Cổ nhân giảng: “Phú quý do Trời”, tin rằng rất nhiều chuyện hệ trọng trong cuộc đời là do Trời đất định đoạt, là vận mệnh, Thiên mệnh định sẵn. Trong cuộc sống hàng ngày, có rất nhiều chuyện xảy ra vượt quá tầm kiểm soát và dự đoán của con người. Nếu xuất hiện kết quả không như ý nguyện thì đa số người ta cho rằng đó là “ngẫu nhiên”. Nhưng đôi khi chúng ta thật sự phát hiện ra rằng: “Trên đời này dường như không có chuyện gì là ngẫu nhiên cả”.

Hai câu chuyện lịch sử về "phú quý do Trời"
(Tranh minh họa: Vision Times tiếng Trung)

Ngụy Trưng tiến cử người

Trong cuốn “Triều Dã Thiêm Tải” có ghi chép lại một câu chuyện như sau:

Ngụy Trưng là một vị quan can gián Hoàng đế nổi tiếng, góp phần vào sự thịnh vượng của triều đại Hoàng đế Đường Thái Tông. Ông cũng là một nhà sử học nổi tiếng, chủ biên bộ sách Tùy thư, bộ sử chính thức về nhà Tùy và là một trong Nhị thập tứ sử.

Thời Nguỵ Trưng còn đảm nhận chức Phó xạ, có hai người làm việc dưới quyền của ông. Một lần, Nguỵ Trưng thấy hai người này đang đứng ở dưới cửa sổ và nói chuyện với nhau.

Một người trong họ nói rằng: “Chức sắc của chúng ta đều là do ông già ấy quyết định cả đấy!”

Người kia lại nói rằng: “Là do ông Trời quyết định.”

Thế là, ngày hôm sau, Nguỵ Trưng nảy ra ý định kỳ lạ. Ông viết một phong thư rồi sai người mà tin rằng mệnh của mình là do “ông già ấy” (ý chỉ Ngụy Trưng) quyết định đưa đến phủ Thị Lang. Nội dung trong lá thư này là: “Ban tặng cho người mang lá thư này một chức quan tốt.”

Người này không biết trong lá thư viết những gì. Ngay sau khi ông ta bước ra khỏi cửa, ông cảm thấy bị đau ngực, vì vậy ông tìm người còn lại, nhờ mang lá thư đi hộ. Ngày hôm sau, người tin vào số trời định đã được ban cho một chức quan tốt.

Khi Nguỵ Trưng biết về sự việc này, ông không khỏi cảm thán mà thốt lên rằng: “Chức sắc, bổng lộc của một người quả thực là do trời định.”

Người quân tử hiểu biết mệnh số do Trời nên chỉ chuyên tâm sống sao cho đúng đạo, cái gì của mình sẽ là của mình, cái gì không phải của mình thì có muốn cũng chẳng được. Họ tin rằng “Phú quý do Trời”, sống hòa hợp với Thiên lý. Đó chẳng phải là lựa chọn của bậc trí giả, của người giác ngộ hiểu thấu lẽ đời hay sao?

Địch Nhân Kiệt than thở về “Thiên mệnh”

Trong “Thái bình nghiễm ký” cuốn 146 có ghi chép một câu chuyện về tể tướng nhà Đường, Địch Nhân Kiệt như thế này:

Địch Nhân Kiệt là tể tướng nổi danh thời nhà Đường. Một lần Địch Nhân Kiệt bị giáng hạ chức và phải rời khỏi kinh thành. Lúc ông đi qua Biện Châu, Khai Phong thì muốn ở lại nửa ngày để trị bệnh. Thế nhưng, huyện lệnh của Khai Phong là Hoắc Hiến lại nhất quyết không đồng ý cho ông ở lại, mà yêu cầu Địch Nhân Kiệt phải ra khỏi địa phận trong ngày. Địch Nhân Kiệt không có cách nào khác đành phải rời đi, cảm thấy rất giận vị huyện lệnh này.

Chẳng bao lâu sau, Địch Nhân Kiệt lại quay trở về làm tể tướng. Lúc này, Hoắc Hiến cũng đã làm đến chức Lang trung. Địch Nhân Kiệt luôn nhớ chuyện cũ, canh cánh trong lòng.

Võ Tắc Thiên bấy giờ lệnh cho Địch Nhân Kiệt lựa chọn người làm chức Ngự sử trung thừa. Nhiệm vụ của chức quan này là duy trì trật tự của quan lại trong triều nên có quyền hành rất lớn. Võ Tắc Thiên đã từng hai lần hạ đạt chỉ lệnh nhưng Địch Nhân Kiệt mặc dù đã nhận lệnh mà vẫn chưa làm.

Mấy ngày sau, Võ Tắc Thiên hỏi lại Địch Nhân Kiệt về chuyện này. Bởi vì bất ngờ chưa chuẩn bị nên Địch Nhân Kiệt rơi vào thế luống cuống. Hơn nữa thường ngày ông cứ canh cánh trong lòng chuyện Hoắc Hiến nên trong bất giác, Địch Nhân Kiệt thuận miệng tấu: “Hoắc Hiến là người có thể.” Cuối cùng, Võ Tắc Thiên đã cho Hoắc Hiến làm Ngự sử trung thừa.

Về sau Địch Nhân Kiệt thấy Hoắc Hiến thực sự xứng đáng với chức vị ấy, liền cảm khái nói với Hoắc Hiến: “Ta trước đây oán hận ông, nhưng lại trong bất tri bất giác mà tiến cử ông. Thế mới biết đều là Thiên mệnh, con người có thể làm chủ được đâu?”

Khổng Tử nói: “Ta mười lăm tuổi để hết tâm trí vào việc học, ba mươi tuổi tự lập thân, bốn mươi tuổi không nghi hoặc điều gì, năm mươi tuổi biết mệnh trời, sáu mươi tuổi nghe lời người là hiểu được, bảy mươi tuổi muốn điều gì là tùy tâm mình mà không vượt ra khuôn phép quy củ”.

Trong “Luận ngữ”, Khổng Tử còn nói: “Người quân tử kính sợ luật lệ của trời đất, kính nể lời nói của người đức cao vọng trọng và bậc thánh nhân. Kẻ tiểu nhân không biết Thiên mệnh, cũng không sợ, coi thường lời nói của đại nhân, khinh miệt lời nói của bậc thánh nhân”.

Những lời này đều là để nói lên rằng, người xưa coi trọng “Thiên mệnh”, vui với số mệnh trời ban. Những bậc giác giả lại coi trọng “tuỳ kỳ tự nhiên”, “thuận theo tự nhiên”. Đây đều là vì họ biết rằng con người thật nhỏ bé giữa Trời đất, trong sự sắp đặt của đại tự nhiên, con người chỉ nên thuận theo Đạo.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời nghe radio: