Khi con người ở các tầng lớp trong xã hội không còn bị ước thúc bởi các giá trị đạo đức, thì tất yếu sẽ dẫn đến sự sa đoạ của các thành phần trong xã hội, các loại tệ nạn và các loại tội phạm sẽ xuất hiện ngày càng nhiều. Điều này đặc biệt đúng với những người làm quan, vốn mang trên vai sinh mệnh của dân chúng. Bởi vậy đạo làm quan cần thanh chính liêm khiết, không sợ quyền thế, nhưng phẩm chất tối quan trọng lại chính là hết lòng vì dân, thương dân.

Chuyện xưa ngẫm lại: Làm quan "không hổ thẹn"
(Tranh minh họa: Council Auction House, Public Domain)

Hứa Tốn, tên tự là Kính Chi, là một Đạo sỹ trứ danh trong triều đại nhà Tấn (265-420 SCN). Ông làm quan Tri huyện của huyện Tinh Dương. Ông là người trí thức, hiếu học, chân thật, và không tham cầu danh lợi. Ông cũng là một người thông tuệ văn chương, thiên văn, y dược, địa lý, và khoa học. Ông thường hành thiện giúp người. Khuyên người tu đạo, cứu nạn giải nguy… được nhiều người cảm kích.

Có một câu chuyện về sự chân thật của Hứa Tốn như vậy. Ngày nọ, Hứa Tốn ra chợ và mua một cây cọc đèn bằng sắt. Khi ông đánh bóng cây cọc đèn, ông phát hiện rằng phía dưới lớp sơn là vàng chứ không phải sắt. Vì thế, ông lập tức quay lại chợ và tìm người đã bán cây cọc đèn đó để trả lại cây cọc đèn. Người bán hàng vô cùng cảm kích và kể với Hứa Tốn rằng qua nhiều năm binh đao loạn lạc không thể kiếm sống, ông ta phải bán đi của cải trong nhà, nhiều thứ trong đó được tổ tiên di lưu lại. Qua chuyện này, đạo đức của Hứa Tốn được khắp vùng biết đến.

Hứa Tốn làm quan Tri huyện của huyện Tinh Dương, giảm thiểu hình phạt, khuyến khích người ta hành thiện, và dùng người có đức vào những sự việc chủ chốt. Khi người dân canh tác bị lũ lụt, Hứa Tốn đã để cho họ canh tác trên những vùng đất của quốc gia.

Hứa Tốn vốn hiểu biết về y dược. Khi có dịch bệnh hoành hành, ông đã tự thân chữa bệnh cứu người. Người dân ở những vùng lân cận nghe tiếng Hứa Tốn đã di cư đến huyện Tinh Dương để sinh sống.

Hứa Tốn là người có tâm cầu đạo, ông cũng khuyên bảo mọi người cầu đạo hành thiện bất cứ khi nào có cơ hội. Ông viết cuốn sách “Giáo huấn về Bát Bảo” để đề cao những giá trị như “Trung Hiếu Liêm Cẩn, Khoan Dụ Dung Nhẫn.”

Hứa Tốn luận về từng đức hạnh như sau:

Người trung thì không khinh khi, người có hiếu thì không phản bội, người liêm khiết thì không tham nhũng, người cẩn trọng thì không mất mát, người khoan hòa thì được lòng dân, người ham học hỏi thì rộng kiến văn, biết dung hòa thì chứa đựng được nhiều, kẻ nhẫn thì được an nhàn thư thái.

Hứa Tốn tin rằng bằng cách nâng cao đạo đức của bản thân, con người có thể dung hòa với Đạo.

Nhờ vào sự giáo hóa của ông, dân chúng trong huyện đều muốn làm người tốt. Vào lúc đó, miền Đông nước Tấn đang có chiến tranh. Cuộc sống nhân dân đói khổ, chỉ trừ có huyện Tinh Dương là ngoại lệ.

Một cuốn sách cổ đã ghi chép rằng Hứa Tốn hưởng thọ 160 tuổi. Ông và các học trò được xem là “12 vị chân quân”. Tên huyện Tinh Dương được đổi thành huyện Đức Dương để nhớ đến đức hạnh làm quan của ông.

Theo “Noi gương Hứa Tốn: Minh đạo lập đức, giúp ích quần sinh”
Đăng trên Minghui.org
Tác giả: Trí Chân

Xem thêm:

Mời xem video: