2 bên đã được các chính trị gia lớn của nước này nhiều lần khẳng định. Ví dụ tiêu biểu nhất là Tổng thống Lincoln.

Giống như những vị quốc phụ khác, vị tổng thống thứ 16 Abraham Lincoln (1809-1865) cũng hết lời ca ngợi việc bảo vệ tự do tôn giáo của Chính phủ Hoa Kỳ.

Năm 1838, trong bài diễn văn nổi tiếng về Lyceum (Lyceum Address), Tổng thống Lincoln đã chỉ ra rằng Hoa Kỳ theo đuổi “tôn chỉ có lợi cho việc thực hiện tự do dân sự và tôn giáo hơn bất kỳ thể chế chính trị nào khác trong lịch sử.”

Đồng thời, Tổng thống Lincoln cũng khẳng định tầm quan trọng của tôn giáo đối với đạo đức của một xã hội chính trị. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1846, Tổng thống Lincoln bị các đối thủ chính trị bôi nhọ là “một sự nhạo báng công khai đối với Cơ đốc giáo.”

Tổng thống Lincoln đã công khai phủ nhận lời buộc tội ác ý này. Sau đó, ông nói thêm một cách ẩn ý rằng ông không tin bản thân có thể ủng hộ bất cứ kẻ thù nào của tôn giáo lên nắm giữ chức vụ công quyền. Bởi vì ông “không cho rằng bất cứ ai cũng đều có quyền xúc phạm tình cảm và làm tổn thương đạo đức của nhiều người xung quanh họ.”

Do đó, Tổng thống Lincoln rất đồng tình với Tổng thống Washington và tin rằng tấn công nhằm vào tôn giáo cũng là tấn công đạo đức cộng đồng.

Embed from Getty Images

Ngày 5/2/1865, Tổng thống Abraham Lincoln ngồi cho người khác chụp ảnh. (Ảnh: Getty Images)

Tổng thống Lincoln cũng theo sát Tổng thống Washington, ông sử dụng chức vụ tổng thống của mình khuyến khích niềm tin tôn giáo và các hoạt động kỷ niệm có liên quan.

Ví dụ, trong thông báo về Lễ Tạ ơn năm 1863, Tổng thống Lincoln cho rằng sự thịnh vượng của đất nước là nhờ phước lành của “Chúa toàn năng”, và tin rằng “tất cả người Mỹ nên trang trọng, tôn kính và biết ơn những phúc lợi này”. Vì vậy, ông đã đặt định ngày thứ Năm cuối cùng của tháng 11 hàng năm là “ngày tạ ơn và ngợi khen Đức Chúa Trời là Đấng ngự trên trời.”

Một số người trong chúng ta có thể tự mãn về sự suy tàn của tôn giáo Mỹ. Họ nghĩ rằng các quyền và tự do thuộc về hiện đại và tiến bộ, trong khi tôn giáo lại thuộc về quá khứ và sự phiền toái. Tuy nhiên, những vị khai quốc của Hoa Kỳ và truyền thống chính trị mà họ khai sáng đã nhiều lần cảnh báo chúng ta, rằng tư tưởng này là cực kỳ sai lầm. Tôn giáo hỗ trợ và thúc đẩy đạo đức cần thiết của một xã hội tự do.

Vì vậy, như Tổng thống Washington đã nói, chúng ta yêu nước và ngoan đạo, vì vậy chúng ta phải khuyến khích đức tin và việc thực hành tôn giáo. Đúng như Alexis de Tocqueville (1805-1859), một người bạn cũ của hệ thống dân chủ Hoa Kỳ, kiêm nhà tư tưởng chính trị nổi tiếng người Pháp, đã viết vào năm 1835 rằng:

“Chế độ chuyên quyền có thể không có đức tin, nhưng một xã hội tự do thì không thể như vậy … Nếu một quốc gia không biết kính sợ Đức Chúa Trời, tự cho mình là đúng, và hành động liều lĩnh, thì dân tộc đó sẽ đi đâu về đâu?”

Carson Holloway / RealClearWire

Giới thiệu về tác giả:

WEB CarsonHolloway
Giáo sư Carson Holloway

Ông Carson Holloway là giáo sư khoa học chính trị và giáo sư nghệ thuật tự do tại Đại học Nebraska ở thành phố Omaha, Hoa Kỳ. Ông từng thực hiện một dự án học giả thỉnh giảng tại Đại học Princeton. Ông còn là tác giả cuốn Hamilton đấu với Jefferson trong Chính quyền Washington” (Hamilton versus Jefferson in the Washington Administration, năm 2016), và là đồng tác giả cuốn “Các bài viết về chính trị của Alexander Hamilton” (The Political Writings of Alexander Hamilto, năm 2017) cùng với Bradford P. Wilson.

Mời xem thêm loạt video về “Hoa Kỳ lập quốc” tại đây.