George Washington đã nói một điều mà có thể nhiều người Hoa Kỳ hiện đại sẽ cảm thấy vô lý, và ông đã phát biểu ý kiến đó không phải trong một số tài liệu riêng tư, mà trong tuyên bố có lẽ là công khai nhất trong sự nghiệp chính trị của mình. Ông đã nói điều đó lúc đọc diễn văn chia tay ngay trước khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống. Ông nói:

“Trong tất cả những khuynh hướng và thói quen dẫn đến sự thịnh vượng về chính trị thì tôn giáo và đạo đức là những cột trụ không thể thiếu. Việc một người tuyên dương lòng yêu nước sẽ là vô nghĩa nếu bản thân anh ta đang cố gắng thay thế những trụ cột đó, những trụ cột trọng yếu của hạnh phúc con người, những trụ cột mà một người hay một công dân có nghĩa vụ phải bảo vệ… Những trụ cột tạo nên hạnh phúc cho cá nhân và công chúng mà cả một cuốn sách cũng không thể nào phân tích hết được.”

Phong thủy tốt nhất cho cuộc đời bạn - Kỳ I: Thiện niệm xóa tan hận thù
George Washington (Tranh: Gilbert Stuart, Wikipedia, Public Domain)

Theo ngài George Washington, một người Hoa Kỳ không thể tuyên bố mình là một người yêu nước nếu họ “đang cố gắng thay thế những trụ cột trọng yếu của hạnh phúc con người”: tôn giáo và đạo đức.

George Washington đưa ra hai lý do cho nhận định của mình, trong đó lý do đầu tiên là:

“Nếu người ta không cảm nhận được tính khế ước thiêng liêng bên trong lời tuyên thệ tại các tòa án, thì làm sao tài sản, danh dự hay sinh mạng có thể được bảo vệ thông qua công lý đây?”

  •  Mời xem video: George Washington nói về tôn giáo và đạo đức

Tuyên thệ không phải chỉ là thủ tục khi một công dân tham gia vào tòa án hay khi họ đảm nhận vị trí mới tại các cơ quan công quyền khác nhau. Những lời tuyên thệ cầu xin Chúa Trời chứng giám cho tính trung thực của tuyên bố mà cá nhân đó đưa ra. Tuyên bố này có thể là bằng chứng, lời khai hay ý định của một người khi đảm nhận chức vụ công. Không một lời khai nào được chấp nhận trước tòa án Hoa Kỳ nếu không đi kèm với lời thề, bởi nếu nhân chứng nói dối thì đồng nghĩa với việc họ đã phản bội lại Chúa Trời. Vì vậy sau khi qua đời, những nhân chứng đó sẽ bị nguyền rủa – một hậu quả khủng khiếp đối với những người thật sự có tín ngưỡng và đức tin.

Luật sư người Pháp Alexis de Tocqueville từng nghiên cứu Hoa Kỳ trong nhiều năm đã mong muốn tìm kiếm lý do đằng sau sự phồn vinh của Hoa Kỳ. Ông từng kể lại một sự kiện như thế này:

“Khi tôi còn ở Hoa Kỳ, tôi đã thấy một nhân chứng tham dự một phiên tòa ở quận Chester, New York, tuyên bố không tin vào sự tồn tại của Chúa cũng như sự bất diệt của linh hồn. Thẩm phán đã từ chối chấp nhận lời tuyên thệ của anh ta vì cho rằng nhân chứng ấy đã tự hủy hoại sự đáng tin trong lời khai của chính mình. Báo chí đã đưa tin về sự việc mà không cần bình luận thêm.”

Tại sao một thẩm phán Hoa Kỳ lại coi niềm tin vào Chúa quan trọng và cần thiết đến vậy cho một lời tuyên thệ? William Blackstone, thẩm phán người Anh nổi tiếng, người đã thành lập trường luật đầu tiên tại Đại học Oxford, người ảnh hưởng lớn đến các vị Cha lập quốc Hoa Kỳ đã giải thích như sau:

“Niềm tin về một trạng thái thưởng phạt trong tương lai, những ý tưởng về các thuộc tính đạo đức của Đấng Tối Cao, và sự thuyết phục rằng mỗi người đều phải chịu trách nhiệm, và cuối cùng phải bồi thường hết thảy cho những hành động của mình (những điều được tiết lộ rõ ràng trong các giáo lý, hay nghiêm khắc hơn là các giới luật của Đấng Cứu Thế của chúng ta) – Đó là nền tảng lớn nhất của các lời thề trong phiên xét xử; Chúa được thỉnh cầu để chứng kiến sự thật, sự thật mà có lẽ là chỉ Ngài và bên chứng thực mới biết: do vậy tất cả bằng chứng dựa trên đạo đức, tất cả niềm tin vào sự thành thật của con người chắc chắn sẽ bị suy yếu nếu cá nhân đó không thật sự ngoan đạo, và chắc chắn sẽ sụp đổ nếu cá nhân đó vô đạo.”

Điều này liên quan chặt chẽ đến lý do thứ hai mà George Washington đưa ra trong Diễn văn Chia tay để minh chứng cho lập trường của ông:

“Nếu thử giả định một cách thận trọng rằng đạo đức có thể được duy trì mà không cần tôn giáo. Với giả định đó, hãy xem xét những hiểu biết của chúng ta về sức ảnh hưởng của nền giáo dục tinh tế đối với tâm trí con người. Và bạn sẽ thấy cả lý trí và kinh nghiệm đều không cho phép chúng ta kỳ vọng rằng đạo đức của quốc gia có thể chiến thắng [những điều thế tục] mà không cần sự hỗ trợ của tôn giáo.”

Các vị Cha lập quốc Hoa Kỳ thuộc về thế hệ ham đọc sách nhất trong lịch sử đất nước. Một trong số các chủ đề mà họ quen thuộc nhất là lịch sử, đặc biệt là lịch sử Hy Lạp và La Mã.

Các nhà sử học Hy Lạp như Polybius coi nguyên nhân trỗi dậy của nhà nước La Mã nằm ở việc họ coi những lời thề (tư pháp và các nghĩa vụ khác) như nghĩa vụ thiêng liêng. Các chính khách La Mã như Cicero đã có những kết luận tương tự nhiều thế kỷ sau đó. Niềm tin như thế đã kiến tạo nên nhà nước La Mã và đồng thời củng cố lòng tin giữa người với người trong dân chúng La Mã.

Tương tự như vậy, các nhà sử học và chính khách cổ đại cho rằng sự sụp đổ của Cộng hòa La Mã là do niềm tin tôn giáo bị suy giảm, đi kèm với suy thoái đạo đức. Ngay cả trong thời kỳ tiền Kitô giáo, người ta cũng coi tôn giáo và đạo đức là có mối liên hệ mật thiết không thể tách rời, bởi sự tồn tại của một thế giới bên kia với những phần thưởng và hình phạt tương xứng với những hành động trong đời sống hiện tại. Bạn có thể trốn tránh công lý của con người, nhưng không bao giờ có thể trốn tránh công lý của Đức Chúa Trời. Điều này đóng vai trò như một dây cương mạnh mẽ kiềm chế những dục vọng ham muốn tội lỗi nhất của con người.

Niềm tin vào Chúa, và điều mà các vị Cha lập quốc Hoa Kỳ thường gọi là “trạng thái tương lai” mà trong đó hành vi của mỗi cá nhân trong cuộc sống đều đi kèm với “phần thưởng và hình phạt” là niềm tin về vai trò thiết yếu của tôn giáo đối với một xã hội tự do. Trong các vị Cha lập quốc của Hoa Kỳ, cho dù là người sùng đạo như Benjamin Rush hay ít sùng đạo hơn như Thomas Jefferson, tất cả đều nhất trí với quan điểm trên.

Các vị Cha lập quốc sẽ nói giống như John Adams, Tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ, những điều như:

“Tôi coi tôn giáo là nền tảng vô cùng trọng yếu của đạo đức. Bất kỳ một ai không có tín ngưỡng trong lịch sử Hy Lạp hoặc La Mã, cũng như trong bất kỳ cuốn sử nào khác mà tôi đọc, hay bất kỳ một ai không có tín ngưỡng mà tôi gặp trong cuộc sống, đều là những kẻ vô lại. [Tôi chưa biết ai không có tín ngưỡng mà vẫn có đạo đức.] Hãy kể tên một ai đó nếu bạn có thể, dù người đó còn sống hay đã chết.”

Do đó, George Washington đã không ngại ngần khẳng định rằng việc lật đổ những chân lý vĩ đại về tôn giáo và đạo đức sẽ không bao giờ có thể là một hành động yêu nước.

Tác giả: Joshua Charles
Dịch giả: Hoa Minh

Dịch thoát từ bài viết “Timeless Wisdom: George Washington Deemed Religion and Morality Essential to Political Prosperity” của Joshua Charles đăng trên Epoch Times.

Joshua Charles từng là người viết bài phát biểu tại Nhà Trắng cho Phó Tổng thống Mike Pence. Ông là tác giả, nhà sử học, nhà văn, nhà viết kịch bản và diễn giả. Ông từng là cố vấn lịch sử cho một số bộ phim tài liệu và xuất bản sách về các chủ đề khác nhau, từ các vị Cha lập quốc Hoa Kỳ cho đến Israel, vai trò của đức tin trong lịch sử Hoa Kỳ, cho đến tác động của Kinh Thánh đối với nền văn minh nhân loại. Ông là biên tập viên của cuốn “Kinh thánh tác động toàn cầu”, được xuất bản bởi Bảo tàng Kinh Thánh có trụ sở tại D.C. vào năm 2017 và là học giả của Trung tâm Khám phá Niềm tin và Tự do ở Philadelphia. Đồng thời, ông còn là một nghệ sĩ piano, có bằng thạc sĩ chính phủ và một bằng luật. Theo dõi Joshua trên Twitter @JoshuaTCharles hoặc trên trang JoshuaTCharles.com.

Xem thêm:

Mời xem video: