Trong lịch sử khoa bảng của Việt Nam có rất nhiều truyện lạ, như khoa thi năm 1508 có đến 2 Trạng nguyên là Trạng Me và Trạng Ngọt, khoa thi năm 1499 còn phải cho tung quyển thi để chọn Trạng nguyên, khoa thi năm 1851 cũng xuất hiện việc kỳ lạ khi có 2 Bảng nhãn cùng tên Thanh, cũng là hai Bảng nhãn cuối cùng trong lịch sử khoa bảng.

Hai vị bảng nhãn cuối cùng trong lịch sử khoa bảng (P2)
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Trạng Bồng và Quốc triều á trạng

Trong bài thi văn sách đỗ đầu của mình, Vũ Duy Thanh đã nêu ra nhiều kiến giải sâu sắc về giáo hóa dân chúng:

“Việc giáo hóa là nhiệm vụ cấp thiết của quốc gia, là việc lớn của thiên hạ. Triều đình có giáo hóa thì thiên hạ có phong tục. Nếu giáo hóa không tốt đẹp thì phong tục của thiên hạ sẽ phản lại mà mai một đi điều tốt đẹp”.

“Lấy đạo vua dân để giáo dục, dạy học làm đầu, thì trong nhà cha dạy con, bên ngoài thì trường học được mở rộng mà bốn phương tuấn tú cùng với mở mang trường học vậy; việc hun đúc nhân tài đến chỗ rất hay vậy! Lại về việc mở thi hương, thi hội, còn đặc ân mở khoa thi Bác học Hoằng tài để tuyển chọn những kẻ sĩ tài giỏi phi thường. Nền giáo dục đã tốt đẹp như vậy, không thể không làm cho kẻ sĩ phấn khởi”.

“Giáo hóa của cổ xưa trước tiên là rèn đức mà văn học, nghề nghiệp dạy sau; như vậy thì kẻ sĩ đủ ý chí. Cho nên trước tiên giáo hóa kinh luân phải đúng để kết quả được đầy đủ. Tuyển chọn người thầy dạy phải đoan chính, phẩm hạnh đầy đủ; không đọc, không giảng giải những điều trái với ngũ kinh, trái với phong tục. Quy chế của trường học luôn gắn với điều nhân, điều nghĩa”.

Sau khi thi đỗ, Vũ Duy Thanh được vua Tự Đức phê là “Chế khoa Bảng nhãn Cát sĩ thị Trạng nguyên”. “Chế khoa” nghĩa là khoa thi thêm “ân khoa”, dù đỗ đầu nhưng do khoa thi không lấy Trạng nguyên nên đỗ Bảng nhãn.

Vũ Duy Thanh được xem như “Bảng nhãn Cát sĩ thị Trạng nguyên”, dân chúng gọi là Trạng Bồng. Còn Phạm Thanh thì được tôn là “Quốc triều Á trạng”,  sau khi thi đỗ vinh quy bái tổ ông được Vua tặng rất nhiều vật phẩm.

Vũ Duy Thanh và 8 đề mục chấn hưng giáo dục

Vũ Duy Thanh được cử làm Thị đốc trong Hàn lâm viện, sau được đổi qua viện Tập hiền, làm Quốc Tử Giám Tư nghiệp, rồi thăng Tế tửu Quốc Tử Giám.

Làm việc ở Quốc Tử Giám, Duy Thanh rất chú trọng nhân tài, dâng sớ lên vua Tự Đức đề ra 8 mục nhằm chấn chỉnh giáo dục.  “Đại Nam Chính biên Liệt truyện” có chép lại như sau:

Vũ Duy Thanh từng dâng sớ nói rằng: Muốn được (người) thực tài tất phải khôi phục phép dạy, phép thi của cổ nhân, và liệt ra 8 mục:

    • Cẩn thận phép dạy ở trường tư các làng.
    • Kén chọn tổng lý và tá lại.
    • Dựng xã thương.
    • Giữ nghiêm phép dạy ở các trường phủ huyện.
    • Nghị đổi lại phép thi Hương.
    • Mở rộng phép dạy ở các nhà quốc học.
    • Chọn thầy, bạn cho các tôn sinh.
    • Sửa định lại việc ban phát kinh sách.

Sớ tâu lên, (nhà vua) giao xuống bộ Lễ, rồi không quả quyết thi hành.

Chế tạo “Thủy xa mộc thành” để chống Pháp

Năm 1858, liên quân Pháp, Tây Ban Nha tiến đánh Đà Nẵng, Vũ Duy Thanh là một trong những người dâng sớ lên Vua quyết chống Pháp. Không chỉ thế ông còn bỏ tiền riêng của mình nghiên cứu đóng ra loại tàu có thể lặn xuống và nổi lên để chống Pháp, gọi là “thủy xa mộc thành”.

Các tư liệu về có ghi chép lại lời của Vũ Duy Thanh nói về ý tưởng làm ra loại tàu này: “Tôi đã nghiên cứu kỹ cái bong bóng trong bụng con cá. Con cá nổi lên hay lặn xuống được là nhờ cái bong bóng. Vậy ta có thể làm thuyền chìm rồi nổi nhờ bộ phận tương tự đặt bên trong thủy xa”.

Sau một thời gian, chiếc “thủy xa mộc thành” đầu tiên được hình thành và chạy thử, tàu có vỏ bằng gỗ, lắp động cơ hơi nước, tàu chạy êm và được trang bị 8 khẩu thần công. Khi cần tàu có thể từ từ lặn xuống nước, lại có thể nổi lên, được xem là chiếc tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam.

Tiếc rằng đến tháng tư âm lịch năm 1859, Bảng nhãn Vũ Duy Thanh qua đời khi mới 52 tuổi, dự án “thủy xa mộc thành” cũng khép lại.

Người bạn cùng đỗ Bảng nhãn với ông là Phạm Thanh đến viếng với đôi câu đối rằng:

Nhân bảo đương vi thiên hạ tích
Hoạn tình năng động cửu trùng thiên

Nghĩa là:

Người quý công tích còn trong thiên hạ
Quan ân rung động tới tận cửu trùng

Các quan ở Kinh thành đến viếng có câu đối rằng:

Cửu nguyên di hận Trà Sơn úc
Thiên lý quy hồn Thuý Lĩnh phong

Nghĩa là:

Chín suối còn di hận ở vùng núi Trà Sơn
Du hồn về núi Thúy Sơn, đường xa nghìn dặm

Các Nho sĩ ở Ninh Bình đã cùng làm bài thơ tưởng niệm Vũ Duy Thanh như sau:

Bảng vàng bia đá bậc tam khôi,
Giấc mộng phù sinh luống ngậm ngùi.
Nền Hạnh mây mờ sao điểm tối,
Rừng Quỳnh nắng rọi đoá mai rơi.
Vài tờ chương sớ nghìn thu để,
Hai chữ châu phê chín bệ soi.
Trên chốn đô môn ngày vĩnh quyết,
Tình này cảnh ấy thuở nào nguôi.

Phạm Thanh ưu phiền trước vận nước

Phạm Thanh được bổ nhiệm làm việc ở Nội các – cơ quan giữ việc biên soạn chiếu, sắc, cáo dụ cho vua. Về sau, ông làm đến chức Tham tri bộ Hộ.

Năm 1858, Pháp tấn công Đà Nẵng, Phạm Thanh là một trong những người chủ chiến, nhưng các kiến nghị của ông bị vua Tự Đức bỏ qua khiến cho ông trở nên ưu phiền trước vận nước.

Trong “Di cảo Phạm Thanh” có viết rằng: “Người vốn yên mà muốn no ấm không phải dễ; há chịu mãi cảnh tối tăm sao? Quay đầu về mé trời tây thì mây hoang mờ mịt, gió buốt thảm thê; con tim khối óc, máu và nước mắt khắc họa rõ! Thanh không vì nhỏ bé, mờ nhạt, không vì thua người, mong có Trời chứng giám”.

Năm 1863, Phạm Thanh mất bất ngờ khi mới 42 tuổi khiến nhiều người thương tiếc. Người bạn đồng môn là Đỗ Xuân Cát đang làm quan đến viếng ông với đôi câu đối:

Khoa vi khôi, hoạn vi khanh, phương tứ thập chính cường, sĩ hãn đáo thử
Thân hoàn danh, thế hoàn cục, túng bách tuế xưng lão, thần thiêm kỷ hà

Nghĩa là:

Khoa đỗ đầu, quan chức lớn, mới bốn mươi chính lúc khang cường, kẻ sĩ đến thế cũng là hiếm
Danh đã tròn, đời cũng trọn, giá trăm tuổi lên hàng lão đại, bề tôi còn góp được bao công

(Hết)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video “Nói năng cẩn trọng thể hiện nhân phẩm của một người”: