Danh là thứ có thể khiến người ta mê đắm đến mức quên mất cả bản thân mình. Bởi vậy nên trong cuộc sống, chúng ta cần học cách từ bỏ, đừng bắt bản thân “chịu đựng phú quý”.

Hãy học cách từ bỏ, đừng "chịu đựng phú quý"
(Tranh: Thời Minh, Public Domain)

Có một mẩu chuyện nhỏ thế này. Một lão gia vừa có tiền vừa có danh vọng ao ước thuê được người thợ gốm có tiếng nhất trong nước để chế tác cho mình một chén trà tinh xảo, trắng như tuyết, trong suốt như bạch ngọc, bên trên khắc con dấu của ông cụ.

Mọi người truyền tai nhau, rồi sau đó những cửa hàng đồ gốm có tiếng trong trấn kết hợp lại để đặc biệt chế tác tỉ mỉ cho vị lão gia một chén trà.

Khi chén trà được dâng lên, lão gia ngắm nhìn một hồi lâu, quả thật ưng ý. Hơn nữa khi cầm lên thì chén trà vừa nhẹ vừa mỏng đến mức người ta cảm thấy như thể đang không cầm thứ gì vậy.

Ông hỏi người dâng chén trà lên cho mình rằng: “Làm sao phân biệt được chén trà có tốt hay không?” Người đó trả lời: “Tất cả đồ gốm đều quý ở chỗ nhẹ và mỏng. Cái nào vừa nặng vừa dày thì không phải là chén trà tốt.”

Vì giàu có lại danh vọng, ngày ngày lão gia đều phải tiếp khách. Đặc biệt là khi mới nhận được chén trà thì khách ra vào nhiều lắm, vừa là để chúc mừng, vừa là để thưởng lãm báu vật. Nhưng đâu có ai biết rằng lão gia vì vậy mà khổ sở mãi.

Lão gia là người có danh vọng, bình thường hiếm khi biểu lộ cảm xúc. Chén trà mới chất liệu rất mỏng, truyền nhiệt rất nhanh, cầm chén trà nóng trong tay quả thật là chẳng khác nào đang cầm cục than cháy đỏ. Một ngày ba bữa, lão gia đều phải chịu đựng tay bị phỏng.

Trên thế gian này, có bao nhiêu người không phải là đang hưởng thụ phú quý mà là đang chịu đựng phú quý vậy chứ!

Trong cuộc sống thường nhật có lẽ chúng ta cũng gặp rất nhiều trường hợp như vậy. Tôi có một người đồng nghiệp rất xuất sắc về cả học thức và năng lực, mới gần ba mươi tuổi là đã ở vị trí trưởng phòng rồi. Nhưng sau đó con đường thăng chức của cô ấy lại gian nan khúc khuỷu, rất nhiều lần gần như đã ở ngay trước mắt rồi, mà ngay vào thời điểm cuối cùng lại bị trượt mất.

Nỗi thất vọng khi không được chọn, lại thêm lời dị nghị của người khác khiến cô ấy rất buồn khổ. Tôi luôn an ủi cô: “Công danh lợi lộc trôi qua như áng mây, đừng quá để tâm.”

Sau này, khi cô ấy nói với tôi rằng cô quyết định cố gắng xin vào chức vị cao cấp một lần nữa, tôi nghiêm túc nói với cô ấy: “Thứ gọi là công danh, khi có duyên thì mới có, nếu không có duyên thì đừng cưỡng cầu. Hãy để cho lòng bình yên, đừng suy nghĩ quá nhiều.”

Kết quả là lại như lần trước, dù cho đánh giá về cô ấy rất khá, nhưng cô ấy vẫn thua. Lần này, cô ấy uống rượu đến say mèm, kéo vai tôi và nói: “Cô nói rất đúng, nếu không có duyên thì thế nào cũng không có được. Tôi thật sự rất ngưỡng mộ cô, nhìn cái gì cũng rõ ràng như thế.”

Tôi nhìn người phụ nữ đã 40 tuổi này, tóc bạc đã sắp phủ đầy đầu rồi, nếp nhăn trên mặt còn nhiều hơn cả người 50 tuổi, tôi thở dài: “Nếu như cô chịu nghe tôi, từ bỏ đi, thì cần gì phải sống mệt mỏi như thế suốt mười mấy năm qua?”

Điều khiến tôi cảm thán hơn nữa đó là người giành được chức vị lần này là một đồng nghiệp rất thân khác của tôi. Tuy rằng người này rất có tiếng về chuyên môn, nhưng hoàn toàn không có năng lực quản lý, lại càng chẳng biết gì trong lĩnh vực quản lý nhân sự.

Sau khi cô ấy thăng chức thì làm việc rất mệt mỏi, cũng gặp phải rất nhiều vấn đề. Cô ấy thường kể với tôi nào là mối quan hệ gượng gạo với các quản lý cấp cao khác, nào là bị cô lập. Tôi nói: “Nếu đã không vui như vậy thì tại sao không từ bỏ đi? Có lẽ thân phận kỹ sư phù hợp với cô hơn.” Cô ấy lắc đầu: “Nếu tôi không làm nữa thì người khác sẽ nhìn tôi thế nào đây?” Tôi không còn gì để nói nữa.

Giống như vị lão gia nọ thà chịu đựng cảm giác phỏng rát cũng không muốn buông chén trà tượng trưng cho phú quý kia xuống, trên thế gian này, có bao nhiêu người có thể từ bỏ được danh, lợi trước mắt đâu?

Trong cuộc sống cần phải học cách từ bỏ. Có lẽ vào lúc mà bạn từ bỏ đó, niềm vui sẽ trở lại trong đời.

Theo The Epoch Times tiếng Trung
Ngọc Trúc biên dịch

Xem thêm:

Mời xem video: Có thể “buông bỏ” mới có thể “đắc được”