Một nguyên tắc lập quốc của Hoa Kỳ là cuộc sống và tự do của người dân sẽ không bị xâm phạm trừ khi tài sản của họ không được an toàn. Về bản chất, nguyên tắc này liên quan đến một quyền của con người mà chính phủ có khả năng phá hoại nhiều nhất, đó chính là quyền tư hữu.

Quy luật tự nhiên trao nhiều quyền cho con người và những nhà lập quốc Hoa Kỳ tin rằng trong số những quyền này, một quyền quan trọng nhất là quyền sở hữu tài sản và cần phải bảo vệ nó.

Chúa đã ban cho nhân loại sinh mệnh và hoàn cảnh sống, con người sử dụng sức mình để phát triển trên trái đất này. Kết quả cuối cùng của sự phát triển của con người chính là tài sản. Nếu tài sản không được bảo vệ thì sự phát triển của toàn bộ loài người sẽ dừng lại.

Nguyên tắc lập quốc Hoa Kỳ: Bảo vệ tư hữu, phúc lợi không nên đến từ chính phủ
Tranh của họa sĩ Benjamin West mô tả cảnh thu hoạch tại Windsor. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Vì sao lại nói như vậy? Trước hết, một tài sản, cho dù đó là cây bạn đã trồng hay ngôi nhà bạn đã xây, cuối cùng, nếu không được đảm bảo là thuộc sở hữu của bạn, vậy thì rất nhiều người sẽ tới tranh cướp nó, bởi vì cướp đoạt luôn dễ dàng hơn việc phát triển. Phát triển quá khó khăn và tốn thời gian, mọi người đều có xu hướng theo đuổi cách tiết kiệm sức lao động hơn và nhanh hơn. Tất nhiên, ngay cả khi có người cưỡng đoạt được một tài sản nào đó, thì cũng không có gì đảm bảo, bởi vì ai đó mạnh hơn họ sẽ lại muốn chiếm lấy.

Do đó, nếu quyền sở hữu tài sản của cá nhân không được bảo vệ, điều gì sẽ xảy ra? Một người làm việc chăm chỉ sẽ mất động lực làm việc. Dẫu không mất đi sức lao động họ cũng sẽ mất đi thành quả lao động. Những tên cướp trong xã hội sẽ hoành hành ngang ngược, sử dụng vũ lực để giành giật lấy thành quả đó. Toàn bộ loài người sẽ chỉ dừng lại ở mức duy trì cuộc sống, thậm chí là đói khát, vì tích lũy tài sản cũng tương đương với việc tự chuốc lấy tai họa.

Những nhà lập quốc Hoa Kỳ tin rằng tài sản là trí tuệ của một người và sự mở rộng đôi tay của họ. Bảo vệ tài sản suy cho cùng chính là để bảo vệ con người. Bởi vì bàn tay của họ và của cải được tạo ra bởi bàn tay đó thực sự là một thể thống nhất với họ, là một sự mở rộng tự nhiên.

Do đó, việc bảo vệ quyền sở hữu tài sản là bảo vệ quyền được hưởng lợi từ lao động. Đây cũng là một quyền tự nhiên được cấp cho con người theo luật tự nhiên. Tổng thống Lincoln từng nói, đại ý là: Tài sản là một điều tốt, một số người giàu có sẽ khiến mọi người thấy rằng họ cũng có thể làm được. Chúng ta không được lấy đi những ngôi nhà của người giàu, mà nên cố gắng tự xây một ngôi nhà cho mình. Hơn nữa sau khi xây xong, chúng ta biết rằng đó là của riêng chúng ta, và không ai có thể tước đoạt chúng.

John Adams, tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ, nói: “Quyền sở hữu tài sản cá nhân là nền tảng quan trọng nhất của tự do và hạnh phúc của con người. Khi quyền sở hữu tài sản không thiêng liêng như luật pháp của Thiên Chúa, không có công lý và luật pháp để bảo vệ nó, sự hỗn loạn và chuyên quyền sẽ bắt đầu.” Ông cũng nói: “Không có quyền sở hữu tài sản, tự do không còn tồn tại.”

Vai trò của chính phủ ở đây là bảo vệ quyền sở hữu tài sản của người dân. Không chỉ những tên trộm không được phép cướp đi ngôi nhà của bạn, mà chính phủ cũng không được phép lấy đi tài sản của người dân dưới bất kỳ hình thức nào. Chính phủ không có quyền lực như một tên trộm để lấy tài sản của một bộ phận người này và trao nó cho những người khác. Những nhà lập quốc nghĩ rằng đó là điều phi logic, bất công và phi đạo đức, về bản chất chính là cướp bóc và vi phạm hiến pháp.

Liên quan đến việc bảo vệ tài sản, bảo vệ tư hữu, thì còn một vấn đề khác, đó chính là phúc lợi. Thu thuế là một hình thức cưỡng chế và làm thu nhỏ quyền tư hữu. Nên có người sẽ thắc mắc: Nếu chính phủ không mạnh tay thu thuế làm phúc lợi, thì ai sẽ chăm sóc người nghèo? Ai sẽ cung cấp phúc lợi?

Câu trả lời của những nhà lập quốc là: Mọi người đều có thể làm việc này, còn chính phủ thì không nên.

Khái niệm này của những nhà lập quốc Hoa Kỳ là để cho người dân giúp đỡ lẫn nhau. Hành động giúp đỡ này xuất phát từ trái tim và không có nhân tố cưỡng chế. Anh ấy có hai chiếc xe, anh ấy sẵn sàng tặng một chiếc cho người khác, anh ấy rất hạnh phúc, và người được tặng cũng rất hạnh phúc.

Một yếu tố khác, khi các công dân giúp đỡ lẫn nhau, cũng giống như anh em giúp đỡ lẫn nhau vậy.

Ngoài ra, người nhận sẽ không dễ nuôi dưỡng tính dựa dẫm, không thể có chuyện năm nay cho họ một chiếc xe, năm sau, năm sau nữa, hàng năm đều phải cho họ một chiếc xe. Họ sẽ trân trọng khi nhận được nó, bởi họ biết điều này có được không dễ dàng. Cũng như sự giúp đỡ lẫn nhau giữa anh em, có thể xóa đói giảm nghèo, nhưng nó sẽ không nuôi dưỡng sự ỷ lại.

Nếu chính phủ đứng ra làm phúc lợi, và chính phủ trở thành “một người tốt”, thì giống như một người cha cho con trai mình, người con trai sẽ dễ dàng nuôi dưỡng tâm thức ỷ lại.

Chính phủ làm điều đó, và những người cho nó chưa hẳn đã sẵn lòng, tương đương với việc chính phủ buộc họ phải cho đi, “Bạn đã hỏi tôi chưa?”

Người nhận nó lại cảm thấy thoải mái trong tâm, “Đây là từ chính phủ, đó là điều tự nhiên, tôi không phải cảm ơn bất cứ ai”. Thậm chí họ có thể còn ghen tị với việc người giàu nộp thuế quá ít và cống hiến quá ít. Họ vẫn nghĩ rằng chính phủ dường như có rất nhiều tiền, nên bản thân họ cũng không cần phải làm việc chăm chỉ.

Vì vậy, chúng ta sẽ thấy rằng các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã thiết kế nên một hệ thống rất thấu đạt để bảo vệ đạo đức của người dân. Nhiều ý tưởng của họ rất thực tế, không hô khẩu hiệu, mà xem xét vấn đề con người rất cẩn thận, suy xét chu toàn tới bản chất con người, lời lẽ thấu triệt.

Phúc lợi có thể đến từ những người dân trong cùng một nước, nhưng nó không nên đến từ chính phủ.

Theo Sound Of Hope
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: