Trong “Phong Thần Diễn Nghĩa” có câu: “Dân mà biết trung hiếu tiết nghĩa thì không hành động xằng bậy”. “Trung hiếu tiết nghĩa” là giá trị cốt lõi trong văn hóa truyền thống, cũng là tiêu chuẩn để đánh giá đạo đức của một người. Những người “trung hiếu tiết nghĩa” cho dù không thành công, không có sự nghiệp hiển hách thì vẫn được mọi người tôn sùng kính trọng và được sử sách lưu danh thiên cổ.

Hai câu chuyện cổ nhân trọng tiết nghĩa quên sinh tử
(Tranh minh họa: Vision Times tiếng Trung)

Trung hiếu ở đây được hiểu là trung thành và hiếu thảo, còn tiết nghĩa chính là tiết tháo và nghĩa hành. Nghĩa là đạo nghĩa, chính nghĩa, công nghĩa, những hành vi thủ vững giá trị phổ quát thì được gọi là nghĩa hành. Trong lịch sử, những người trung hiếu tiết nghĩa có rất nhiều và những điển cố về họ được sử sách ghi chép lại, không chỉ có tác dụng truyền tải đạo đức, văn hóa truyền thống mà còn là những tấm gương để người đời sau noi theo.

Trong “Cựu Đường thư” ghi chép về tiết nghĩa của danh thần Lý Cương thời kỳ Tùy Đường. Lý Cương là người khẳng khái và có khí tiết. Ông vốn tên là Lý Viện, sau khi đọc qua cuốn “Hậu Hán thư. Trương Cương truyện”, bởi vì ngưỡng mộ thái độ xử thế của Trương Cương nên đã đổi tên thành Lý Cương.

Vào thời Bắc Chu, Lý Cương tòng quân cho Tề Vương Vũ Văn Hiến. Vũ Văn Hiến là người giỏi bày mưu, nhiều sách lược, biết dùng người, vô cùng hiếu thảo, được quyền thần và dân chúng tin cậy. Cũng chính vì thế, Vũ Văn Hiến bị Tuyên Đế nghi kỵ, đòi thuộc hạ của ông bịa ra tội chứng để vu cho ông. Lý Cương thề chết không viết.

Sau khi Vũ Văn Hiến bị sát hại, năm người con của ông cũng bị giết, xe chở xác ra ngoài thì bộ hạ đều tan rã rời đi, không một ai dám nhận xác ông về chôn. Lý Cương đã dũng cảm tự mình đứng ra nhận xác về đưa đi an táng và cúng bái đầy đủ. Người đương thời tôn xưng Lý Cương là “Nghĩa sĩ”.

Dưới thời Tùy Văn Đế, Lý Cương làm tẩy mã cho Thái tử Dương Dũng. Sau này Dương Dũng bị phế truất Thái tử, Tùy Văn Đế dùng lời lẽ nghiêm khắc để trách cứ quan viên, cho rằng họ đã không tận tâm phụ tá. Quan viên không ai dám nói lời nào, chỉ có Lý Cương là đứng ra nói lý lẽ. Tùy Văn Đế nghe những lời Lý Cương nói thì lập tức phong ông làm Thượng thư hữu thừa.

Sau này, Lý Cương nghe nói con gái của Vũ Văn Hiến không còn ai nương tựa nên đã dùng thân phận là quan lại cũ của Tề Vương phủ để giúp đỡ. Lý Cương qua đời khi 85 tuổi, được con gái và người nhà Vũ Văn Hiến thương tiếc, cúng bái như mất đi một thân nhân.

Trong “Cựu Đường thư” cũng có ghi chép về Diêu Tư Liêm, sử học gia nổi tiếng thời đầu nhà Đường. Diêu Tư Liêm làm quan ba triều đại là Trần, Tùy, Đường. Vào thời nhà Tùy, ông là quan thị đọc trông coi việc đọc sách của Dương Hựu, sau này là Tùy Cung Đế. Vào thời Đường, ông giữ chức Trước tác lang, Hoằng văn quán Học sĩ. Ông làm quan tới chức Tán kị thường thị, tham gia vào viện biên soạn và chỉnh sửa 2 trong số 24 bộ chính sử Trung Hoa.

Vào những năm cuối nhà Tùy, khi Tùy Dạng Đế chìm đắm vào yến ẩm múa ca, Lý Uyên đã dấy binh. Lý Uyên bắt đầu khởi binh ở Thái Nguyên, sau lại tiến thẳng về kinh đô Trường An.

Sau khi quân Đường đánh vào Trường An, quan lại trong vương phủ đều sợ tới mức phải tránh đi, chỉ có Diêu Tư Liêm là không rời vương phủ. Lúc quân Đường muốn tiến vào vương phủ, Diêu Tư Liêm đã lớn tiếng nói: “Quân Đường vốn là muốn khôi phục vương thất, các khanh không được vô lễ”. Binh lính sau khi nghe xong thì vô cùng kinh ngạc, lại thấy Diêu Tư Liêm đi bên cạnh Đại vương mà không hề sợ hãi nên trong tâm sinh kính nể và đều dừng chân đứng dưới bậc thềm đại sảnh.

Lý Thế Dân bước vào trong vương phủ, cảm nhận được lòng trung thành và chính nghĩa của Diêu Tư Liêm nên đã để ông phò tá Đại vương đến Thuận Dương môn. Sau khi Đại vương đến Thuận Dương môn, Diêu Tư Liêm đã bái biệt mà đi. Mọi người chứng kiến cảnh ấy thì rất cảm phục, xưng ông là “Trung liệt chi sĩ”.

Lý Uyên sau khi xưng Đế đã phong cho Diêu Tư Liêm làm Tần Vương phủ văn học. Tần Vương Lý Thế Dân mở phủ văn học, chiêu mời một số người văn võ thao lược, thông văn sử, Diêu Tư Liêm chính là một trong 18 học sĩ nổi tiếng lừng lẫy lúc bấy giờ.

Tần Vương từng cùng đàm luận việc thời Tùy với các học sĩ, khi nói đến việc Diêu Tư Liêm đích thân bảo hộ Đại vương thì không khỏi cảm khái: “Diêu Tư Liêm đối mặt với lưỡi dao sắc bén mà hiển lộ đại tiết, cho dù là cổ nhân cũng thực hiếm thấy”.

Sau khi Tần Vương Lý Thế Dân lên làm Hoàng đế, Diêu Tư Liêm vẫn luôn là người chính trực khẳng khái, nói thẳng việc chính sự, thường xuyên đưa ra những lời can gián và Đường Thái Tông cũng khiêm tốn tiếp nhận. Sau khi Diêu Tư Liêm qua đời, Đường Thái Tông phong ông làm Thái thường khanh, thụy hiệu là “Khang”, đặc biệt còn cho chôn cất ở Chiêu Lăng, nơi yên nghỉ của các vị Hoàng đế và Hoàng hậu cùng với phi tần trong cung.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: