Văn hóa truyền thống coi trọng lòng hiếu thảo, xem đó là cái gốc làm người. Trong cuốn “Hiếu Kinh”, lòng hiếu thảo được cho là việc “Thiên kinh địa nghĩa”, là Thiên lý. Có rất nhiều điển cố được lưu truyền ngợi khen lòng hiếu thảo của người xưa, một trong số đó là chuyện Đổng Vĩnh bán thân chôn cha.

Đổng Vĩnh là người đời Hán, nhà tuy nghèo nhưng rất hiếu thảo. Khi cha mất, trong nhà không còn tiền để lo việc ma chay cho cha, Đổng Vĩnh phải đi đến làng khác quỳ trên đường, đeo một cái bảng bày tỏ ý bán thân để lấy tiền lo cho tang lễ.

Một người giàu có thấy vậy bèn cho Đổng Vĩnh mượn tiền nhưng ông ta yêu cầu Đổng Vĩnh phải hứa sẽ dệt trả công 300 tấm lụa. Số tiền công dệt lụa ấy phải trội hơn gấp mấy lần tiền vay.

Vay được tiền, Đổng Vĩnh về lo việc tang cha xong xuôi, rồi lại thu xếp đến nhà chủ nợ để dệt trả công. Dọc đường, Đổng Vĩnh bỗng gặp một người con gái đứng dưới bóng cây Hòe. Nàng ngỏ lời muốn kết duyên vợ chồng với Đổng Vĩnh và hẹn cùng nhau dệt xong 300 tấm lụa thì sẽ thành hôn.

Ban than chon cha 01
(Tranh minh họa: Utagawa Kuniyoshi, British Museum, Wikipedia, Public Domain)

Thế rồi hai người cùng nhau đến nhà chủ nợ, ngày đêm dệt lụa trả nợ. Do người con gái có kinh nghiệm dệt lụa, nên lụa nàng dệt ra rất đẹp mà lại nhanh.

Nhờ sự giúp sức của người con gái, Đổng Vĩnh đã dệt xong 300 tấm lụa chỉ trong vòng một tháng. Công việc xong xuôi, hai người cùng trở về nhà. Khi về đến gốc Hòe nọ, người con gái chợt từ giã Đổng Vĩnh rồi đột nhiên đằng vân bay mất.

Lòng hiếu thảo của người xưa: Bán thân chôn cha
(Tranh minh họa: Liên hoàn họa thời Trung Hoa dân quốc)

Người ta truyền rằng tấm lòng hiếu thảo của Đỗng Vĩnh đã cảm động Trời xanh, nên một tiên nữ mới tới giúp chàng. Đây chính là tích Đổng Vĩnh “mại thân táng phụ” (bán thân chôn cha).

Người đời sau có thơ rằng:

Vay tiền để chôn cất cha già,
Giữa đường liền gặp nàng tiên,
Dệt lụa trả công chủ nợ,
Lòng hiếu cảm động đến Trời.

Ban than chon cha 02
(Tranh minh họa: Utagawa Sadahide, National Diet Library, Wikipedia, Public Domain)

Lại có thơ về Đổng Vĩnh như sau:

Ðời Hậu Hán có người Ðổng Vĩnh,
Nhà rất nghèo mà tính rất thành,
Thấu chăng, chẳng thấu trời xanh,
Phụ tang để đó, nhân tình còn chi.

Liều thân thể làm thuê công việc,
Miễn cầu cho thể phách được yên.
Nực cười thay nhẽ đồng tiền,
Ðem thân hiếu tử, băng miền phú gia.

Bỗng gặp kẻ đàn bà đâu đó,
Xin kết làm phu phụ cùng đi.
Lụa, ba trăm tấm dệt thuê,
Trả xong nợ ấy mới về cùng nhau.

Tới chốn gặp bỗng đâu thoắt biến,
Là tiên cô, Trời khiến giúp công.
Mới hay Trời vốn ở lòng,
Há rằng cao thẳm, nghìn trùng mà xa.

Lý Văn Phức, Cổ Hán Văn

Trong cuộc sống ngày nay, mặc dù việc tổ chức tang lễ cho cha mẹ vẫn rất được xem trọng, nhưng người ta dường như đã quá chú tâm vào nghi thức mà quên đi ý nghĩa của lòng hiếu thảo. Những chuyện làm đám ma ầm ĩ, bật nhạc “khóc hộ” suốt ngày đêm, hay ném bát hương và bàn thờ xuống sông để người đã khuất được “mát mẻ” đã cho thấy quan niệm lệch lạc của người hiện đại. Rốt cuộc chữ Hiếu đâu phải là những thứ hình thức bề ngoài đó, mà chính là lòng kính yêu cha mẹ từ tận trong tâm khảm.

Quang Minh biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: