Hình tượng động vật nhiệt đới trên đồ đồng Đông Sơn

Hình tượng động vật nhiệt đới trên đồ đồng Đông Sơn

Trước hết, phải phân trần ngay rằng việc thống kê cho đầy đủ phân loài và số lượng các động vật được vẽ hay đúc trên đồ đồng Đông Sơn là chuyện bất khả. Từ 2000 năm trước, khi văn minh Đông Sơn đang trên đà vươn tới đỉnh cao thì cuộc xâm lăng tàn bạo từ phương Bắc xuống đã chấm dứt nền độc lập sơ khai của người Việt cổ. Đau đớn nhất là sử cũ ghi việc Mã Viện “tịch thu trống đồng của người Man đem về đúc ngựa dâng vua Hán” (Hậu Hán thư). Tất nhiên Viện không thu được hết – nhiều trống và đồ đồng quý báu đã được người Việt chôn giấu hay mang theo khi vài bộ tộc luồn rừng, vượt núi xa hơn về phương Nam… Mãi đến kỷ nguyên hiện đại thì trống đồng Đông Sơn mới được xác định giá trị đỉnh cao của khởi nguyên văn minh Việt cổ. Những hiện vật ưu tú nhất của nền văn minh này như trống đồng, thạp đồng, giáp che ngực, kiếm ngắn có chuôi đúc tượng người… trở thành niềm tự hào trong bộ sưu tập của các bảo tàng Việt Nam và các nước có liên quan.

Ngoài mục đích thực dụng, đồ đồng Đông Sơn còn nổi bật giá trị thẩm mỹ về kiểu dáng, cách gắn tượng mini hay hệ thống hoa văn trang trí. Đặc biệt hết sức sinh động là hình tượng hệ động vật nhiệt đới được trình bày trên đa số các đồ đồng. Không chỉ hấp dẫn, chúng còn để lại cho đời sau khá nhiều thông tin về xã hội, tín ngưỡng, môi trường, công nghệ xử lý đồng và kỹ thuật biểu hiện hình tượng nghệ thuật của người Đông Sơn.

1. Có bao nhiêu loài vật đã được người Đông Sơn tuyển chọn để biểu hiện trên đồ đồng?

Căn cứ vào thực tế các hình tượng trên đồ đồng cách đây 2 thiên niên kỷ thì người Đông Sơn chỉ vẽ và đúc những con vật có thật, được họ nhìn rõ hàng ngày. Đương nhiên đó là hệ động vật của miền nhiệt đới Đông Nam Á. Mãi đến thời Đông Sơn muộn, khi các định chế Bắc thuộc đã rõ nét áp đặt lên xã hội Giao Chỉ thì ta mới thấy các hình rồng, phượng, ngựa hay thao thiết…

Tuy nhiên, người Đông Sơn tuyển chọn chứ không vẽ hay đúc tất cả mọi động vật có ở quanh họ lúc đó.

Nổi bật nhất, với tần số hiện diện cao là các loài chim, khi bay, khi đậu, khi bơi… nghĩa là chúng chiếm lĩnh cả bầu trời, mặt đất và sông nước. Chúng đậu nóc nhà khiến cho các kiến trúc đỡ cứng nhắc, chúng bay ríu rít khiến các con thuyền dạt dào sinh khí, chúng lội nước bắt cá, thậm chí giao phối ngay trước mũi các con thuyền độc mộc như thể thế giới loài người và loài chim điềm nhiên song hành! Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Chim nước là một vật tổ (totem) của người Việt cổ. Trên mặt trống đồng thường thì loài chim được xếp bố cục để bay nối đuôi nhau theo đội hình trọn vẹn một vòng riêng biệt. Hình tượng chim được cách điệu cao nên không dễ để nhìn ra đặc điểm gốc của giống loài. Tuy vậy đôi khi ta có thể nhận biết có gà, cò, cò quăm, vạc, bồ nông, công…

Hình tượng động vật nhiệt đới trên đồ đồng Đông Sơn
Chim bay theo thuyền Đông Sơn là hình ảnh dạt dào cảm xúc
được khắc họa trên thạp đồng Đào Thịnh.
Hình tượng động vật nhiệt đới trên đồ đồng Đông Sơn
Tượng đồng Chim bồ nông mỏ ngậm cá.
Sưu tập của Bảo tàng Barbier-Mueller, Thụy Sĩ.

Tiếp đến là các loài thú như hươu, bò, trâu, cáo, voi, hổ… và chó đã thuần hóa. Hươu đi thành đàn, nổi bật trên mặt trống đồng – có lẽ đó cũng là một trong các vật tổ (totem) của người Việt cổ. Bò đứng đơn lẻ trong các mảng hình trên thân trống đồng chứ không bao giờ hiện diện trên mặt trống. Nhưng bò cũng được đúc tượng khá gần hiện thực, có người cưỡi để làm chân đèn. Hình tượng trâu rất hiếm nếu so với bò, chỉ vài lần được tạo hình kỷ hà nhưng cặp sừng khá nhiều lần trở thành họa tiết trang trí cho các muôi và vài loại đồ đồng khác. Rất có thể vì trâu được thuần hóa sau bò. Dường như voi chỉ được đúc tượng trên mặt trống đồng, chuông đồng, chân đèn, chuôi kiếm ngắn… mà hiếm khi được vẽ hình đồ họa hóa. Cáo cặp đôi nhưng ngược chiều nhau quanh diềm giáp ngực Lật Phương và có lần nổi bật trên mặt trống Phú Xuyên. Ác thú rất hiếm khi được hiện diện trên trống đồng: hổ chỉ xuất hiện đôi ba lần, khi thì đúc nét lõm trên chiếc qua đồng Núi Voi, khi thì đúc hình bẹt mini như ở di chỉ Lãng Ngâm. Hấp dẫn hơn là hình tượng chó đã thuần hóa thành chó săn, chuyên chặn đầu đàn hươu để người thợ săn có thể đuổi kịp và có lần chó nhà còn thấy đứng trên thuyền, giữa các chiến binh nguyên thủy.

Hình tượng động vật nhiệt đới trên đồ đồng Đông Sơn
Tượng bò có người cưỡi, được cho là chân đèn cổ, đỡ đĩa dầu lạc (đã bị gãy).
Hình tượng động vật nhiệt đới trên đồ đồng Đông Sơn
Tượng hươu làm chân đèn cổ.

Loài bò sát nổi bật nhất thời Đông Sơn là cá sấu – chúng từng được đúc làm khóa thắt lưng và đôi ba lần được “hình học hóa” trên trống và thạp đồng. Một biến thể của hình tượng cá sấu là các cặp giao long đang giao phối. Đặc biệt hơn: tượng cóc đơn hay đôi hoặc thậm chí chồng 3 được gắn trên mặt trống đồng để phục vụ tín ngưỡng cầu mưa (sẽ đề cập sâu hơn ở bài sau). Rùa không có mặt trên trống đồng nhưng được đúc thành khóa thắt lưng tuyệt đẹp. Kỳ lạ nhất (mà có lẽ cũng phi lý nhất) là hình dường như khủng long trên nóc nhà Đông Sơn (?).

Hình tượng động vật nhiệt đới trên đồ đồng Đông Sơn
Hình chim bay trên mặt trống Cổ Loa (nét đúc nổi trên mảng khoét chìm nông). Phía trên nóc nhà Đông Sơn có hình dường như khủng long (?) (Ảnh: Hiếu Trần)
Hình tượng động vật nhiệt đới trên đồ đồng Đông Sơn
Tượng cóc trên trống Lạng Sơn (Đông Sơn muộn). (Ảnh: Nguyễn Hoài Nam)
Hình tượng động vật nhiệt đới trên đồ đồng Đông Sơn
Chiếc qua đồng Núi Voi có khắc hình hổ và cá sấu rất rõ nét. Riêng cá sấu được tả thêm những nét phi hiện thực như chùm lông đuôi dựng ngược và những nét dựng đứng trên đầu và cổ. Hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Hà Nội.
Hình tượng động vật nhiệt đới trên đồ đồng Đông Sơn
Tượng voi gắn trên mặt trống Hồi Xuân (Đông Sơn muộn) (Ảnh: Nguyễn Hoài Nam)

Hình cá khá nhiều trên các tang trống, ở tầm dưới nước, vị trí ngay đầu và đuôi thuyền, sát các mái chèo. Đôi khi lại là chim đang kẹp cá trong mỏ.

Hình tượng động vật nhiệt đới trên đồ đồng Đông Sơn
Trên: đôi bồ nông giao phối ngay sau đuôi thuyền Đông Sơn. Dưới: cá bơi dưới thuyền và một con chim đang cắp cá trong mỏ trước mũi thuyền. Hình từ trống Hoàng Hạ, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Hà Nội.

Những loài vắng bóng gồm: tất cả côn trùng và tuyệt nhiên không có sư tử, lân, nghê, sấu… mà ngày nay đầy rẫy trong các đình chùa đền miếu.

2. Nghệ thuật biểu hiện các động vật trên đồ đồng Đông Sơn

Có 2 dạng cơ bản: hoặc đúc thành tượng mini hay tạo hình bẹt kỷ hà (hình học hóa, đồ họa hóa). Rất hiếm khi có tượng động vật hoàn toàn độc lập, đa số theo ý định thực dụng: gắn trên mặt trống đồng hay nắp thạp, làm chân đèn, gắn trên cán muôi đồng, đỉnh chuông đồng, đầu chót cán dao găm, v.v… Các tượng động vật (trừ cóc được biểu tượng hóa cao độ) đều có xu hướng hiện thực nên dễ nhận dạng.

Hình bẹt kỷ hà hiện diện vô số trên mặt các đồ đồng. Nói chính xác hơn thì trước khi đúc, nghệ nhân đã kỳ công thiết kế bố cục, căn chỉnh cấu trúc, phân chia mảng miếng để vẽ những hình động vật trên bề mặt khuôn đúc bằng đất sét. Do bố cục hết sức chặt chẽ trên mặt trống, thân và tang (vai) trống cũng như trên mặt thạp, giáp che ngực… mỗi hình tượng chỉ được dành cho một mảng miếng có giới hạn nên không thể tùy ý vẽ phóng tay. “Vẽ” trên nền đất sét tức là khoét nét lõm, để lại mảng nổi hoặc khoét mảng lõm để lại nét nổi. Khi đúc xong thì con vật thành hình ngược lại: nét nổi-mảng chìm hoặc mảng nổi-nét chìm. Cách đây 2000 năm, các nghệ nhân Việt cổ thật kỳ tài: không có các công thức hình học trường quy, chẳng compa hay thước kẻ chuẩn mực, làm gì có giấy can, v.v… nghĩa là hoàn toàn tự tay ước lượng. Vậy mà ngày nay chúng ta phải khâm phục những vòng tròn đồng tâm căng đều tăm tắp trên mặt các trống đồng, đa số các con thú nhịp bước hay chim bay chia đều khoảng cách trọn vẹn vòng tròn, không thừa-thiếu!

Hình tượng động vật nhiệt đới trên đồ đồng Đông Sơn
Mặt trống đồng Ngọc Lũ, bản đồ họa nét.

Phương pháp vẽ hình trên đồ đồng Đông Sơn rất thống nhất, đó là kiểu “kỷ hà” hay còn gọi là “hình học hóa” nghĩa là quy hình tượng vào các nét hình học thẳng hay cong đều, mảng miếng rõ nét theo hướng tối giản, gần với các hình hình học như vuông, chữ nhật, tam giác, thang, tròn… Thành ra các nét rất sắc, không rườm rà, các mảng phẳng đều mà không tả chất. Đương nhiên ngày nay ta thấy các bề mặt sần sùi là do phong hóa tự nhiên sau những 2 thiên niên kỷ!

Hình tượng động vật nhiệt đới trên đồ đồng Đông Sơn
Mặt trống Hòa Bình với hình cá sấu cổ ở lưu vực sông Hồng. Đó là loài cá sấu mõm nhọn và dài, hiện đã tuyệt chủng ở Việt Nam.
Hình tượng động vật nhiệt đới trên đồ đồng Đông Sơn
Mặt trống Phú Xuyên với hình 4 con cáo và 6 con chim.

Các hình hình học hóa trên bề mặt đồ đồng Đông Sơn được cách điệu cao đến mức càng về sau (thời Đông Sơn muộn) càng công thức hóa đến độ trừu tượng hóa, chỉ còn phảng phất sự thật.

3. Chỉ dùng nét và mảng, cớ sao nghệ nhân Đông Sơn có thể vẽ các động vật sinh động như vậy?

Ngày nay, nếu chỉ xét đơn thuần về kỹ thuật thể hiện thì các hình trang trí trên mặt đồ đồng Đông Sơn có vẻ đơn điệu: không tô màu, không tả chất, chỉ có bề mặt và độ khoét chìm nông (chừng 1mm). Nhưng các hình trang trí động vật thì lại rất sinh động, tươi mới, nét căng và rất “bắt mắt”.

Trước hết đó là do kỹ thuật sử dụng nét tạo hoa văn trang trí. Chỉ mỗi nét không thì đơn điệu nhưng nghệ nhân Đông Sơn đã biết tận dụng các vạch ngắn-dài với chấm thành dải và vòng tròn mini có chấm tâm. Họ biết tập hợp tất cả những yếu tố đó thành những tổ hợp hoa văn biến hóa kỳ diệu. Ví dụ các con chim thường có bộ lông rất đẹp nhưng hình chim trên trống đồng thường rất nhỏ, không cho phép tỉa tót để tả kỹ theo sự thật. Họ bèn kết hợp các nét ngắn-dài-ngang-dọc-chéo, thậm chí zic zac với các chấm thành dải để tả thân, mào, cổ và đuôi chim; riêng mắt thì vẽ vòng tròn chấm tâm, đôi khi tới 2 vòng mí. Bộ lông chim trở nên hấp dẫn dù không tỉa tót tinh vi và không có 2 con giống hệt nhau về tổ hợp nét hoa văn. Phải nói là các hình chim không có ý tả thật mà “phiêu lãng” trên sự thật! Một ví dụ khác, con bò chẳng hạn – ngoài hình hài hùng dũng với sừng, u và yếm thì bộ lông bò nào có gì đặc biệt? Vậy mà nghệ nhân Đông Sơn đã kết hợp các vạch dọc-ngang-dài-ngắn-chéo-dải chấm để tạo hoa văn trên thân, thậm chí vẽ hình tròn chấm tâm cho cả mắt và u bò, hình bò vẫn giống mà đẹp một cách siêu thực!

Hình tượng động vật nhiệt đới trên đồ đồng Đông Sơn
Hình vẽ mặt bên của trống Đồi Ro, trên tang trống có 3 chim vạc đứng chắn 2 đầu thuyền. Dưới thân trống có 3 hình bò, đáng chú ý tổ hợp nét hoa văn trên thân bò chỉ cốt đẹp mắt, không tả thực, đặt 2 hình tròn chấm tâm ở cả mắt lẫn u bò. (Nguồn: sách Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử 1975)

Tiếp theo, nghệ nhân Việt cổ tạo hình các động vật trong tư thế và quy trình chuyển động của chúng. Một mặt là các hoạt động tự nhiên của chim- thú trong thiên nhiên: chúng bước, bay, lội nước rình cá, bắt cá và cả giao phối, ngay sát bên cạnh các hoạt động của con người, rất sinh động mà hồn nhiên nên đầy hấp dẫn.

Hình tượng động vật nhiệt đới trên đồ đồng Đông Sơn
Trái: hai hàng chim và thú trên thân một thạp đồng Đông Sơn.
Phải: trích đoạn mặt trống Ngọc Lũ với các vòng chim bay, hươu bước ngược chiều kim đồng hồ.

Mặt khác, các tác giả kỳ tài đã bắt chúng tham gia biểu diễn chuyển động theo vũ trụ luận của họ trên mặt trống đồng. Lấy mặt trời – ngôi sao nhiều cánh chẵn làm tâm, họ cho chim, hươu bay và bước theo các vòng đồng tâm khép kín trọn vẹn. Vẽ sao cho các con chim hay hươu đều cỡ đã khó, chia các khoảng cách cho chúng nối đuôi nhau đều đặn, khỏi dồn cục hay doãng rộng càng khó, lại còn khó nữa khi phải chú ý cho chúng đối xứng qua tâm theo từng đôi một hoặc từng đội hình hươu đối hươu và chim đối chim! Các tượng động vật gắn trên mặt trống và thạp cũng luôn đối xứng qua tâm mặt trời. Chúng hiện diện trong khuôn khổ vòng đồng tâm dành cho đồng loại. Ảo giác tạo ra là chúng chuyển động nhịp nhàng, đều đặn đến triền miên, không có điểm dừng. Đến đây xin chú thêm một ý là người viết có điều kiện đi nhiều nơi xa, được chứng kiến một số loại thổ dân múa trong ngày hội theo vòng tròn, họ múa say sưa, triền miên như không biết mệt. Hỏi tại sao vòng tròn thì họ trả lời (đại ý): “Năm nào mà chả xoay vòng xuân-hạ-thu-đông? Chim di cư nào mà chả bay đi, bay về theo mùa? Trăng sao nào mà chả băng qua bầu trời để đêm sau lại trở về vị trí cũ? Cây lương thực nào mà hàng năm chả phải gieo hạt đúng vụ để chín rộ đúng mùa?”… Đó chính là vũ trụ thiêng liêng của họ vậy!

4. Nghĩ về thiên nhiên và động vật thời Đông Sơn qua nghệ thuật trang trí đồ đồng của người Việt cổ

Thời Đông Sơn người ta chưa biết vẽ tranh theo ý nghĩa độc lập và trọn vẹn của hình thức này. Dù tập trung tinh hoa cao độ để biểu đạt vũ trụ luận một cách thành công trên mặt trống đồng thì các phân cảnh người múa, đàn hươu, đàn chim… chỉ mới là những phiến đoạn dù sinh động nhưng không trọn vẹn quang cảnh như ta quan niệm ngày nay. Không có cảnh trí thiên nhiên, hầu như vắng bóng thực vật, thiếu mọi côn trùng… nhưng ta vẫn thấy bóng dáng của đất nước Việt cổ thời nguyên thủy sinh động và giàu sản vật. Chim và thú nhiều vô biên mà lại sống hồn nhiên bên cạnh con người. Địa hình sông nước hiện lên rõ mồn một: rất nhiều thuyền, thường được “vẽ” trên các tang (vai) trống hay giáp che ngực xen kẽ với các loài chim nước chuyên bắt cá và cả thủy quái là cá sấu kết đôi mà sau này người ta gọi là “giao long”. Chắc hẳn thời đó rừng bạt ngàn và chim thú thì vô vàn nhưng người Đông Sơn chỉ tuyển chọn chứ không vẽ hết: trống đồng linh thiêng thường không có chỗ cho thú dữ; bò và thuyền rất nhiều mà chỉ ở tang và thân trống chứ không hề hiện diện trên mặt trống. Hươu và nhất là chim đông đảo theo đội hình trên mặt trống nên được đoán định là các vật tổ của người Việt cổ.

Đông Sơn là thời duy nhất trong lịch sử Việt Nam mà dường như mọi đồ vật đều được trang trí phủ kín bề mặt một cách tinh xảo và gắn tượng mini sinh động.

Họa sĩ Đức Hòa
Tác giả gửi Trí Thức VN

Xem thêm cùng tác giả:

Bình Luận