Hậu duệ đời thứ 17 của Trung Túc Đại vương Lê Lai ở Thanh Hóa là Lê Vinh, Trì uy tướng quân của Vương phủ, thấy thế đất thôn Quan Nhân đẹp cho rằng có thể phát văn võ, liền mang hài cốt cha mẹ từ Thanh Hóa ra táng ở thôn này.

Hậu duệ của Lê Lai trên đất Thăng Long
Câu chuyện Lê Lai cứu chúa nổi tiếng sử Việt. (Tranh qua Đặc San Lâm Viên)

Sau, chi họ Lê ở làng phía Nam Thăng Long này quả phát khoa bảng, văn tài có tiếng. Ví như ông Lê Doãn Thăng, cháu 4 đời cụ Lê Vinh, cũng là cháu 3 đời cụ Lê Trần Hoán, án sát tỉnh Nam Định. Ông Lê Doãn Thăng đỗ Cử nhân tại trường thi Hà Nội ở vị trí khá cao: thứ 5 trên 25 người lấy đỗ trong khoa thi Hương Tự Đức 29 (Bính Tý – 1876). Sau đó ông được bổ làm Tri phủ phủ Hoài Đức, thăng Hàn lâm viện Điển bạ thừa sự Bộ học. Ông làm việc rất mẫn cán, chu đáo lại liêm khiết nhân từ nên được các bạn đồng liêu kính nể, quan trên tin cậy yêu mến. Mùa hạ năm Khải Định thứ 4 (1919), Lê Doãn Thăng biên tập bộ Nam quốc địa dư chí lược(1) dưới tên là Văn Nham Lê Doãn Thăng Đông Húc Thị. Anh trai ông là Bồ Nam Lê Từ Tiểu Đào Thị nhuận chính.

Bộ sách gồm 104 trang in bằng chữ Nôm chân phương xen chữ Hán, tổng luận những nét cơ bản và nổi bật của nước Việt Nam ta thời đó với các mục: cương vực, núi non, sông ngòi, khí hậu, đê điều, thành phố, khoáng sản, các cửa khẩu, nhân dân, chính trị, giáo dục, tô thuế. Tấm bản đồ 3 kỳ với các tỉnh trong từng kỳ được giới thiệu đơn giản, ngắn gọn, khiến người đọc dễ dàng hình dung được địa lý tự nhiên ở nước ta. Ví dụ Bắc kỳ được chia thành các tỉnh ở phía Bắc, các tỉnh thuộc phía Đông, thuộc phía Tây và phía Nam. Nam kỳ thì được chia thành 5 tỉnh lớn: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, Hà Tiên; rồi dựa vào đó mà giới thiệu các tỉnh giáp giới nhỏ hơn. Do am hiểu tường tận về địa lý cùng với khả năng khái quát và cách dẫn dụ mạch lạc, tác giả đã giới thiệu về đặc điểm địa thế cương vực nước ta theo một quan điểm riêng rất hợp lý:

“Do hình thế núi sông, nước ta chia thành 3 kỳ, mỗi kỳ có sự cao thấp, độ phì nhiêu khác nhau. Vùng sơn địa gồm thượng du Bắc kỳ và các tỉnh Trung kỳ; vùng cao nguyên gồm các tỉnh từ Thuận Hóa đến Bình Định; vùng bình nguyên ven sông Mê Kông và Nhị Hà là đồng bằng Bắc bộ và Nam bộ”.

Về núi non, sách chỉ ra

“Nước ta có một dãy núi lớn khởi từ Vân Nam thẳng qua Bắc kỳ, Trung kỳ tới Nha Trang. Dãy núi này qua mỗi địa phương thì lại mang tên khác nhau và làm nhiệm vụ phân chia ranh giới giữa các tỉnh như: Tam Điệp là ranh giới của Thanh Hóa – Ninh Bình, Na Sơn là ranh giới của Thanh Hóa – Nghệ An, Hồng Lĩnh là ranh giới của Nghệ An – Hà Tĩnh, Hoành Sơn là trường thành ranh giới Nam Bắc, Thạch Nhai là ranh giới Quảng Ngãi – Bình Định, Cù Mông là ranh giới Bình Định – Phú Yên, Đại Lãnh là ranh giới Bình Thuận – Khánh Hòa”.

Phần tóm tắt về các hải khẩu, ông Lê Doãn Thăng thống kê chi tiết và miêu tả tỉ mỉ từng cửa khẩu ở các địa phương nguyên trước đây có bao nhiêu, hiện còn lại những cửa khẩu nào, tình trạng xuất nhập khẩu ra sao. Đặc biệt thú vị là khi tác giả giới thiệu về thành phố Hà Nội theo trình tự từ trung tâm ra ven nội:

“Thành phố Hà Nội chia làm 8 hộ, mặt phố chia thành 4 hạng.

Hạng 1: 10 phố là: Hàng Ngang, Hàng Buồm, Hàng Đào, Hàng Nhiễu, phố Trường Thi, Vũ Thạch, Gia Long, Đồng Khánh, phố Bôn Be, phố Gạc Nhe (GACNIE).

Hạng 2: 15 phố: Quan Chưởng, Hàng Đường, Phúc Kiến, Hàng Bồ, Hàng Bát, Hàng Giấy, Hàng Thiếc, Mã Vĩ, Hàng Hài, Cầu Gỗ, Kiếm Hồ, Hàng Bè, Bắc Ninh, Hàng Vôi, Hàng Gạo.

Hạng 3: 20 phố: Hàng Bạc, Hàng Đồng, Hàng Cựu Bát, Hàng Thuốc, Hàng Cót, Hàng Gà, Hàng Vải, Hàng Điếu, Hàng Da, Hàng Hòm, Hàng Cau, Nhà Hỏa, Hàng Bông, Hàng Quạt, Hàng Nón, Đồng Xuân, Hàng Tre, Hàng Chĩnh, Thương Chính, Đấu Mã.

Hạng 4: 10 phố: Hàng Nâu, Hàng Đậu, Hàng Cuốc, Hàng Cân, Hàng Lược, Hàng Cá, Hàng Mắm, Chân Cầm, Hàng Mành, Thợ Nhuộm”.

Đây chính là tư liệu quý cho những ai muốn tìm hiểu về đất nước ta nói chung, về Hà Nội nói riêng thời kỳ cận đại.

Ngoài ra ông Lê Doãn Thăng còn được triều đình giao cho công việc biên tập mục lục thư tịch quốc gia(2). Công trình đồ sộ này, một mình ông thực hiện trong suốt hai năm: từ năm Khải Định 9 đến năm Khải Định 10 (1924 – 1925). Sách gồm 11 bản viết tay, 2472 trang, khổ 27×15 bằng chữ Hán chân phương. Bộ sách chia thành các kho: Kinh, Sử, Tử, Tập, sách mới, Quốc thư:

Tập 1 là kho Sách mới gồm 262 bộ sách, báo chí mới in.

Tập 2 là kho Kinh gồm 47 bộ kinh, sử, loại, điển.

Tập 3 là kho Sử gồm 430 bộ ký sử, biên niên, địa dư, chính trị, bình luận, truyện ký.

Tập 4, 5 và 6 là kho Tử gồm 6550 bộ pháp gia, vũ vị, nông tang, y thuật, thư pháp, họa pháp, tiểu thuyết.

Tập 7 và 8 là kho Tập gồm 562 bộ thi, từ, phú, văn, biểu, sách, chế nghĩa.

Tập 9 và 10 kho Quốc thư gồm 601 bộ ngự chế thư, pháp học khoa, quốc sử khoa, văn học khoa, quốc âm thư.

Đây là bộ mục lục thư tịch lớn, biên soạn theo kiểu truyền thống, có thêm 2 mục mới (Sách mới và Quốc thư) của Thư viện Viện Cổ học Huế, cuối triều Nguyễn mà Lê Doãn Thăng là người có công đầu.

Sách được Nguyễn Tiến Khiêm và Nguyễn Bá Trác hiệu duyệt. Mỗi đơn vị thư mục đều có đủ tên sách, tình trạng sách, nội dung, người soạn, số hiệu, ký hiệu, khắc in hay viết, lai lịch…

Lê Doãn Thăng đỗ Cử nhân, chưa đỗ đại khoa, nhưng từng được bổ làm ở Viện Hàn lâm, có lẽ vì học vấn và phẩm hạnh mà ông được vua Tự Đức ban cho một bộ gồm hoành phi có chữ Thần to bằng nửa bức tường và 4 bức tứ bình. Mỗi bức là một bài thơ gồm 6 câu. Từng chữ trong đó đều được khảm bằng trai trên nền gỗ gụ.

Bài thứ nhất:

Phiên âm:

Tâm hề, bản hư
Ứng vật vô tích
Thao chi hữu yếu
Thị chi vi tắc
Khắc kỷ phục lễ(3)
Cửu nhi thành hỹ

Dịch thơ:

Tâm vốn là hư vô
Theo vật không để vết
Dụng tâm có yếu quyết
Là nguyên tắc ở đời:
Sửa mình để theo lễ
Thành thật và lâu dài

Bài thứ 2:

Phiên âm:

Nhân hữu bỉnh di
Bản hồ thiên tính
Trí dụ vật hóa
Toại vong kỳ chính
Nhàn tà tồn thành
Phi lễ vật thính(4)

Dịch thơ:

Người biết theo lẽ phải
Vốn là ở tính trời
Theo vật trí đổi dời
Nên mất đi lẽ phải
Lòng thành nên giữ lấy
Điều trái lễ chớ nghe

Bài thứ 3:

Phiên âm:

Thuận lý tắc dụ
Tòng dục duy nguy
Tháo thứ khắc niệm
Chiến căng tự trì(5)
Tập giữ tính thành
Thánh hiền đồng quy

Dịch thơ:

Theo lẽ phải thì giàu
Theo lòng dục thì nguy
Dẫu vội chớ quên đi
Phải luôn luôn run sợ
Phải giữ mình thành kính
Hiền Thánh cùng theo về

Bài thứ 4:

Phiên âm:

Nhân tâm chi động
Duy ngôn dĩ tuyên
Thương dị tắc đản
Thương phiền tắc chi
Phi pháp bất đạo(6)
Khâm tai huấn từ.

Dịch thơ:

Lòng người ta dao động
Phát lộ ra thành lời
Tổn nhẹ thì sinh sai
Tổn nhiều thì chống đối
Điều phi pháp không nói
Lời dạy nghiêm kính thay.

Ông Lê Doãn Thăng sinh được 5 cô con gái. Cô Cả gả cho ông Hậu bổ, cô Hai lấy quan Huấn đạo, cô Ba lấy người cùng làng, Cô Tư góa chồng từ năm 21 tuổi đã thủ tiết nuôi 2 đứa con gái của mình khôn lớn và được vua ban cho hiệu “Tiết hạnh khả phong” (một trong hai người con gái của cô Tư lấy Nguyễn Văn Tố). Cô Út gả cho Lương Ngọc Quyến.

Bà Thăng là người rất nhân từ đối với người nghèo khổ. Bà luôn làm phúc, cho tiền gạo thuốc men giúp đỡ họ nên ai cũng quý trọng biết ơn. Mặc dầu vậy bà vẫn chưa sinh được quý tử. Một hôm chiêm bao, thấy có hai đứa bé trai kháu khỉnh đi từ quả chuông ra, sà vào lòng mình, quả nhiên năm đó bà sinh đôi: cậu cả húy là Doãn Đại tên là cả Chuông; cậu hai húy là Doãn Thân tên là hai Chuông. Hai Chuông nổi tiếng là thần đồng hay chữ, học đâu nhớ đấy, về sau thi đỗ Tú tài gọi là Tú Thân. Tú Thân chữ đẹp thơ hay, đoạt giải nhất trong cuộc thi câu đối ở đền Ngọc Sơn Hà Nội những năm 1949-1950.

Ông Lê Doãn Thăng giữ nếp nhà rất nghiêm. Bản thân ông tuy ở đất Thăng Long nhiều đời nhưng lòng vẫn hướng về cội nguồn. Khi vào kinh thi Hội, việc trước tiên là ông rẽ về Thanh Hóa lễ tổ tiên. Sau này con cháu ông dù phân tán bốn phương vẫn không quên tiên tổ, cứ mùng 4 tháng giêng (ngày giỗ tổ họ Lê ở thôn Quan Nhân) đều đủ mặt với tấm lòng thành kính.

Ngày nay các bậc cao niên ở thôn Quan Nhân mỗi khi nhắc đến ông Lê Doãn Thăng đều gọi ông bằng cái tên vừa tôn kính vừa thân mật: ông Phủ Hoài(7).

Lê Hoàng Bảo Giáp

Đăng lại từ Tạp chí Hán Nôm số 2 năm 2002
Theo Viện nghiên cứu Hán Nôm (Hannom.org.vn)

Chú thích:

(1) Nam quốc địa dư chí lược. Ký hiệu: VHv.1723. Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm.

(2) Cổ học viện thư tịch thủ sách. Ký hiệu A.2601/1-19. Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm.

(3)(4)(5)(6). Câu trong Luận ngữ. Bốn bài tứ bình đều do PGS. Phan Văn Các phiên âm và dịch.

(7) Bài viết dựa vào gia phả họ Lê Sĩ thôn Quan Nhân và lời kể của con cháu cụ Thăng.

Xem thêm:

Mời nghe radio: