Cầu Giấy ngày nay đã là một quận với 8 phường, nhưng cái tên của nó lại xuất phát từ một cây cầu rất bé nhỏ nằm trên đường Cầu Giấy, bắc ngang qua sông Tô Lịch, dòng sông hiện đã trở thành một… ống cống lớn của cả thành phố.

Đại Nam nhất thống chí triều Nguyễn có ghi: “Cầu dài 3 trượng, trên cầu có nhà lợp ngói ở huyện Từ Liêm, gọi tên là Giấy.” Như vậy cầu xây bằng gạch, trên lợp ngói, có thể sẽ chẳng kém gì cầu chùa Nhật Bản, một di tích nổi tiếng ở phố cổ Hội An hôm nay chăng?

Hà Nội xưa: Nghe Cầu Giấy kể chuyện
Cầu Chùa ở Hội An. (Ảnh: Dalbera, Wikipedia, CC BY 1.0)

Tuy vậy, những hình ảnh về cây cầu này còn lại đến nay thì không thấy có lợp ngói. Hẳn là do phần kiến trúc phía trên đã bị mất đi qua bao dâu bể…

Hà Nội xưa: Nghe Cầu Giấy kể chuyện
Hình ảnh còn lại về Cầu Giấy. (Ảnh: Hocquard, Wikipedia, Public Domain)

Cảm khái vì điều đó, người ta dễ sinh ra tò mò, muốn tìm hiểu về lịch sử cây cầu này. Và tất nhiên, câu hỏi đầu tiên nảy ra: Tên cầu vì sao lại đặt là “Giấy”?

Khu vực cây cầu được xây cũng là một cái nôi văn hiến, với những làng nghề cổ truyền: làng Giấy (Thượng Yên Quyết) từng có 9 tiến sĩ, làng Cót (Hạ Yên Quyết) cũng có 9 tiến sĩ, làng Nghĩa Đô (làng Nghè) 3 tiến sĩ, cử nhân tú tài thì lên đến hàng trăm người.

Nghề làm giấy ở Thượng Yên Quyết có từ thế kỷ thứ 13, trước cả vùng giấy Bưởi. Ngõ vào làng Giấy xưa ghi ‘chỉ tác’ nghĩa là làm giấy. Gần kề chiếc cầu này có chợ chuyên bán giấy do làng Hạ Yên Quyết (làng Cót) làm. Người dân trong vùng thường đem giấy bày bán ở chiếc cầu cổ nên cầu có tên là cầu Giấy.

Nghề làm giấy ở khu vực này cũng có truyền kỳ hết sức thú vị. Chuyện xưa kể rằng, ông tổ nghề giấy dó là Thái Luân từ Tàu sang đã đi suốt dọc ven sông Tô để dạy nghề. Thoạt tiên ông đến làng An Hòa – Thượng Yên Quyết toan truyền nghề cho dân. Song có người đối đãi với ông không tốt, ông bỏ đi lên vùng Bưởi, dạy nghề cho làng Hồ Khẩu, làng An Thọ, làng Đông Xã, làng Yên Thái, cuối cùng là Nghĩa Đô. Ở mỗi nơi ông dạy làm một loại giấy riêng.

Làng Hồ học được cách làm giấy bản, làng Đông học được cách làm giấy quỳ tức loại giấy vừa mỏng vừa dai để dân làng Kiêu Kỵ dùng lót dát vàng quỳ. Làng Yên Thái học được cách làm giấy lệnh, tức giấy bản tốt mà khổ lại lớn để viết lệnh chỉ của triều đình. Ở Nghĩa Đô có người họ Lại học được nghề làm giấy sắc là loại giấy dùng để viết thần sắc vua ban. Loại giấy này khi xeo xong còn phải “nghè” tức là đặt trên phiến đá rồi dùng vồ đập vào giấy cho giấy được thật mịn mặt và bền. Do đó làng này có tên là làng Nghè.

Lúc này dân làng An Hòa mới thấy ông là của quý nên cử bô lão lên Bưởi xin ông bỏ qua chuyện cũ mà dạy cho dân nghề nghiệp mới này. Cũng nể tình nhưng để tránh đụng chạm đến vùng Bưởi, ông chỉ dạy dân An Hòa cách dùng những thứ dó xấu, những đầu mẩu, đầu mặt – danh từ nghề nghiệp gọi là xề – để làm ra những loại giấy xề tức thứ giấy thô chỉ dùng phất quạt, làm hàng mã và gói hàng.

Và thế là từ khi có nghề này, làng Cót Thượng dần dần được gọi là làng Giấy, nhất là từ khi cái tên chữ Hán Thượng Yên Quyết được đổi ra là An Hòa thì không mấy ai nhớ đến cái gốc “Kẻ Cót” nữa. Từ đó, cái tên “làng Cót” chỉ chuyên dùng để chỉ làng Hạ Yên Quyết.

000 35
(Ảnh: Le Pont du Papier, Manhhai, Flickr)

Cũng cần nói thêm rằng, cách cầu Giấy không xa là đền cổ Voi Phục thờ Linh Lang, trấn phía Tây kinh thành Thăng Long.

Hà Nội xưa: Nghe Cầu Giấy kể chuyện
Đền Voi Phục xưa. (Ảnh: Hocquard, Wikipedia, Public Domain)

Thời xưa, khu vực cầu Giấy cũng là một địa điểm khẩn yếu. Học giả Nguyễn Vinh Phúc ghi chép lại:

Nguyên ở khu vực đầu phía Đông cây cầu vốn có một cửa của một tòa thành mà bức tường phía Tây chạy ven bờ trái sông Tô, từ chợ Bưởi xuống đến Cầu Giấy. Đó là tòa thành đất mà Lý Thái Tổ cho đắp từ năm 1014. Việt sử thông giám cương mục có ghi: “Năm Giáp dần (1014) đắp thành đất Thăng Long: bốn bề xung quanh ngoài kinh thành đều sai đắp thành đất”. Cái cửa phía Tây này có tên là Tây Dương. Cửa Tây Dương đã đi vào lịch sử với đoạn ghi sau đây của Đại Việt sử ký toàn thư: “Năm Mậu Thân (1128), tháng giêng, ngày Kỷ Sửu, biếm chức Đại liêu ban Lý Sùng Phúc vì khi đi qua cửa thành Tây Dương, tuần lại có hỏi mà không trả lời”. Đây là tòa thành mà nhiều nhà nghiên cứu gọi là vòng thành Đại La hoặc vòng thành ngoài mà đến đời Hồng Đức được xây gạch và vẽ trên bản đồ.

Như vậy là ở đời nhà Lý, nơi đây đã từng là một chốn canh gác rất nghiêm ngặt, đến nỗi quan to đi qua mà không đáp lời thì bị biếm chức.

03 24
(Ảnh năm 1883, Public Domain)

Chính vì những ghi chép trên mà có người cho rằng, cầu Giấy trước đây còn có tên là cầu Tây Dương. Vậy thì cây cầu này còn góp mặt trong Đại Việt sử ký toàn thư nữa:

Ngày 22 tháng chín năm Bính Ngọ (1426) các tướng của Lê Lợi đem một vạn quân đến cầu Tây Dương để bao vây quân Minh ở thành Đông Quan.

Đến thế kỉ XVII (1679) có tấm bia “Trùng tu Tô Giang kiều bi ký” của Tiến sĩ Bùi Văn Trinh ghi như sau:

Xã Thượng Yên Quyết, thắng cảnh có cầu danh tiếng ở sông Tô. Phía đông cầu tiếp cận kinh thành văn vật, tụ hội thuyền xe xum vầy. Phía tây cầu thì xa xa là núi Tản Viên hình dáng lạ kỳ, anh linh hiển ứng. Sông Nhị vòng phía bắc, một dòng nước đi về. Miếu thần ở phía Tây Nam, người trong hạt được phồn thịnh. Bên cầu khách đang chén tạc chén thù, trên đường người qua, kẻ lại tấp nập. Thực là nơi ngoại ô lớn thông suốt bốn phương năm ngả trên đường thiên lý.

Văn bia cũng cho biết cầu kết cấu theo kiểu “thượng gia hạ kiều” – trên là nhà, dưới là cầu:

Cầu dài 15 gian như cánh nhạn vút qua trời thu hòa cùng non cao nước biếc, như cầu vồng ôm vòng dải Ngân Hà, một gác cao tỏa chiếu ánh hồng thịnh vượng, rực rỡ, thanh thoát. Trụ cầu vững vàng giữa dòng, đi trên ván cầu như đi trên đất bằng, trên lợp mái.

Như vậy thì cầu Giấy có kiến trúc thật đẹp, nhưng rất có thể vào thời điểm Pháp xâm chiếm Việt Nam, khoảng những năm 80 của thế kỷ 19 (cũng là thời điểm các bức ảnh về cây cầu được chụp), phần kiến trúc phía trên đã bị phá mất. Đó quả là một điều đáng tiếc.

Quang Minh

Tham khảo:

  • Bài viết “Từ các cửa ô Hà Nội đến Ô Cầu Giấy” (tusach.thuvienkhoahoc.com)

Xem thêm:

Mời xem video: