Là hậu duệ của Ngô Quyền, Ngô Chân Lưu không chỉ góp công lớn giúp xây dựng Xã Tắc ổn định, đánh bại quân Tống, mà còn đặt nền tảng vững chắc để Phật giáo phát triển huy hoàng tại Đại Việt.

Cháu đích tôn của Ngô Quyền

Sau chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền lên ngôi Vua. Năm 944, Ngô Quyền mất, truyền ngôi Vua lại cho con trưởng là Ngô Xương Ngập. Tuy nhiên Dương Tam Kha cướp ngôi Vua khiến Ngô Xương Ngập phải mang cả nhà đi bỏ trốn.

Trong số hai con của Ngô Xương Ngập thì có Ngô Xương Tỷ sinh năm 933, cháu đích tôn của Ngô Quyền, thuở nhỏ khôi ngô đĩnh ngộ.

Trong thời gian bỏ trốn, trước tình thế có thể bị bắt bất cứ lúc nào, Ngô Xương Ngập đã cho đổi tên con trai Ngô Xương Tỷ thành Ngô Chân Lưu, cho nương nhờ cửa Phật ở chùa Khai Quốc (nay là chùa Trấn Quốc, Hà Nội).

Ngô Chân Lưu từ bé đã được truyền dạy nhiều kinh điển, lại được học thêm Phật Pháp nên càng thông tuệ hơn.

Nhà Ngô đoản mệnh, chiến loạn nổi lên. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 Sứ quân, lên ngôi Vua, hiệu là Đinh Tiên Hoàng. Nhà Vua lấy Phật giáo làm Quốc giáo nhằm giữ ổn định Xã Tắc sau thời gian dài loạn 12 Sứ quân.

Lúc này danh tiếng Thiền sư Ngô Chân Lưu đã vang xa khắp nơi. Năm 969, vua Đinh Tiên Hoàng cho mời Thiền sư Ngô Chân Lưu đến diện kiến. Thiền sư đã trả lời trôi chảy các câu hỏi của nhà Vua. Vua phong cho ông làm Tăng Thống, tức người đứng đầu trong Phật giáo. Ngô Chân Lưu cũng là người giữ chức Tăng Thống đầu tiên trong sử Việt.

Năm 971, Đinh Tiên Hoàng sắp đặt các quan hai ban văn võ. Ngô Chân Lưu được ban hiệu là Khuông Việt đại sư, được tham dự Triều chính, Vua rất xem trọng và lắng nghe lời của ông. Khuông Việt hướng dẫn Vua, Nam Việt vương Đinh Liễn cùng các Triều thần theo Phật Pháp, lấy đức trị quốc khiến Xã Tắc ổn định sau cuộc chiến loạn.

Góp công lớn đánh bại quân Tống

Thời gian đầu ở ngôi Vua, Đinh Tiên Hoàng dùng Phật Pháp giáo hóa muôn dân, giúp Xã Tắc ổn định. Nhưng về cuối đời nhà Vua lại trầm mê, con lớn là Đinh Liễn có công lớn bậc nhất đánh thắng các Sứ quân nhưng lại không được phong Thái tử, mà phong Thái tử cho con khác còn rất nhỏ.

Hậu duệ Ngô Quyền giúp đánh bại quân Tống, đặt nền móng cho Phật Pháp
Tượng Đinh Liễn ở đền Vua Đinh Tiên Hoàng-Hoa Lư. (Ảnh: Kien1980v, Wikipedia, Public Domain)

Năm 980, Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị kẻ gian hãm hại, Đinh Toàn lại còn rất nhỏ, nhà Tống nhân cơ hội này rục rịch muốn tiến binh sang. Trong hoàn cảnh cần minh quân chống giặc, nhiều người trong Triều đã phò giúp thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi Vua, nhằm chuẩn bị kịp thời đối phó với quân Tống.

Lê Hoàn lên ngôi Vua, hiệu là Lê Đại Hành. Dưới thời Vua, Thiền sư Khuông Việt được kính cẩn, các việc đại sự chuẩn bị đánh Tống ông đều tham dự.

Năm 981, quân Tống đặt dưới sự chỉ huy của Hầu Nhân Bảo tiến đánh Đại Cồ Việt. Sử nhà Tống và Đại Việt Sử ký Toàn thư đều nhận định giai đoạn đầu của cuộc chiến quân Tống liên tục giành chiến thắng. Nhưng quân Việt chỉ giả thua cốt để dụ quân Tống vào trận địa được chuẩn bị sẵn ở Bình Lỗ.

Bình Lỗ là địa danh nằm trên sông Cà Lồ, quân Tống tiến đến thành Đại La (sau này đổi tên là thành Thăng Long) thì phải qua đây. Vì thế mà từ lâu vua Lê Đại Hành đã chuẩn bị thế trận cho yếu địa này. Thiền sư Khuông Việt cũng đến Bình Lỗ để xem xét và cùng chuẩn bị thế trận.

Vua Lê Đại Hành thân chinh cầm quân giao chiến với chủ tướng Hầu Nhân Bảo, quân Đại Cồ Việt thua trận theo đúng kế hoạch rồi rút chạy về Bình Lỗ. Chủ tướng Hầu Nhân Bảo thừa thắng đuổi sát theo sau nhằm quyết bắt được Vua Lê Đại Hành. Cuối cùng, quân Tống rơi vào thế trận của Đại Cồ Việt, chủ tướng Hầu Nhân Bảo tử trận. Các cánh quân Tống nghe tin chủ tướng tử trận thì kinh hoàng rút về nước.

Giúp quan hệ với nhà Tống tốt đẹp sau cuộc chiến

Sau cuộc chiến, quan hệ Tống-Việt trở nên căng thẳng. Năm 987, sứ thần nhà Tống do Lý Giác dẫn đầu sang Đại Cồ Việt. Vua Lê Đại Hành đặt niềm tin của mình vào các Thiền sư Khuông Việt và Pháp Thuận, giao cho 2 ông đón tiếp sứ nhà Tống.

Thiền sư Khuông Việt và Pháp Thuận đã tỏ rõ tài năng ứng đối của mình, khiến Lý Giác thầm phục, làm bài thơ có 2 đoạn kết như sau:

Thiên ngoại hữu Thiên ưng viễn chiếu,
Khê đàm ba tĩnh kiến thiềm thu.

Dịch là:

Ngoài trời lại có trời soi nữa,
Sóng lặng khe đầm bóng nguyệt thâu.

Trước khi đoàn sứ nhà Tống về nước, Vua nhờ Thiền sư Khuông Việt viết một khúc nhạc để tiễn đưa. Khuông Việt đã viết bài từ “Vương Lang Quy” nổi tiếng. Đây là “từ khúc”, bản dịch như sau:

Gió xuân đầm ấm cánh buồm giương
Ngóng vị thần tiên lại đế hương
Non nước nghìn trùng vượt đại dương
Trời xanh bao dặm trường!
Tình thắm thiết
Chén đưa đường
Vin xe sứ giả vấn vương
Dám xin tâu rõ cùng thánh thượng
Lưu ý chốn biên cương

Theo một số nhà nghiên cứu thì đây là bài theo thể “từ khúc” đầu tiên của lịch sử văn học Việt Nam.

Thiền sư Khuông Việt không chỉ giúp đánh bại quân Tống, mà còn khiến mối quan hệ 2 nước trở nên tốt đẹp 6 năm sau cuộc chiến này. Ông góp công lớn hồng dương Phật Pháp, dùng Phật Pháp giáo hóa muôn dân, giúp Xã Tắc ổn định, thiên hạ thái bình. Đặt nền móng vững chắc cho Phật giáo phát triển huy hoàng vào thời nhà Lý.

Đến cuối đời, Thiền sư Khuông Việt từ quan, trở về quê nhà dựng chùa, mở trường dạy học, học trò đến học rất đông, dù thế ông cũng không quên chùa Khai Quốc, nơi thuở bé thơ ông được cưu mang và dạy dỗ.

Thiền sư Khuông Việt mất năm 1011, đệ tử tiếp bước ông là Đa Bảo, một trong những người có ảnh hưởng lớn đến việc lên ngôi của Lý Công Uẩn.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: