Cổ nhân cho rằng y học là nhân thuật, là nhân từ, đối với người bệnh phải quan tâm, săn sóc, khi cứu người phải làm được hết lòng hết dạ hết tâm trí, không phân biệt thân thích, sang hèn, quý tiện, bạn thù. Làm được như vậy mới xứng đáng là “lương y”, mới xứng được coi là có “y đức”.

Y đức của cổ nhân: Cứu người không phân biệt bạn thù
(Ảnh minh họa: Pixeljoy, Boule, Shutterstock)

Trong cuốn “Thiên kim yếu phương”, dược vương Tôn Tư Mạc cho rằng mạng người là quan trọng nhất, quý hơn cả nghìn vàng. Trong “Đại y chân thành”, Tôn Tư Mạc cũng viết rằng: “Thầy thuốc không thể dựa vào sở trường của mình để toàn tâm toàn ý kiếm tiền, chỉ có thể sinh ra tâm cứu khổ cứu nạn”. Vì thế, ông cho rằng khi chữa bệnh cứu người là không phân biệt bần phú quý tiện, lớn tuổi hay nhỏ tuổi, bằng hữu hay kẻ thù, thông minh hay ngu dốt, phải đối xử công bằng như nhau. Hơn nữa, còn phải lo lắng cho họ như đối với người thân cận nhất của mình.

Cổ nhân cho rằng, đối với người hành y mà nói, có tu dưỡng y đức và trung thành với công việc là điều quan trọng nhất. Trong cuốn “Tỉnh tâm lục” triều Tống viết rằng: “Người không có đức thì không thể làm thầy thuốc”.  Tu dưỡng đạo đức của người hành nghề y nhấn mạnh vào “nhân tâm” (lòng nhân ái) và “nhân nhân” (yêu thương người). Chỉ người có tấm lòng nhân nghĩa mới có thể đem y học chân chính biến thành nhân thuật để cứu tế con người. Ngay cả khi bản thân người bệnh hay gia đình người bệnh có mối oán hận thù hằn thì cũng phải được khám và điều trị một cách chân thành nhất.

Người hành y muốn làm được như vậy thì phải dốc lòng học hỏi kiến thức, đồng thời còn phải “an bần lạc đạo”, tức là vui với cuộc sống đạm bạc mà thủ giữ đạo, không hâm mộ danh lợi. Nếu một người có tâm tham, so đo tính toán, chữa bệnh trước tiên nghĩ đến lợi ích thì sẽ không quan tâm đến mạng sống của bệnh nhân.

Trong cuốn “Ấu khoa phát huy” có ghi lại câu chuyện về danh y Vạn Toàn thời nhà Minh như sau:

Vạn Toàn là một thầy thuốc nhi khoa nổi tiếng vào thời nhà Minh. Ông và người đồng hương là Hồ Nguyên Khê vốn có hiềm khích sâu sắc với nhau. Một lần, đứa con trai nhỏ 4 tuổi của Hồ Nguyên Khê sinh bệnh nặng, thường ho khan và nôn ra nhiều máu. Hồ Nguyên Khê đưa con đi khám chữa nhiều nơi mà không khỏi, không còn cách nào khác đành đến cầu Vạn Toàn. 

Vạn Toàn không hề để tâm đến mối hận thù cũ, lập tức đến nhà Hồ Nguyên Khê khám bệnh. Sau khi thăm khám và chẩn đoán, Vạn Toàn nói với nhà Hồ Nguyên Khê rằng bệnh của cháu bé chữa trị khoảng một tháng là có thể khỏi. Thế là Vạn Toàn kê đơn thuốc cho cháu bé uống. Sau khi cháu bé uống hết 5 thang thuốc thì ho khan đã giảm được bảy phần, miệng và mũi đã ngừng chảy máu.

Đây vốn là sự khởi đầu tốt đẹp nhưng không ngờ Hồ Nguyên Khê lại cho rằng con khỏi bệnh quá chậm. Hơn nữa ông ta nghi ngại rằng bản thân mình và Vạn Toàn vốn có hiềm khích với nhau, Vạn Toàn nhất định sẽ không dụng tâm cứu chữa con mình. Thế là Hồ Nguyên Khê cho mời một thầy thuốc khác tên là Vạn Thiệu đến chữa trị.

Theo lý mà nói, Vạn Toàn hoàn toàn có thể buông tay. Mọi người đều  khuyên Vạn Toàn nên rời đi nhưng ông lại nói rằng: “Hồ Nguyên Khê chỉ có một đứa con nhỏ, mà bệnh này ngoài tôi ra thì không ai chữa trị khỏi được. Nếu tôi rời đi sẽ làm lỡ việc trị bệnh của đứa nhỏ, khi ấy dù không phải tôi giết nhưng lỗi vẫn là ở tôi. Tôi muốn xem Vạn Thiệu kê thuốc như thế nào, nếu phù hợp thì tôi rời đi còn nếu kê sai thuốc thì tôi phải can ngăn, can ngăn không được thì rời đi cũng chưa muộn”.

Sau khi xem Vạn Thiệu kê khai thuốc xong, Vạn Toàn cho rằng thuốc không đúng bệnh, uống vào sẽ gặp nguy hiểm tính mạng. Vì thế Vạn Toàn tận tình khuyên can, nhưng Vạn Thiệu lại không tiếp thu còn ra sức cãi lại. Hồ Nguyên Khê cũng ở bên Vạn Thiệu phụ họa, nói rằng đó là “quý phương”. Cuối cùng, Vạn Toàn nghiêm túc nói: “Tôi vì lo lắng cho mạng sống của đứa trẻ, không phải có tâm đố kỵ với ông”. Nói xong, Vạn Toàn rời đi.

Quả nhiên, đứa trẻ sau khi mới uống một bát thuốc nhỏ do Vạn Thiệu kê thì ho khan lại phát tác, thở dốc và hộc ra máu như lúc trước. Cứ như vậy, bệnh tình của đứa trẻ chuyển biến nghiêm trọng hơn khiến mạng sống gặp nguy hiểm.

Hồ Nguyên Khê lúc này hối hận vô cùng, lại đến thỉnh cầu thầy thuốc Vạn Toàn. Ở thời điểm thập tử nhất sinh ấy, Vạn Toàn không so đo tính toán mà chân thành khuyên giải: “Nếu ông muốn chữa trị cho con thì trước hết phải trừ bỏ đi tâm hiềm nghi của mình”. Sau đó Vạn Toàn lập tức đến cứu người. Kết quả chỉ sau mười bảy ngày thuốc, con của Hồ Nguyên Khê đã khỏi bệnh.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: