Một nghiên cứu của trường Đại học Harvard đã chứng minh rằng một trong những nguồn gốc của hạnh phúc cá nhân là từ tập thể, nghĩa là nó phụ thuộc vào nhóm bạn của họ có hạnh phúc hay không. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng sự hạnh phúc của một người sẽ lan truyền với ba mức độ tách biệt, tương tự như những gợn sóng trên mặt nước. Một người ở càng gần một cá nhân hạnh phúc, khả năng người đó nhận ảnh hưởng càng cao. Sống cạnh người hạnh phúc, tỷ lệ để trở nên hạnh phúc của một cá nhân sẽ tăng 34%. Những người có mối quan hệ xã hội sâu sắc và sống ở trung tâm của các mạng lưới xã hội thường hạnh phúc hơn những người sống ở rìa ngoài. Hơn nữa, hạnh phúc có thể mất tới ít nhất một năm để lan tỏa.

Từ nghiên cứu trên, chúng ta có thể thấy rằng những thông điệp tích cực, cao đẹp, chân thực, nhân hậu và bao dung, ví dụ như những hành vi đứng đắn, suy nghĩ ngay thẳng, sự chính trực, và đạo đức cao thượng sẽ lan tỏa tới mọi người xung quanh bạn và khiến mọi thứ thay đổi theo chiều hướng tích cực, tương tự như cách vận hành của hạnh phúc.

Hạnh phúc nơi đâu...
(Ảnh minh họa: Matej Kastelic, Shutterstock)

Trong Sử Ký có kể chuyện về Đế Thuấn như sau: Thuấn cày ở Lịch Sơn thì người Lịch Sơn đều nhường bờ ruộng; bắt cá ở Lôi Trạch thì người Lôi Trạch đều nhường chỗ ở; làm góm ven Hoàng Hà thì đồ gốm ven Hoàng Hà đều không còn thứ thô xấu. Sau một năm thì nơi Thuấn ở thành thôn xóm, sau hai năm thành thành ấp, sau ba năm thành đô thị. Đây chính là người thiện lương có đức dày, đi tới đâu thì mang phúc lành đến đó, cảm hóa lòng người, khiến vạn vật quy về cái Thiện.

Trên thực tế, người xưa đã sớm hiểu biết về khả năng lan tỏa và cảm thụ của hạnh phúc đối với con người qua đạo đức và lễ nghi phép tắc. Do đó, những cách nói như “cảm thụ vô hình” “tác động ngoại cảnh” đã được hình thành và truyền lại từ hàng nghìn năm. Cổ nhân đã hành xử theo cách thức này và đã lưu lại một di sản văn hóa phong phú của giá trị đạo đức và phẩm hạnh. Ngay cả trong chiến tranh, cả hai bên đều biết rằng một đội quân nghĩa hiệp sẽ trở nên bất khả chiến bại. (Xem thêm: Tiên lễ hậu binh: Chiến trận thời xưa hoàn toàn không như ta nghĩ)

Cổ nhân cho rằng mỗi người khi sống đều cần tu dưỡng đạo đức, phù hợp với thiên lý mới mong được bình an, hạnh phúc. Có câu: “Thuận Thiên giả xương, nghịch Thiên giả vong”, người sống thuận theo lý của Trời thì sẽ ngày càng hưng thịnh, người chống lại lý của Trời thì tất sẽ bị tiêu vong. Người có đức hạnh hiểu rõ rằng Thiên lý chẳng thể làm trái, vậy nên dẫu ở trong hoàn cảnh nào họ cũng suy xét đến hành vi, lời nói của mình, giữ bản thân thanh liêm trong sạch. Người thiện lương dù không cầu báo đáp nhưng cuối cùng vẫn nhận được hồi báo và phúc lành. Hơn nữa hành vi của họ còn lan tỏa cái đẹp và hạnh phúc đến cho người khác.

Năm xưa mẹ của Mạnh Tử vì muốn con thành người tài đức mà ba lần chuyển nhà. Chỉ đến khi sống gần trường học cách Thành Châu không xa, nhận thấy Mạnh Tử có thể tiếp thu được phong thái điềm đạm và cách hành xử lễ nghi của các học giả, bà mới dừng lại định cư. Mạnh Tử dưới sự dạy dỗ của mẹ và sự hun đúc của hoàn cảnh đã có một nền tảng vững chắc để trở thành Á Thánh của Nho gia. Đây chính là tầm quan trọng lớn lao của ngoại cảnh.

Người xưa rất coi trọng gia huấn, gia quy. Mặc dù không phải thành viên nào trong gia đình cũng được đi học, nhưng cách hành xử hay tiêu chuẩn đạo đức lại không hề thấp kém. Đó là vì các giá trị truyền thống và lời dạy bảo của tổ tiên đã in sâu vào tâm trí mọi người và được chuyển hóa trong các hành vi cư xử hàng ngày của họ. Những tấm gương hành xử đã được lưu truyền qua những lời nói và câu chuyện của các thế hệ đi trước. Vậy nên kỳ thực hạnh phúc không chỉ có tác dụng lan tỏa trong không gian, mà cũng có tác dụng lan tỏa trong thời gian nữa.

Dựa theo “Hạnh phúc tựa làn sóng”
Tác giả: Mặc Tưởng
Ninh Sơn biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: