Trong cuộc đời của mình, Hải Thượng Lãn Ông đã hai lần phải đôi co với thầy thuốc người Tàu trong vùng. Chuyện này được ông ghi chép lại trong bộ sách y thuật mà ông để lại.

Khi để lại các ghi chép về y thuật của mình, khác với các thầy thuốc khác, Hải Thương Lãn Ông ghi chép cả phần “dương án”“âm án”. “Dương án” ghi chép lại các ca bệnh chữa thành công, còn “âm án” ghi lại những ca chữa bệnh thất bại. Trong “âm án” ông viết: “Nghề thuốc là một nhân thuật, người thầy thuốc hẳn phải lấy việc giúp người là tốt, chứ không phải cứu được một mạng người thì khoa chân múa tay để khoe khoang cho mọi người biết. Nhỡ có thất bại thì lại giấu nhẹm đi. Mấy ai không giấu cái điều xấu của mình mà dám đem sự thực nói với người khác”. Điều này cho thấy y đức cao thượng của ông.

Hải Thượng Lãn Ông và hai lần tranh luận về y thuật với thầy Tàu
Khu tưởng niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác thuộc dòng họ Lê Hữu Liêu Xá. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Tĩnh)

Trong phần “dương án”, Hải Thượng Lãn Ông có ghi chép lại chuyện tranh luận với vị thầy Tàu vốn rất được tín nhiệm trong vùng như sau:

Ở Hương Sơn, thuộc trấ n Nghệ An (nay thuộc Hà Tĩnh) nơi Hải Thượng Lãn Ông sinh sống và hành nghề bốc thuốc, có một thầy thuốc họ Lâm vốn là người Tàu am hiểu y thuật được quan quân trong vùng kính nể.

Một lần mẫu thân của viên quan giữ đồn Vĩnh Dinh đã hơn 70 tuổi bị cảm mạo, suốt hơn 1 tháng không khỏi, sau đó lại bị đầy bụng khó tiêu. Thầy thuốc họ Lâm dù cố hết sức nhưng bệnh tình bà vẫn không hết, thậm chí càng chữa thì bệnh càng biến chứng.

Viên quan coi đồn Vĩnh Dinh cho là hết cách, vì thầy thuốc họ Lâm nổi tiếng khắp vùng lúc đó rồi. Tuy vậy ông vẫn mời Hải Thượng Lãn Ông đến chữa bệnh cho mẹ mình như một cách cầu may cuối cùng.

Hải Thượng Lãn Ông khám bệnh cho bà cụ thì thấy tinh thần bất ổn, đỉnh đầu nóng, người ra mồ hôi, bị đầy bụng khó tiêu nên cơ thể suy nhược, khí âm gần như hết, khí dương rất yếu. Nếu cứ theo cách trị cảm mạo và đầy bụng sẽ khiến khí dương kiệt quệ nguy hiểm tính mạng.

Theo ông, vì thầy thuốc người Tàu không biết rõ, cứ theo bệnh mà trị cảm mạo mới khiến bệnh tình diễn biến thế này. Ông nghĩ đầu tiên phải giữ tính mạng cho bà cụ, nhằm giữ nguyên khí mạnh hơn rồi sau đó mới trị bệnh. Vì thế ông cho thuốc bát vị (tức bổ thận dương), trong đó Đan bì và Trạch tả, thêm vào ba vị là Mạch môn, Ngũ vị và Ngưu tất cho cụ uống.

Thầy thuốc họ Lâm biết được thì phản đối, cho rằng cơ thể bệnh nhân vốn thể âm không thích hợp với thục địa, mà trong bát vị thì thục địa là nhiều nhất. Nếu uống vào, cơ thể không thích nghi sẽ gây trướng bụng khó tiêu, chỉ khiến bệnh tình thêm nặng. Ông ta cho rằng cần dùng phương thuốc “Trung mãn phân tiêu”, nhưng uống cái này sẽ khiến tiêu tán khí đi hết, mà bệnh nhân vốn khí đã kiệt quệ, vì thế Hải Thượng Lãn Ông phản đối. Thầy Tàu lại điều đình cho rằng cần dùng “Hương sa Lục quân thang”.

Hải Thượng Lãn Ông cho rằng: “Nhân sâm và Trần bì thì lại giúp cho việc tiết mất nguyên khí, phàm những phương thuốc chữa bệnh nguy cấp người xưa không dám để hai vị này đồng với nhau, vả lại Bán hạ tính hoạt, Sa nhân cay thơm, cũng không phải là thuốc cố bản”. Thầy Tàu lại nói: “Tôi từ trước đến nay vẫn điều thuốc cho phu nhân, nếu uống Thục địa vào thì bị đầy ngay”.

Thấy hai thầy thuốc cứ đôi co, trong khi bệnh mẹ mình nguy cấp, quan đồn Vĩnh Dinh ra chiều sốt ruột, nói Hải Thượng Lãn Ông có thể không dùng thục địa hoặ có thể bớt đi một nửa. Nhưng ông đáp rằng: “Bài Bát vị dùng Thục địa làm quân, là trọng ở chân âm, bổ thuỷ để phối hoả, tư âm để dưỡng dương” vì thể mà không thể giảm thục địa.

Quan đồn Vĩnh Dinh tin lời thầy Tàu hơn, nên Hải Thượng Lãn Ông đành cáo lui. Nhưng khi ra ngoài thì gặp người cháu của quan đi về. Vốn nghe tiếng Hải Thượng Lãn Ông, người cháu này hết mực khuyên can, cuối cùng quan đồn Vĩnh Dinh đồng ý.

Hải Thượng Lãn Ông tự tay sắc thuốc, qua một thang bệnh nhân đã bớt nóng và ra mồ hôi, dần dần đã ăn được đôi chút. Ông lại cho uống thêm bài thuốc “Sinh mạch” nhằm tăng khí dương. Cứ thế chỉ sau 10 ngày cụ bà không chỉ hết bệnh mà còn thấy khỏe mạnh hơn xưa.

Sau này, một lần đang đi trên đường, Hải Thượng Lãn Ông tình cờ gặp lại thầy thuốc người Tàu họ Lâm, hai người hỏi thăm bắt chuyện. Thầy thuốc họ Lâm nói ở đồn Vĩnh Dinh có tiểu tướng Huấn Vũ tự nhiên ngã lăn ra cứng đơ, các thầy thuốc đến khám cho là trúng phong nhưng không sao chữa được. Thầy thuốc họ Lâm đến thì thấy mạch hầu như đã ngưng không chữa được đành bỏ về, vừa ra ngoài thì gặp Hải Thượng Lãn Ông.

Hai người cùng quay lại nhà Huấn Vũ. Qua khám bệnh Hải Thượng Lãn Ông thấy Huấn Vũ thể chất yếu, khí âm dương nhược, cơ thể suy nhược sinh ra lạnh toát, thế nhưng bên ngoài nhìn thì biểu hiện giống như bị trúng phong.

Các thầy thuốc cứ theo trúng phong mà trị khiến bệnh thêm nguy. Ông nói với người nhà sẽ cố hết sức hy vọng khỏi. Thầy thuốc họ Lâm cười rằng: “Ông chữa sống được bệnh nhân này thực là người thần, tôi xin đi hầu ông, không dám làm thuốc nữa!”.

Hải Thượng Lãn Ông cũng nói: “Tôi không chữa khỏi được bệnh này, thề cũng không dám làm thuốc nữa!”.

Ông dùng bài thuốc “Sâm phụ thang” làm thành dạng viên gọi là tể cho bệnh nhân uống. Được 2 tể thì tay chân bệnh nhân ấm hơn. Lãn Ông biết khí dương đang dần hồi phục, liền làm bát vị có thêm các vị Ngưu tất, Đỗ trọng, Ngũ vị, điều chế thành dạng viên rồi cho uống.

Sau khi thêm 3 tể nữa thì Vũ Huấn đã khỏe hơn rồi dần hồi phục, người nhà bệnh nhân cảm ơn hết lời, xem Hải Thượng Lãn Ông là đại ân nhân.

Thầy thuốc người Tàu từ đó lấy làm hổ thẹn, tự biết y thuật của mình còn kém hơn, từ đó gặp Lãn Ông đều bẽn lẽn, còn Lãn Ông gặp lại thì cũng không nhắc gì đến chuyện cũ.

Các thầy thuốc thời bấy giờ ỷ vào thuốc bắc và có ý coi thường thuốc nam, mà không phân biệt được khí hậu thổ nhưỡng vốn khác nhau. Hải Thượng Lãn Ông không tán thành cách chữa bệnh ấy, ông xây dựng cho mình phương cách chữa bệnh dựa trên âm dương, thủy hỏa, hàn nhiệt, hư thực.

Ông thường nói: “Khí hậu phương Bắc, phương Nam khác nhau, cho nên người ta bị bệnh cũng không hoàn toàn giống nhau […] Người làm thuốc cũng không nên cố chấp vào mấy pho sách Trung Quốc để chữa bệnh theo một phương pháp cố định. Mà phải tùy theo hoàn cảnh xã hội.”

Ông đã để lại bộ sách “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” là trước tác của nền đông y Việt Nam, có cả lịch sử y học phương đông lẫn thực tiễn ở Việt Nam.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: